Việc phát triển cây dược liệu cát cánh tại vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhất là xã Tả Van Chư đã và đang đem lại lợi ích kép cho người dân: vừa có thể khai thác dược liệu vừa phát triển du lịch nông nghiệp, giúp tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, cải thiện, nâng cao đời sống cho các hộ dân người Mông ở địa phương.
Cây dược liệu cát cánh tại vùng cao Bắc Hà (Lào Cai).
Tại xã vùng cao Tả Van Chư, thủ phủ cây dược liệu cát cánh của huyện Bắc Hà, gia đình ông Giàng Seo Giáo (thôn Lả Gì Thàng) là hộ đầu tiên và cũng là hộ trồng nhiều cây dược liệu nhất tại địa phương này.
Ông Giáo cho biết, cuối tháng 12/2022 và đầu tháng 1/2023, cán bộ huyện, xã xuống hướng dẫn thu hoạch, cán bộ trung tâm dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện đến tận nhà cân mua với giá cao ổn định như trước với mức 20 ngàn đồng/kg củ tươi, nhà bán được hơn 110 triệu đồng, gấp 5-6 lần so với trồng ngô.
Cũng theo ông Giáo, vụ đông- xuân 2022- 2023, gia đình ông tiếp tục duy trì diện tích trồng hơn 1 ha cây dược liệu cát cánh như các vụ trước.
Cây dược liệu cát cánh cho lợi nhuận gấp 5-6 lần so với trồng ngô.
Tương tự, với diện tích đất gần 1 ha, trước đây gia đình chị Thào Thị Lý (xã Tả Van Chư) chủ yếu trồng cây ngô nhưng giá trị kinh tế từ cây ngô mang lại rất thấp. Bắt đầu từ năm 2022, được sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp huyện, chị Lý đã chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng cây cát cánh. Vụ thu hoạch đầu tiên cho thấy giá trị từ cây cát cánh cao gấp 4 - 5 lần so với trồng ngô.
“Khi mới trồng cây cát cánh, gia đình được cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật. Qua thời gian chăm sóc tôi thấy cây này cũng dễ trồng, chăm sóc. Giá trị cây trồng này cao hơn rất nhiều so với cây ngô”, chị Lý chia sẻ.
Ông Giàng Seo Sáng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà cho biết, các hộ nghèo được hỗ trợ ni-lông trồng 40 ha, còn lại các hộ từ diện khá giả, trung bình tự túc. Bà con nông dân chủ động phân, giống, ni-lông, xã và trung tâm dịch vụ tổng hợp nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho người dân yên tâm sản xuất.
Các hộ dân tại địa phương trồng cây cát cánh được hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Được biết, đây là vụ thứ 5 liên tiếp cây cát cánh được trồng trên vùng đất rẻo cao Tả Van Chư theo tiêu chuẩn của tổ chức Y tế thế giới. Cây dược liệu này đã khẳng định vị thế cây giảm nghèo, làm giàu cho bà con nông dân địa phương. Đặc biệt kết thúc vụ thu hoạch trước cách đây không lâu, cây đã đem lại nguồn thu lớn hơn 9 tỷ cho đồng bào Mông nơi đây.
Không chỉ là nguồn thuốc quý có giá trị kinh tế cao, cây dược liệu cát cánh còn có hoa nở rất đẹp. Khi hoa đồng loạt nở, đã thu hút nhiều đoàn khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm.
Hoa cát cánh có màu tím, khi nở đã thu hút nhiều đoàn khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm.
Năm 2022, vườn cát cánh đã mang về cho gia đình chị Thào Thị Lý một nguồn thu đáng kể từ việc đón du khách tới tham quan, trải nghiệm khi đến mùa hoa nở rộ.
“Trồng cây cát cánh bên cạnh việc bán sản phẩm cho các nhà máy làm dược liệu thì đến vụ hoa nở nhiều khách trong và ngoài tỉnh cũng về để chụp ảnh, tham quan. Gia đình mình ngoài việc bán vé thì cũng làm thêm dịch vụ ăn uống, nghỉ qua đêm, nhờ đó, có thêm việc làm và thu nhập”, chị Lý cho biết.
Nương rẫy trồng cát cánh với hoa tím trải dài, đẹp như trong phim.
Ông Giàng Seo P Lấu, Trưởng thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Van Chư cho biết, khoảng chừng 5-6 năm nay, thôn Lả Gì Thàng có nhiều khách du lịch lên ngắm hoa mùa hoa mận tả van, hoa lê nở trắng tinh khôi vào thời điểm mùa xuân và vào mùa hè, thu từ tháng 6- 9 dương lịch là mùa hoa cát cánh. Hoa cát cánh nở rộ nhuộm sắc tím biếc trải dài nương rẫy rất đẹp, và trên hết nhờ giá trị kinh tế từ việc trồng mận, lê, cát cánh đã giúp bà con người Mông chúng tôi có thu nhập ổn định, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Chính vì vậy, thay cho việc phải đi làm thuê thì nay, những hộ người dân tộc Mông ở đây lại dành thời gian cho những thửa ruộng canh tác dược liệu. Có cây giống để trồng, biết cách chăm sóc theo tiêu chuẩn an toàn và có đầu ra ổn định, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững.
Với những cố gắng, nỗ lực trong thực hiện phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đặc biệt là phát triển vùng cây dược liệu cát cánh theo tiêu chuẩn Quốc tế đầu tiên trên đất Việt đã đem lại lợi ích kép cho người dân địa phương.
Nhờ trồng cây dược liệu cát cánh với diện tích lớn với 100 ha, vào mỗi mùa hoa nở nhiều địa phương nơi đây thu hút đông đảo du khách đến ngắm hoa, thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp bền vững, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, đời sống của đồng bào dân tộc Mông từng bước được cải thiện, nâng cao, góp phần diện mạo nông thôn mới ở vùng cao Tả Van Chư nói riêng và các xã vùng cao khu vực thượng huyện Bắc Hà từng bước khởi sắc.
Mô hình trồng cây cát cánh hay việc khai thác, bảo tồn và phát triển các loại cây thuốc quý khác là những ví dụ điển hình trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Lào Cai trong phát triển cây dược liệu.
Theo đại diện chính quyền huyện Bắc Hà, niên vụ đông xuân 2022- 2023, huyện Bắc Hà trồng 100 ha cây cát cánh, tăng gần 30 ha so với năm 2022, trong đó xã Tả Van Chư 63ha, Lùng Phình 9,5ha, Lùng Cải 6ha, Tả Củ Tỷ 10ha, Hoàng Thu Phố 3 6,5ha, Bản Phố 5ha.
Theo Hồng Hương/Người Đưa Tin