Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2023.
Theo đó, để có thêm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, Bộ Tài chính trình Thủ tướng quyết định cho phép gia hạn chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước như mức áp dụng năm 2022.
Cụ thể, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước phải nộp năm nay.
Mức giảm tiền thuê đất, mặt nước được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước của năm 2023. Trường hợp người thuê đang được giảm hoặc khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định, thì mức giảm 30% này được tính trên số tiền thuê đất, mặt nước phải nộp sau khi đã giảm hoặc khấu trừ.
|
Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 30% tiền thuê đất |
Để đơn giản thủ tục hành chính và thuận lợi trong tổ chức thực hiện; hạn chế tình trạng xin cho khi phải đi xin xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thành phần hồ sơ chỉ gồm 02 loại văn bản gồm Gấy đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê đất mặt nước và Quyết định cho thuê đất, thuê đất mặt nước hoặc Hợp đồng thuê đất, thuê đất mặt nước hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản sao).
Đồng thời theo quy định hiện nay thì người nộp thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp nên khi đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin và đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của mình.
Trước đó, vào năm 2022 Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định cho phép giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2022. Số tiền thuê đất được giảm (30%) nghĩa vụ cho doanh nghiệp, người dân lần này là khoảng 3.500 tỷ đồng/năm, qua đó đã góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân trong việc tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thực tế hiện nay, các ngành như bất động sản, khai khoáng, nông nghiệp... gặp nhiều khó khăn. Đồng thời cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột Nga - Ukraina, tín dụng bị thắt chặt, chi phí tiếp cận tài chính tăng,... Đây là những ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp có sử dụng đất để thực hiện hoạt động sản xuất kinh, doanh.
Minh Quang