Mới đây, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade, mã: PRT) vừa công bố nhận được quyết định của Cục thuế tỉnh Bình Dương về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Protrade bị cưỡng chế hơn 144,1 tỷ đồng do nợ tiền thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. Biện pháp cưỡng chế là trích tiền từ tài khoản của công ty mở tại Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam – chi nhánh Bình Dương (BIDV) để thi hành thông báo tiền thuế nợ.
Trong trường hợp số tiền trên tài khoản ngân hàng của Protrade nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của Protrade trong thời gian quyết định có hiệu lực.
|
Khu công nghiệp quốc tế Protrade do Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương làm chủ đầu tư. Ảnh: Internet.
|
Tìm hiểu được biết, Protrade có tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 Sông Bé, vốn được xem là 1 trong 3 trụ cột của thành phần kinh tế Nhà nước tại tỉnh Bình Dương, được thành lập năm 1982. Protrade hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; sản xuất giấy và chế biến gỗ; trồng và chế biến mủ cao su, logictis, sân golf…
Protrade được cổ phần hóa vào năm 2015, bắt đầu giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM từ ngày 7/5/2018. Trụ sở chính của Tổng công ty được đặt tại A128 đường 3/2, khu phố Đông Tư, phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Tổng công ty là ông Nguyễn An Định.
Doanh thu Protrade thế nào?
Protrade được biết tới là doanh nghiệp đầu tư vào nhiều công ty thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, nổi bật nhất là việc nắm 30% cổ phần tại Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam – chủ thương hiệu của loạt thương hiệu sữa nổi danh trên thị trường hiện nay như: Ovaltine, Fristi, sữa tươi cô gái Hà Lan Dutch Lady, Friso, Friso Mum, YoMost… Ngoài ra, công ty sở hữu 24% vốn Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hạnh Phúc, quy mô 260 giường bệnh và 30% vốn tại Công ty TNHH YCH-Protrade chuyên cung cấp dịch vụ logistics.
Mặt khác, Protrade cũng đang sở hữu 3 sân golf tại Bình Dương với tổng diện tích là 414ha và Khu công nghiệp quốc tế Protrade diện tích 500ha, tổng vốn đầu tư là 150 triệu USD, vốn pháp định 30 triệu USD. Mảng nông nghiệp, Protrade trồng và chế biến mủ cao su tại Lào thông qua Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Việt Lào.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau soát xét, 6 tháng đầu năm 2023, Protrade ghi nhận doanh thu thuần đạt 417,4 tỷ đồng, giảm 458 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Cùng đó, công ty báo lỗ ròng gần 51 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023 (cùng kỳ năm 2022 ghi nhận lãi ròng hơn 223 tỷ đồng). Đây cũng là mức lỗ nặng nhất mà công ty ghi nhận kể từ khi lên sàn chứng khoán.
Giải trình nguyên nhân lỗ, Protrade cho biết do doanh thu kinh doanh giảm hơn 458 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm 52% trong khi giá vốn giảm 214 tỷ đồng, tỷ lệ giảm 37% vì tình hình hoạt động kinh doanh khu công nghiệp và sản xuất, thương mại tại các đơn vị thành viên gặp nhiều khó khăn.
Cùng đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn 26 tỷ đồng, tương ứng tăng 43% so với cùng kỳ năm trước do ghi nhận chi phí dự phòng khoản phải thu liên quan đến tạm nộp các nghĩa vụ bổ sung trong giai đoạn doanh nghiệp Nhà nước.
Tính đến cuối quý II/2023, Protrade có tổng tài sản 5.545 tỷ đồng, giảm gần 200 tỷ so với đầu năm. Tài sản tập trung ở tài sản cố định (1.610 tỷ đồng) và các khoản phải thu ngắn hạn + dài hạn (1.459 tỷ đồng). Doanh nghiệp có nợ phải trả ghi nhận ở mức 1.551 tỷ đồng, tuy nhiên nợ vay không đáng kể ở mức 75 tỷ đồng.
Mặt khác, thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất bán niên cho thấy, tại ngày 30/6/2023, hàng tồn kho của Protrade ghi nhận ở mức gần 550 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, bao gồm: Các chi phí đầu tư bất động sản nắm giữ để bán tại Công ty TNHH MTV Quốc tế Protrade tại dự án Khu công nghiệp quốc tế Protrade là 359,3 tỷ đồng; chi phí sản xuất kinh doanh tại Công ty CP Cao su Dầu Tiếng Việt Lào hơn 10,5 tỷ đồng. Hàng hóa tồn kho gần 165 tỷ đồng chủ yếu là các loại cây kiểng phục vụ kinh doanh tại công ty mẹ - Tổng công ty và hàng hóa nhu yếu phẩm, xăng dầu tại Công ty CP Thương mại Tổng hợp Thuận An.
Đáng chú ý, Protrade ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại Khu tái định cư tại Khu công nghiệp – dịch vụ An Tây là hơn 64,5 tỷ đồng; Khu quy hoạch Gò Chai là 40 tỷ đồng…
Liên Hà Thái