Cục thuế tỉnh Bình Định mới đây có quyết định về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng.
Cụ thể, cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt, địa chỉ trụ sở tại khu số 4, Khu du lịch biển Nhơn Lý - Cát Tiến (xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn, Bình Định). Địa chỉ nhận thông báo thuế tại tầng 22, tòa nhà Bamboo Airways, số 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Lý do bị cưỡng chế do công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là 102,5 tỷ đồng.
|
Bamboo Airway bị cưỡng chế hơn 100 tỷ đồng tiền thuế |
Theo ông Nguyễn Đẩu - cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định, các tài khoản của Bamboo Airways sẽ bị phong tỏa tại 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quy Nhơn, Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Bình Định và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam.
Đồng thời yêu cầu các ngân hàng nêu trên trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của Hãng hàng không Bamboo Airways để nộp vào tài khoản của Cục Thuế tỉnh Bình Định mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định.
"Trường hợp số tiền trên tài khoản của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của công ty này trong thời gian quyết định có hiệu lực.
Trước đó, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cho biết tính đến hết quý II năm 2023, dư nợ tín dụng của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Sacombank là 3.000 tỷ đồng, chiếm 0,7% tổng tín dụng.
Cụ thể, Bamboo Airways ghi nhận khoản lỗ lũy kế khổng lồ là 17.600 tỷ đồng trong năm 2022 so với khoản lỗ 2.300 tỷ đồng năm 2021. Ngoài ra, tổng tài sản cuối năm 2022 giảm mạnh 33% so với đầu năm xuống còn 18.000 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu là âm 836 tỷ đồng mặc dù vốn góp là 18.500 tỷ đồng. Trong năm 2022, các khoản phải trả của Bamboo Airways lên tới 18.800 tỷ đồng, trong đó tổng nợ là 10.600 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Bamboo Airways ở mức 18.008 tỷ đồng, giảm 8.849 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả của hãng bay là 18.844 tỷ đồng, tăng trên 8.770 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Trong đó, nợ ngắn hạn là chủ yếu với hơn 17.342 tỷ đồng.
Cuối tháng 9, theo Dân Trí, một số phi công của Bamboo Airways đã nghỉ việc ở hãng bay này từ tháng 7 do tình hình chậm trả lương. Đã có khoảng 30 phi công nước ngoài xin nghỉ, chiếm hơn 10% tổng số phi công của hãng bay này trong tháng 6. Hãng thừa nhận đã cắt giảm một số nhân sự là phi công, tuy nhiên phủ nhận thông tin chậm trả lương.
Minh Châu (t/h)