Chúa đảo Tuần Châu và những suy nghĩ táo bạo
Đại gia Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu (sinh năm 1954) nổi tiếng với những dự án bị coi là "điên rồ".
Ít ai biết, ông từng có một thuở hàn vi khá cơ cực, lang thang hè phố, bươn trải với bao công việc lao động chân tay vất vả. Ông từng là chiến sĩ trong binh đoàn tàu không số thời chống Mỹ. Sau khi rời quân ngũ với số tiền trợ cấp xin việc ít ỏi, ông quyết định bám trụ Sài Gòn để khởi nghiệp. Ông bươn chải kiếm sống trong nhiều lĩnh vực, từ nước giải khát, phân bón, bánh kẹo đến làm giấy.
|
Chúa đảo Tuần Châu - Đào Hồng Tuyển. Ảnh: Người đưa tin |
Năm 1997, ông Đào Hồng Tuyển lập ra một trong những dự án được coi là điên rồ nhất thời đó: Đầu tư 80 tỷ đồng mua đất để lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu, đổi lại sẽ được khai thác 98 ha đất trên đảo. Dự án khởi động đúng lúc kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng, có thời điểm không thể huy động cũng như vay thêm vốn từ ngân hàng, bạn bè xa lánh do sợ ông vỡ nợ, phá sản. 3 năm sau, con đường ra đảo hoàn thành, trở thành biểu tượng chinh phục thiên nhiên của người Quảng Ninh lúc bấy giờ.
Năm 2017, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất với Thành uỷ, UBND TP.HCM đầu tư xây dựng tổ hợp các đại dự án, trong đó có thành phố mới New City (huyện Củ Chi), đại lộ ven sông Sài Gòn, Sài Gòn Marina City (Cần Giờ) và cả dự án di chuyển chợ hoá chất Kim Biên (quận 5). Tổng dự toán kinh phí đầu tư cho các dự án trên khoảng 65.000 tỷ đồng.
Năm 2018, chúa đảo Tuần Châu đề xuất làm dự án nghỉ dưỡng quy mô gần 35ha tại Vũng Tàu.
Và mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu muốn đầu tư xây dựng sân bay, thành phố hải sản quy mô 500ha ở Cà Mau.
Chúa đảo Tuần Châu luôn tâm niệm, nếu không dám mơ ước làm những việc động trời, dám có những ý tưởng mà mọi người cho là điên rồ, thì sẽ khó có những thành công và thay đổi to lớn.
Bên cạnh các siêu dự án, đại gia Đào Hồng Tuyển còn gây xôn xao dư luận bằng hàng loạt hành động thiện nguyện. Năm 2005, ông tặng căn biệt thự trị giá 12 tỷ cho nạn nhân bão số 7. Vị đại gia cũng từng chi hẳn 600 triệu đồng để mua một tấm thiệp ủng hộ người nghèo.
Đại gia Dũng "lò vôi" và những phát ngôn gây sốc
Đại gia Dũng lò vôi (tên thật Huỳnh Uy Dũng) sinh năm 1961 ở Bình Định. Khởi nghiệp bằng lò vôi, và trải qua thăng trầm ông nổi danh nhờ khu du lịch Đại Nam rộng trên 450ha (Bình Dương).
|
Đại gia Dũng lò vôi. Ảnh: Dân Việt |
Theo các công ty kiểm toán, khối tài sản của ông Dũng có thể lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng nếu cổ phần hóa (theo nhiều thộng tin chưa kiểm chứng, tài sản của ông khoảng 50.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhiều lần chia sẻ trên báo chí, đại gia này không quá để tâm đến tiền bạc bởi ông xác định, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân.
Ông Dũng “lò vôi” còn nhiều lần gây xôn xao dư luận với những phát ngôn bạc tỉ và những quyết định gây sốc. Ông từng tuyên bố sẵn sàng chi 100 tỉ đồng để bảo vệ danh tiếng cho vợ, tặng siêu xe trị giá hơn 40 tỉ đồng hay tặng vợ đôi hoa tai bằng kim cương khoảng 30 cara, ước tính giá trị hơn 65 tỉ đồng, nhân kỷ niệm 5 năm ngày cưới …
Năm 2008, đại gia Huỳnh Uy Dũng lập "lời thể" tuyên bố từ nay không nợ nần hay vay mượn ai.
Năm 2013, ông di chúc để lại toàn bộ tài sản cho con trai 1 tuổi Huỳnh Hằng Hữu dưới danh nghĩa quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Không những vậy, ông Dũng lò vôi còn tự nhận có khả năng gọi mưa, ngăn bão, có thể làm chệch hướng bất kỳ cơn bão nào sắp đổ bộ vào nước ta.
Tháng 5/2020, ông tuyên bố bán tài sản đã tạo dựng trong hơn 40 nă qua để giúp đời, giúp người.
Hải đồ cổ: 4 lần vào tù vẫn sôi sục ý chí làm giàu
Ông Bùi Xuân Hải ( Hải đồ cổ) sinh ra và lớn lên ở huyện Ân Thi (Hưng Yên) trong một gia đình nghèo. Ông là anh cả trong gia đình có 5 anh chị em. Năm 1965, ông tốt nghiệp đại học, về dạy học ở Hưng Yên. Thời gian này, ông được học trò tặng chiếc bình cắm hoa. Hơn 5 năm sau đó, khi chuyển về Hải Phòng, ông vẫn đem theo chiếc bình trưng trong nhà làm kỷ niệm.
Sau này, ông bán chiếc bình cổ với giá 7 cây vàng. Chiếc bình cổ biến ông giáo nghèo thành người giàu có. Từ đó, ông lao vào săn tìm, thu mua bình lọ và tất cả những thứ cũ kỹ khác.
|
Doanh nhân Hải đồ cổ. Ảnh: Tri thức trẻ |
Nhờ vậy, ông thu mua được khá nhiều, bán lại cho giới chơi đồ cổ, thu về khối gia sản kếch xù. Đến năm 1980, ông đã có trong tay khoảng 3 tấn vàng. Từ Bắc vào Nam, ông Hải có tổng cộng 200 điểm cất giữ đồ cổ. Cái tên Hải đồ cổ bắt đầu nổi danh khắp nước.
Vừa buôn đồ cổ vừa buôn đồ cũ từ nước ngoài về, ông Hải trở thành một đại gia sở hữu tài sản lên đến nhiều triệu USD, từng được mệnh danh là người giàu nhất Hải Phòng, thậm chí giàu nhất Việt Nam.
Năm 1981, mang theo 1,7 kg vàng, ông Hải vào huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình mua đồng đen. Khi chủ nhà đưa ra cục đồng hun đen, công an ập vào thu sạch cả “đồng đen” lẫn vàng. Ông Hải phải ngồi trại 2 tháng vì buôn hàng “quốc cấm”.
Ra tù, ông thành lập công ty thiết bị giáo dục. Nhưng đến năm 1986, ông lại bị bắt vì tội đầu cơ đồ cổ. Năm 1986, ông lại bị bắt vì tội đầu cơ đồ cổ. Phải mất 21 tháng trong trại tạm giam, khi vụ án được đưa ra xét xử, tòa án luận tội “đầu cơ nhưng không trục lợi” và kèm theo bản án 20 tháng tù.
Được thả ngay sau phiên tòa, 4 giờ sau, ông đã có mặt ở nhà Bí thư TP Hải Phòng xin lập xí nghiệp tư doanh. Dồn hết vốn liếng lập công ty Havico chuyên sản xuất đồ gốm sứ và đồ giả cổ.
Ngày 19/1/1994, công an Hà Nội bắt ông Hải vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, do nợ của một công ty xuất nhập khẩu 400.000 USD. Ngày 31/5/1995, ông được trả tự do nhưng sản nghiệp đã mất hết.
7 năm sau, ông Hải lại bị bắt giam vì vi phạm Luật Đất đai và bị ngồi tù 14 tháng.
Giờ đây, tuy đã nhiều tuổi, doanh nhân Hải “đồ cổ” vẫn miệt mài với công nghệ kỹ thuật cao - vẽ vàng lên sứ với thương hiệu Haidoco. Những bộ sản phẩm của ông được làm bằng tay cực kỳ tinh xảo khiến thế giới nể phục.
Hoàng Minh