Tuy nhiên, hiện giá vẫn chưa phải quá cao, và theo người dân Thanh An, thời gian gần đây có thương lái Trung Quốc đến “gom” dê thương phẩm đủ mọi loại.
Nếu đúng, thì cơn sốt giá này có tính nhất thời, vẫn phải thận trọng khi tăng đàn.
Nhộn nhịp lái dê
Ông Phạm Văn Sinh, ở ấp Trung Sơn, xã Thanh An cho biết, ông vừa xuất bán một lúc 5 con dê tơ đực thương phẩm, mỗi con từ 24 - 26kg với giá 90 ngàn đồng/kg, tăng 15 ngàn đồng/kg so với đầu năm. Hiện đàn dê của ông còn gần 3 chục con và ngày nào cũng có lái đến nhà hỏi mua nhưng ông không bán.
|
Ông Phạm Văn Sinh bên chuồng dê có giá cao |
Theo ông, đang là mùa mưa, nguồn thức ăn dồi dào, nên để cuối mùa mưa, thức ăn khan dần, lúc đó dê cũng đạt loại I, giá cao hơn, xuất chuồng cũng chưa muộn.
Tương tự, nhiều hộ nuôi dê ở Thanh An dù không có nhu cầu bán nhưng thương lái đến hỏi mua liên tục. “Ngoài nuôi dê, em còn buôn dê mà hôm nay có 4 - 5 lái đến nhà em hỏi mua. Đúng ăn mày gặp ăn xin. Thanh An giờ không còn dê bán nữa”, anh Chung, một thương lái nói. Chị Thị Xa Ri, ấp Lồ Ô cho biết: “Dê tăng giá 10 ngàn đồng/kg so với trước. Nhà em còn mấy con, hiện thức ăn dồi dào, dê chưa đạt loại 1 em chưa muốn bán mà một tuần lái tới hỏi 3 lần”.
Anh T, một thương lái lớn ở Thanh An cho biết: Hiện nguồn cung tại tỉnh không đủ cầu nên anh phải tìm kiếm nguồn hàng từ các tỉnh khác như Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Đăk Lăk. “Tôi chủ yếu mua lại của các lái nhỏ, đến nhà dân mua rất khó. Bình quân tôi mua 4 tấn/tuần, các lái khác mua nhiều nữa. Hàng ngày có khoảng 30 thương lái lùng mua dê ở Thanh An, từ 7 giờ sáng lái chở sọt phía sau chạy rầm rập trên đường. Người nuôi dê cũng trở thành lái. Có mối hàng do không đủ nguồn cung nên tôi phải từ chối”.
Vợ chồng bà Bùi Thị Mai, ông Trần Văn Chung, ở ấp 2, xã An Khương còn 20 con dê trong chuồng, dù chưa đạt tiêu chuẩn loại 1 nhưng đã có lái đến đặt vấn đề ký hợp đồng bao tiêu với giá 90 ngàn đồng/kg đối với dê đực loại 1. Dê loại 2 cũng mua với giá cao hơn giá thị trường từ 10 - 15 ngàn đồng/kg. Thương lái còn nhờ bà Mai đưa hợp đồng cho các hộ xung quanh.
Theo ông Sinh, hiện ở Thanh An, dê thịt khan hiếm do giảm đàn sau khi giá rớt thê thảm năm ngoái, nguồn thức ăn khan hiếm mùa khô. Vào thời điểm đầu năm, giá dê hơi đực loại 1 chỉ khoảng 60 - 70 ngàn đồng/kg.
“Nguyên nhân khan hiếm dê ở Thanh An hiện nay một phần do số dê già, dê nhỏ con, dê sinh sản nhiều lứa, chất lượng giống kém, nên người nuôi bán đi. Trong khi giá dê thương phẩm rớt thì thức ăn lại hiếm, nhiều hộ không cầm cự nổi nên bán cả chuồng, như trường hợp như hộ ông Phạm Văn Tuệ, tháng 3 vừa rồi, xuất bán cả chuồng 30 con, lỗ 20 triệu đồng”, ông Sinh nói.
Thương lái Trung Quốc mua nhiều
Anh T cho biết, vài tháng trở lại đây, lái địa phương thu mua dê xuất cho thương lái Trung Quốc. Họ thu gom dê đực già, ốm yếu, dê bầu, dê cái… không chê con nào, họ cũng mua hết với giá chung 40 ngàn đồng/kg. Có lúc một tuần họ yêu cầu gom 12 đến 15 tấn. Chúng tôi gom rồi bỏ cho họ, ăn chênh lệch. Có khi trong một bầy có vài con thải loại, chúng tôi xuất hết cho họ.
Bà Bùi Thị Mai kể: “Đợt này nghe nói xuất đi Trung Quốc nhiều. Hôm trước có lái mua dê đực già với giá 40 ngàn đồng/kg. Họ nói dê này Việt Nam không biết chế biến, có mùi hôi không ăn được, còn ở Trung Quốc họ biết cách làm. Tôi không biết họ đưa đi bằng cách nào”.
Theo ông Vũ Văn Cường, trưởng ấp Trung Sơn, bên cạnh việc người dân bán cả chuồng dê do giá giảm, thì tình trạng thương lái gom hàng ồ ạt, gom hết các loại dê, sẽ khiến đàn dê trong xã, huyện giảm mạnh. Ngoài ra, hiện tượng này có thể dẫn đến việc người dân lại đổ xô vào đầu tư đàn dê. Vì vậy cần tỉnh táo trong việc đầu tư, cân nhắc thời điểm xuất bán.
Hiện nay, rất nhiều hộ chăn nuôi chạy theo thị trường, khi thấy hút hàng thì đổ vào đầu tư. Khi giá rớt lại bán đổ bán tháo, hậu quả là lỗ nặng. Nên nếu tính toán kỹ, có thể giữ đàn, gặp đúng thời điểm hút hàng, có thể bán giá cao. Như trường hợp gia đình ông Sinh, ông dự trữ thức ăn cho dê trong mùa khô bằng cách trồng 1 sào cỏ, rau lang, bắp, 100 bụi chuối. Tương tự, gia đình bà Mai cũng dự trữ được nguồn thức ăn nên giữ được đàn, không phải bán đổ bán tháo.
Theo bà Mai, người nuôi phải chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho dê trong mùa khô, đủ khả năng nuôi dê đến khi đủ trọng lượng mới bán, như vậy không lo bị ép giá. “Nhưng ngoài thức ăn thô, chế biến sẵn, cần phải có thức ăn xanh, tươi, nếu không, dê thiếu chất, không tăng trọng được, chất lượng thịt kém. Chưa kể dê kháng bệnh kém, dễ bị bệnh”, bà Mai chia sẻ.
Theo Hồng Thuỷ/Nông nghiệp Việt Nam