Nhiều ngày nay, ông Đinh Văn Nhâm (trú tại xã Hương Đô, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) ra đồi cam Khe Mây gần nhà nhưng không phải làm công việc chăm sóc như thường lệ.
Thay vào đó, người đàn ông này phân loại cam bị rụng, những quả còn sử dụng được sẽ bán rẻ, còn lại buộc phải mang đi chôn lấp.
Cam Khe Mây rụng hàng loạt sau mưa lũ (Ảnh: Văn Nguyễn).
Tình trạng quả cam rụng hàng loạt xuất hiện sau đợt mưa lũ kéo dài hồi cuối tháng 10 vừa qua.
Gia đình ông Nhâm trồng hơn 3ha cam chanh và cam bù. Hiện, số cam chanh vào vụ thu hoạch, còn cam bù gần đến Tết Nguyên đán.
Khi mưa xuống, ông Nhâm tính toán phương án làm mương thoát nước, tránh ngập úng cho vườn cam. Tuy nhiên, lượng mưa quá lớn và kéo dài khiến dự định này không thể thực hiện, gây thiệt hại lớn.
"Chưa có năm nào cam rụng nhiều như vậy. Gia đình tôi thiệt hại trên 30%, mất cả trăm triệu đồng", chủ vườn có kinh nghiệm 15 năm trồng cam, than thở.
Ngoài gia đình ông Nhâm, nhiều hộ khác tại "thủ phủ" cam Khe Mây, xã Hương Đô như đang "ngồi trên đống lửa" vì cam rụng quá nhiều.
Hiện tượng cam rụng cũng xảy ra tại một số xã ở huyện Vũ Quang (Ảnh: Văn Nguyễn).
Ông Đinh Quốc Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Đô, cho biết, địa phương có gần 300ha diện tích trồng cam. Do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, năm nay, 100ha cam có nguy cơ bị rụng quả 30-60%.
Mỗi héc-ta cam trung bình cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả. Trong khi đó, nhiều đồi cam rụng quả đến hơn một nửa.
"Nhiều hộ mất trắng trước vụ thu hoạch. Việc cam rụng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, địa phương đang cho rà soát để thống kê về số lượng", ông Quân nói.
Không chỉ xã Hương Đô, hiện tượng cam rụng còn xảy ra ở các xã Hương Thủy, Phúc Trạch, Điền Mỹ, Lộc Yên (huyện Hương Khê) và một số xã của huyện Vũ Quang.
Hương Khê là địa phương chịu thiệt hại nặng nề sau đợt mưa lũ hồi cuối tháng 10 (Ảnh: Dương Nguyên).
Ngoài cam, nhiều vườn bưởi đặc sản Phúc Trạch cũng bị ảnh hưởng nặng nề sau đợt mưa lũ vừa qua. Riêng tại xã Hương Trạch có tới 90ha bưởi bị ngập. Lũ rút, cây bưởi xuất hiện tình trạng rụng lá, nhiều cây bưởi khó hồi phục, nguy cơ chết.
Theo ông Đinh Công Tịu, Chủ tịch Hội Nông dân Hương Khê, đơn vị đã phối hợp với các phòng, ban, đơn vị liên quan khảo sát, phân công cán bộ kỹ thuật về tận hộ dân để hướng dẫn bà con cách xử lý bưởi bị ngập.
Ngoài tập huấn, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân cách xử lý nấm bệnh và chăm sóc cây bưởi Phúc Trạch sau mưa lũ nhằm hạn chế thiệt hại.
Trong đợt mưa lũ xảy ra từ ngày 29 đến 31/10, huyện Hương Khê ghi nhận 3 người dân tử vong. Gần 1.000 nhà dân tại huyện này ngập lũ, nhiều công trình công cộng chịu ảnh hưởng.
Theo ước tính, lũ lụt gây thiệt hại cho huyện Hương Khê trên 150 tỷ đồng.
Theo Dương Nguyên/Dân trí