Sa Pa không bóng du khách, hầu hết nhà hàng, khách sạn đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19. Hệ luỵ là các hộ dân nuôi cá hồi có nguy cơ vỡ nợ vì không bán được cá.
Là hộ nuôi cá hồi lớn nhất Sa Pa với hơn 100 bể nuôi, hiện anh Trần Thái và chị Bùi Ngọc Hương đang đứng ngồi không yên vì có khoảng 65 tấn cá hồi đến tuổi thu hoạch nhưng không biết bán cho ai.
|
Hơn 40 bể cá với 65 tấn cá hồi Sa Pa đến kỳ thu hoạch nhưng không có người thu mua. |
“Nhà tôi nuôi cá hồi theo tiêu chuẩn VietGap, giống cá được nhập khẩu trực tiếp từ Ukraina. Quá trình nuôi yêu cầu phải rất cẩn thận và tỉ mỉ như: ghi chép cẩn thận về ngày xuống giống, chủng loại giống, loại thức ăn cho ăn; đặc biệt có sổ theo dõi các bể nuôi về lượng thức ăn, thuốc phòng bệnh. Chi phí nuôi cá tăng lên 20 - 25%. Trước đây, cá nuôi không đủ cung cấp cho thị trường tại Sa Pa để phục vụ khách du lịch với giá bán tại bể khoảng 260.000 đồng/kg”, anh Thái cho biết.
Theo anh Thái, những năm trước, thời điểm ra Tết có đông khách du lịch lên Sa Pa du xuân nhất, cá hồi được thu mua hàng ngày với giá cao, vì thế các hộ nuôi sẽ xuống giống vào thời điểm phù hợp để ra Tết được thu hoạch. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Sa Pa vắng bóng du khách, nhà hàng đóng cửa, cá hồi Sa Pa không có nơi tiêu thụ. Hiện tại, anh Thái đang tiến hành sản xuất thêm cá hồi hun khói và ruốc cá hồi nhằm đa dạng sản phẩm, phục vụ được nhiều đối tượng khách hàng
|
Không còn cách nào khác, vợ chồng anh Thái đã đăng bài kêu gọi “giải cứu” trên chợ online nhằm tìm đầu ra cho cá hồi Sa Pa. |
“40 bể cá nhà tôi đến kỳ thu hoạch nhưng không có đầu ra dù tôi chấp nhận lỗ để bán với giá thấp. Hai vợ chồng tôi tìm cách đăng bài bán online nhưng lại không có điểm tập kết giao hàng tại Hà Nội, cũng không có cách nào đưa hàng vào hệ thống siêu thị hoặc cửa hàng thực phẩm”, anh Thái thở dài.
Anh Nguyễn Văn Hưng - người thu mua cá hồi nhằm tiêu thụ cho người dân Sa Pa - cho biết từ khi có lệnh cách ly toàn xã hội, các tuyến xe khách từ Sa Pa đi Hà Nội và các tỉnh không hoạt động nên anh cũng dừng việc tiêu thụ cá. “Trước đây, cứ 15-20 phút lại có một chuyến xe từ Sa Pa đi các tỉnh, mỗi ngày tôi đều đi đến các bản cách thị trấn 20-30 km để thu mua cá tiêu thụ giúp bà con nhưng giờ xe không chạy, muốn bán cũng không có cách nào”.
|
Cá hồi được rao bán với giá rẻ chưa từng có, chỉ từ 200.000 đồng/kg. |
Theo anh Hưng, chưa bao giờ Sa Pa lại vắng tanh, không một bóng du khách như thời điểm này. Không có khách du lịch cũng đồng nghĩa với việc không có người ăn cá hồi trong khi cá hồi nuôi tại Sa Pa chủ yếu phục vụ tại chỗ cho khách du lịch.
“Tôi cũng đã nghĩ đến phương án dùng xe tải vận chuyển cá tươi sống xuống Hà Nội để bán nhưng khách hàng chỉ mua số lượng ít, chi phí cầu đường, vận chuyển tốn quá nhiều. Giá như có cửa hàng hoặc siêu thị đứng ra làm đầu mối thu mua thì chúng tôi chở cá xuống ngay, thậm chí có thể sơ chế, hút chân không theo yêu cầu của khách.
Theo tôi tìm hiểu, đa số siêu thị và cửa hàng hải sản lớn tại Hà Nội hiện đang chỉ bán cá hồi Na-Uy với giá từ 350-500.000 đồng/kg mà chưa bày bán sản phẩm cá hồi Sa Pa giúp bà con nông dân trong nước”, anh Hưng nhận định.
Theo quan sát, trên mạng xã hội có rất nhiều bài viết đăng bán cá hồi Sa Pa theo giá “giải cứu” chỉ từ 200-250.000 đồng/kg với số lượng đặt hàng tương đối nhiều. Tuy nhiên, cũng không ít người bán phải đứng ra “xin lỗi” khách hàng vì gom đơn xong không có hàng trả khách vì khó khăn trong việc vận chuyển.
Theo Dân Việt)