Trung tuần tháng 10/2019, từ phản ảnh của người dân, chúng tôi có mặt tại cửa biển xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), nơi đang là công trường của dự án nạo vét thông luồng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Phan Rí.
|
Băm nát bờ biển để khai thác cát trái phép. |
Đường vào khu vực này đã bị chặn bởi một đoạn cây gỗ dài làm barie, trong căn chòi cạnh đó có 3-4 thanh niên ngồi cảnh giới. Gọi là công trường nạo vét thông luồng nhưng kỳ thực, hầu hết số cơ giới như cần cẩu, máy xúc lại đang hoạt động ngoài phạm vi dự án. Bãi biển cạnh dự án kéo dài hàng trăm mét bị các xe múc thay nhau múc tạo ra những hố sâu nham nhở khổng lồ.
Ông Hải - người địa phương dẫn đường cho chúng tôi cho biết đội cơ giới đang đào xới, băm nát bờ biển là của Công ty TNHH Khoáng sản Thiên Thiên Tường (TP.HCM). “Bờ biển đang bằng phẳng thì bị công ty này đưa cơ giới đến phá nát, gây sạt lở và vô cùng nguy hiểm cho người dân địa phương chúng tôi. Mỗi ngày có hàng chục chuyến xe ben tới đây vận chuyển cát đi. Tuy nhiên, việc này đã kéo dài quá lâu rồi nhưng không thấy ai ngăn chặn” - ông Hải bức xúc cho biết.
Cũng theo người dẫn đường, những hố sâu nói trên được tạo ra để lắng bùn nhằm tuyển rửa cát nước mặn, sau đó đưa lên xe và chở ra khỏi dự án.
Đáng ngạc nhiên đây là dự án đã được Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Việt Nam quy định khu vực thi công nạo vét, chuyển tải chỉ nằm trong khu vực có đường tròn bán kính 100 m tính từ cửa biển Phan Rí. Ngoài ra phương tiện được phép thi công tại khu vực này cũng chỉ gồm: Tàu đào gầu dây, sà lan, tàu hút bùn và tàu kéo chở bùn. Thế nhưng với những gì mà chúng tôi trực tiếp chứng kiến thì khu vực “thi công" lại nằm trên bãi biển, kéo dài hàng trăm mét và rất nhiều xe múc, xe ben hoạt động rầm rộ ngày đêm.
Lợi dụng dự án nạo vét khẩn cấp
Được biết dự án này ban đầu được cấp cho Liên đội Nông lâm ngư Thanh niên xung phong Trường Sơn, đến tháng 12/2017 được chuyển cho Công ty Thiên Thiên Tường. Công ty này được gia hạn thời gian thực hiện dự án trong ba năm với khối lượng nạo vét dự kiến gần 800.000 m3.
Đến cuối năm 2018, cửa biển Hòa Phú - Phan Rí Cửa bị lấp, tàu thuyền không ra vào được do ảnh hưởng của bão số 9 nên công ty này được giao thêm dự án nạo vét khẩn cấp khôi phục thông luồng cửa biển Phan Rí Cửa. Tiếp đó, tháng 3-2019 Sở NN&PTNT có công văn thẩm định phương án nạo vét khẩn cấp khôi phục tuyến luồng cửa biển Phan Rí Cửa. Đến ngày 5-6-2019, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn đồng ý cho Công ty Thiên Thiên Tường thực hiện thu hồi cát nhiễm mặn từ dự án nạo vét, thông luồng cửa biển Phan Rí. Công ty này được vận chuyển khối lượng 57.904 m3 cát nhiễm mặn bao gồm: 9.904 m3 đã thu hồi trong năm 2018 và 48.000 m3 nạo vét khẩn cấp trong năm 2019.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo UBND xã Hòa Phú (huyện Tuy Phong) xác nhận Công ty Thiên Thiên Tường đã tự ý múc những hố sâu dọc bờ biển hai thôn Phú Hải và Phú Tân là đất do xã quản lý. Theo vị này, cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2019, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Thành và Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hồng Phi liên tiếp có hai văn bản yêu cầu Công ty Thiên Thiên Tường ngưng việc khai thác cát ngoài phạm vi dự án, trả lại hiện trạng ban đầu cho bờ biển do việc động của công ty này đã gây sạt lở bờ biển và nguy hiểm đến tính mạng người dân.
|
Hiện trường khai thác cát trái phép và vận chuyển đi tiêu thụ. |
Sau đó đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Thuận đã lập biên bản Công ty Thiên Thiên Tường do múc đất và tạo hồ lắng trái phép, đồng thời yêu cầu công ty này trả lại hiện trạng ban đầu. Tiếp đến, tổ giám sát thực hiện theo quyết định của UBND huyện Tuy Phong mời đại diện công ty này đến, lập biên bản yêu cầu đơn vị thi công phải trả lại mặt bằng hiện trạng, tạm ngưng thi công và UBND xã Hòa Phú giám sát xuất cát ra khỏi khu vực.
Trong báo cáo mới đây của UBND huyện Tuy Phong, ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, ký cho biết: Từ tháng 9/2019 đến nay Công ty Thiên Thiên Tường chưa bố trí phương tiện nạo vét theo phương án; sử dụng bơm hút cát tự tạo chứ không phải tàu hút cát để nạo vét không đúng kế hoạch đăng ký và không đảm bảo an toàn. Đặc biệt là công ty này vẫn chưa trả lại hiện trạng mặt bằng bờ biển tại hai thôn Phú Hải và Phú Tân, xã Hòa Phú mà công ty tự ý đào múc hố để xử lý cát. UBND huyện Tuy Phong đề xuất Sở NN&PTNT cho tạm dừng việc nạo vét khẩn cấp cho đến khi chủ đầu tư bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực; cam kết tuân thủ nghiêm túc các quy định, phương án được duyệt và xử lý, vận chuyển, tiêu thụ cát sau nạo vét đúng quy định.
Về vấn đề trên, chiều 24/10, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết đã yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở TN&MT kiểm tra, xem xét kiến nghị của UBND huyện Tuy Phong và xử lý các vấn đề nghiêm theo quy định trước ngày 30/10.
Chiều cùng ngày, trao đổi với PV, bà Phạm Thị Chất, Phó Giám đốc Công ty Thiên Thiên Tường, cho biết công ty của bà có đào hai hố sâu dọc bãi biển để tuyển rửa cát nước mặn. “Hiện nay chúng tôi đã san lấp một hố, riêng hố còn lại đào đâu thì còn đó và chỉ bị xử phạt hành chính thôi do mình không xin phép. Dự án của chúng tôi gần 800.000 khối cát mà chưa lấy một hột cát thì khai thác cát ngoài bãi biển làm gì. Trong khi dự án nạo vét khẩn cấp chủ yếu là bùn sình chứ làm gì có cát mà vận chuyển đi bán” - bà Chất khẳng định.
Một nguồn tin cho biết hiện nay vẫn còn một hố sâu rộng khoảng 600 m2 vẫn chưa san lấp. Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đang yêu cầu Công ty Thiên Thiên Tường cung cấp chứng cứ mà công ty này cho rằng vận chuyển cát dôi dư cũ để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.
Theo Phương Nam/PLO