Sau Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá cam sành Hà Giang xuống thấp chưa từng có. Giá cam tại vườn ở Hà Giang có thời điểm được ghi nhận chỉ ở mức 3-5.000 đồng/kg.
Khắp các khu chợ truyền thống hay trên chợ mạng, giá cam sành cũng được rao bán với giá chỉ từ 7.000-10.000 đồng/kg. Dù cam vào chính vụ, giá lại “siêu rẻ” nhưng lượng tiêu thụ của người dân lại không nhiều.
Cam sành chín vàng rực được bày bán khắp các khu chợ với giá chỉ từ 7.000-10.000 đồng/kg.
Để bán được hàng với số lượng nhiều hơn, nhiều tiểu thương đã mua thêm dụng cụ vắt nước cam, đóng thành từng chai nhỏ để bán.
Ngồi bán cam tại chợ Nguyễn Phúc Lai (Đống Đa, Hà Nội) đã nhiều năm nhưng năm nay chị Hoa mới bán thêm nước cam vắt. Nhờ “sáng kiến” này, mỗi ngày chị có thể bán được từ 2-3 tạ cam, thu về từ 300-400.000 đồng.
“Trước đây, tôi chỉ bán cam theo cân. Cứ từ sáng đến trưa là bán hết 2 sọt, khoảng 2 tạ nhưng năm nay Covid-19 nên ế lắm. Ngồi ngáp cả ngày, từ sáng đến trưa có khi mới bán được vài chục cân. Thấy mọi người vắt nước cam rồi bán theo chai bán nên tôi cũng làm theo, ai ngờ khách mua nước cam nhiều hơn mua quả”, chị Hoa cho biết.
Vừa ngồi bán cam chị Hoa vừa vắt nước cam đóng thành chai rồi bán với giá 10.000 đồng/chai.
Theo chị, cứ sáng sớm, chị lấy cam từ chợ đầu mối rồi trải bạt, đổ thành đống ở góc chợ. Vừa túc tắc bán từng cân vừa ngồi vắt nước cam bán. Cam vắt đến đâu có người mua đến đó.
“Tính tiền chai, tiền cam thì bán nước cam bằng tiền quả nhưng lại chạy hàng. Người mua 1 chai, nhưng cũng có người mua 5-6 chai liền. Trừ các chi phí, mỗi ngày chạy chợ như thế này tôi cũng được vài trăm”, chị Hoa nói.
Rong ruổi khắp các chợ cóc ở khu vực Cầu Giấy với 2 chiếc sọt chất đầy cam sành, bán với giá 10.000 đồng/kg nhưng chị Trang cho biết, khách mua nước cam là chính vì vừa tiện lại vừa rẻ.
Vừa bán quả vừa vắt nước bán, mỗi ngày chị Trang bán được từ 2-3 tạ cam.
Không có chỗ cố định để ngồi bán, chị Trang phải đứng nép vào phía lề đường. Túi chai nhựa treo lủng lẳng bên cạnh sọt, bộ dụng cụ vắt cam bằng nhựa cũng được đặt trên 1 chiếc ghế đòn gỗ. Buổi sáng, chị đứng bán ở khu chợ Dịch Vọng. Buổi trưa lại di chuyển về phía mấy tòa nhà văn phòng, vừa đứng vừa vắt cam bán. Mỗi ngày chị cũng bán được hơn 2 tạ cam.
“Họ lại thích cam vắt nước đóng chai hơn. Tôi đứng vắt sẵn như thế này, họ qua mua trả tiền là xong, không phải cân kẹo gì. Mua rồi uống luôn nên bán chạy lắm”, chị Trang cho hay.
Mỗi chai nước cam được bán với giá 10.000 đồng.
Theo chị, mỗi chiếc chai nhựa 350ml này được chị mua với giá 500 đồng, vắt khoảng 3 quả cam là đầy. Tính ra, cứ 2kg là vắt được khoảng 3 chai, được giá hơn bán theo quả.
“Mình bán thế này vừa nguyên chất vừa rẻ, lại có thể mang đi bất cứ đâu chứ vào quán, mỗi cốc nước cam cũng phải 30-40.000 đồng. Cam mùa này chín rộ, vừa ngọt vừa mọng nước, không mua cũng phí đi”, chị Trang tươi cười chia sẻ.
Tuy nhiên, theo quan sát, địa điểm bán nước cam vắt tự phát này đều ở ngoài đường, cam cũng không được rửa sạch sẽ trước khi vắt. Vì vậy, cả người bán lẫn người mua cần chú ý thêm các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trang bị nước sạch để rửa cam trước khi vắt, đeo găng tay trong quá trình vắt cam cũng như vệ sinh dụng cụ sạch sẽ sau khi vắt để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Hồng Cảnh/ Dân Việt