Rảnh rỗi là lau chùi, tháo ra lắp lại
Sưu tập điện thoại từ năm 2007, mẫu đầu tiên anh Thái sở hữu là chiếc Vertu 2006 có giá 12 triệu đồng. Khi đó, anh phải chi tiêu tằn tiện, nhịn ăn nhịn mặc và tích cóp mấy tháng lương.
Anh cho biết, sở thích và máu chơi điện thoại đã chảy trong người từ rất lâu. Khi còn học phổ thông, anh đã lén trốn học để đi làm thêm, thậm chí còn bán cả chiếc xe đạp để gom đủ tiền mua bằng được chiếc Nokia 1280.
Đến nay, chơi và sưu tầm điện thoại gần 10 năm, anh Thái coi bộ sưu tập điện thoại như những đứa con cưng. Đều đặn mỗi tháng, anh dành hàng giờ ngồi kiểm tra, sắp xếp, lau chùi và ngắm nhìn góc gia tài nhỏ; thậm chí tháo tung các bộ phận trong máy ra, lắp lại.
|
Bộ sưu tập được cất giữ, bảo quản trong tủ kính để chống ẩm. |
“Nhiều hôm rảnh rỗi, tôi cứ ngồi mải mê ngắm từng điện thoại mà cảm thấy phấn khích vô cùng, có khi còn tự cười một mình. Nhiều người tưởng tôi có vấn đề, mới đầu cũng hơi ngại nhưng sau này thì cũng kệ. Sở thích của bản thân nên miễn sao mình vui là được”.
Hiện tại, dù đã chủ sở hữu của bộ sưu tập điện thoại bạc tỷ nhưng anh vẫn không quên thói quen cũ. Ngoài việc sắp xếp, lau chùi cho điện thoại, anh vẫn thường xuyên tháo và lắp ráp lại các linh kiện.
“Chính cái tính đó khiến tôi mất oan bao nhiêu tiền, bởi không cẩn thận làm vỡ màn hình là đi tong cả chục triệu. Ngoài ra, các linh kiện cổ rất khó tìm mua vì đa phần đã dừng sản xuất. Nhưng âu cũng là cái tính rồi, chơi mà không nghiên cứu, không mày mò, không thấu hiểu từng ngóc ngách trong máy thì gọi gì là chơi”, anh cười nói.
Để có được bộ sưu tập như hiện nay, anh phải đi săn lùng khắp nơi, cả trong và ngoài nước, nhiều năm liền. Nhờ tính chất công việc nên tháng nào anh cũng đi nước ngoài công tác. Hễ thấy các dòng máy độc đáo anh liền mua ngay.
Đến nay, anh Thái sưu tầm được hơn 60 chiếc điện thoại đến từ các thương hiệu nổi tiếng như Vertu, Nokia. Đây chủ yếu các dòng điện thoại cổ, hiếm có.
Chiếc đắt nhất mà anh sở hữu có giá hơn 1 tỷ đồng và chiếc rẻ nhất là khoảng 50 triệu đồng. Ước tính, tổng giá trị bộ sưu tập lên tới cả chục tỷ đồng.
“Món cổ nhất của trong kho tàng của tôi là chiếc Nokia 8910i sản xuất năm 2000 và chiếc Vertu 2006 - những món hàng cực phẩm bởi đã ngừng sản xuất, chỉ có ai chơi và sưu tầm thì may ra mới có”.
|
Chiếc điện thoại Vertu được thiết kế tinh xảo từ các chất liệu quý hiếm, độc đáo. |
Dù nhiều người ngỏ ý muốn mua và sẵn sàng trả giá cao gấp 5-6 lần nhưng chủ nhân bộ sưu tập nhất quyết không bán. Anh cho rằng, mỗi chiếc điện thoại đều có ý nghĩa riêng và gắn với bản thân mình một kỷ niệm nên thiếu đi bất kỳ cái nào thì sẽ không trọn vẹn.
Trung bình mỗi năm, anh sắm thêm từ 10-15 chiếc điện thoại, có tháng anh không ngần ngại chi cả tỷ đồng để sở hữu 3 đứa con cưng.
Chính bởi lý do này, anh và bạn gái nhiều lần bất đồng quan điểm. “Chúng tôi đã trải đủ cung bậc cảm xúc từ hiểu lầm, cãi nhau, chia tay xoay quanh vấn đề này. Tôi phải giải thích rất nhiều để cô ấy hiểu và tôn trọng quyết định của bản thân, chứ nếu nói bỏ thì rất khó vì đã ăn sâu vào máu rồi”.
70% bộ sưu tập là điện thoại đắt tiền
Anh nhận xét, việc sưu tầm điện thoại cũng giống như duyên phận, không phải cứ có tiền là mua được. Nó phụ thuộc lớn vào cảm tình giữa người bán và người mua, giữa người mua và vật phẩm.
“Năm 2012, tôi rất thích chiếc Nokia 8800 cổ của một vị khách trong TP.HCM. Tôi đã lên kế hoạch, đặt sẵn vé máy bay để vào rước em ấy, nhưng đến phút chót thì họ đổi ý và nhất quyết không bán nên tôi cứ tiếc mãi, buồn ngẩn ngơ cả tháng trời”.
Anh cũng cho rằng, các dòng điện thoại cổ, đặc biệt là Vertu, tuy không chạy theo xu hướng thị trường nhưng lại có khí chất riêng. Nó thể hiện sự vĩnh cửu, trường tồn với thời gian, mang lại đẳng cấp và sự tinh tế.
Bởi vậy, nhiều chiếc điện thoại quý anh thường đem làm quà tặng cho bạn bè, người thân, đồng nghiệp hoặc trao đổi lấy thứ khác chứ không bán.
Chiếm 70% số lượng trong bộ sưu tập của anh là dòng Vertu với các mẫu thiết kế đa dạng từ kiểu cách, tính năng cho đến tuổi đời. Các mẫu này thường dao động ở mức trên 100 triệu đồng, đặc biệt là dòng đính kim cương luôn thường trực ở ngưỡng từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Chủ nhân bộ sưu tập lý giải, lý do Vertu trở nên đắt đỏ là do công đoạn sản xuất cầu kỳ, chất liệu quý hiếm và mang đậm dấu ấn cá nhân người chế tác.
Mỗi chiếc Vertu làm ra đều được lắp ráp 100% bằng tay bởi những thợ thủ công hàng đầu trên thế giới, với đặc điểm nhận dạng là trên thân máy sẽ có chữ ký xác thực. Toàn bộ linh kiện trong máy đều là hàng thiết kế riêng với độ tinh xảo, chính xác gần như tuyệt đối. Màn hình, nút bấm, phụ kiện đi kèm thường các là kim loại quý như vàng, sapphire, kim cương,...
Anh Thái cho biết thêm, thú chơi và sưu tầm điện thoại cổ đặc biệt là các dòng đắt đỏ đã phổ biến từ rất lâu, đặc biệt là cộng đồng ở các khu vực thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng,... Thành viên trong hội chơi đều là người sành và yêu thích điện thoại nên không giới hạn lứa tuổi.
Để có một sưu tập khủng cả về chất và lượng thì người chơi phải bỏ ra số vốn không hề nhỏ, thế nên ngoài đam mê cần có khả năng tài chính.
Người hiểu và chơi máy không phải là mua máy về là để thể hiện đẳng cấp, đo độ giàu nghèo mà đơn giản là yêu, thích thì sưu tầm chứ không vì bất cứ lý do gì. Thứ quan trọng nhất trong cuộc sống là con người và là cách đối nhân xử thế với người xung quanh chứ không nằm ở chiếc điện thoại. Chiếc điện thoại có đắt, có giá bạc tỷ đến đâu thì vẫn không thể thay được những giá trị cốt yếu - anh Thái chia sẻ.
Theo Vietnamnet