CEO Nguyễn Thị Phương Thảo: ‘Khởi nghiệp đừng tiết kiệm giấc mơ’

Google News

(Kiến Thức) - Người đứng đầu hãng hàng không Vietjet, bà Nguyễn Thị Phương Thảo khuyên các doanh nghiệp khi khởi nghiệp không nên tiết kiệm giấc mơ bởi nó sẽ thay đổi thế giới.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (1970) - Tổng giám đốc VietJet Air, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng HDBank là gương mặt quen thuộc trong các bảng xếp hạng 50 người phụ nữ quyền lực nhất Việt Nam; 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á năm 2017 và 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2016, đều do Forbes bầu chọn.
Tháng 3/2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo lần đầu được Forbes đưa vào danh sách tỷ phú tự thân với tài sản ước tính 1,7 tỷ USD; trở thành 1 trong 56 nữ tỷ phú tự thân trên thế giới. Ở thời điểm đó, bà Thảo cũng là nữ tỷ phú duy nhất của Đông Nam Á.
Cho đến thời điểm hiện tại, danh sách nữ tỷ phú ở Đông Nam Á đã có thêm bà Yupa Chiaravanond - Tập đoàn Charoen Pokhan của Thái Lan. Tuy nhiên, bà Thảo vẫn là nữ tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á. Tính đến ngày 19/10/2018, theo dữ liệu của Forbes, bà Thảo đang nắm giữ 2,8 tỷ USD.
“Đi buôn” từ khi học đại học
Những năm 80 của thập kỷ XX, bà Thảo du học ngành kinh tế tài chính tại Liên Xô. Sau thời gian "dùi mài kinh sử" ở Đông Âu, bà tốt nghiệp với bằng cử nhân Kinh tế và Tín dụng - Ngân hàng; Tiến sỹ Kinh tế; đồng thời đã từng nắm giữ chức vụ Ủy viên sáng lập Viện Hàn lâm Nghiên cứu Hệ thống Quốc tế Liên Bang Nga.
Khi là sinh viên năm 2, nhận thấy thị trường bấy giờ thiếu thốn hàng tiêu dùng, mọi thứ đều khan hiếm, bà quyết định kinh doanh từ hàng điện tử, từ máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ các nước châu Á, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông sang Đông Âu. Ngược lại, bà cũng đưa những mặt hàng khan hiếm về thị trường Việt, như: phân bón, sắt thép, thiết bị gia dụng…
Không phải công nghệ thay đổi thế giới mà ước mơ của con người đã dịch chuyển thế giới
Khởi nghiệp không có gì ngoài chữ tín và sự lao động chăm chỉ, nữ tướng Vietjet lấy được lòng tin của đối tác. Để làm được điều này, bà Thảo đã nghiên cứu rất rõ tâm lý đối tác, khách hàng… “Khi thị trường giá cả biến động, giá cả lên xuống hàng ngày và doanh thu cũng thay đổi. Tôi chỉ cần thông báo cho đối tác cẩn thận, họ có niềm tin, hợp tác lâu dài sẽ có doanh thu và lợi nhuận”, bà kể lại. Tờ Bloomberg nhận xét, sự nhạy bén và chăm chỉ đã giúp bà có những thành công bước đầu từ các hoạt động này, đồng thời kiếm được triệu đô đầu tiên ngay khi mới 21 tuổi.
Trở về Việt Nam, bà bắt đầu đầu tư vào các ngân hàng trước khi chuyển sang các dự án bất động sản tại TP. HCM và các khu nghỉ dưỡng ở miền Trung. Ý tưởng khởi động một hãng hàng không giá rẻ xuất phát từ những dự đoán của chính bà Thảo về nhu cầu đi lại bằng máy bay tại Việt Nam sẽ tăng cao.
CEO Nguyen Thi Phuong Thao: ‘Khoi nghiep dung tiet kiem giac mo’
CEO Vietjet là nữ tỷ phú Đông Nam Á. Ảnh: Cafebiz. 
Năm 2007, bà Thảo chính thức nhận giấy phép khởi động Vietjet nhưng do giá dầu cao nên năm 2010, hãng này mới chính thức ra mắt. Hiện Vietjet khai thác 60 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 60 triệu lượt hành khách. Doanh nghiệp phát triển 94 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia...
Doanh nghiệp khởi nghiệp “đừng tiết kiệm giấc mơ”
Là người có khát vọng, thích chinh phục những phi vụ làm ăn lớn, CEO Vietjet bộc bạch không bao giờ muốn làm những việc “cò con”. “Khi mọi người giao dịch 1 container hàng hóa, tôi đã giao dịch với khối lượng hàng trăm chiếc container rồi”, bà nói. “Máu” làm ăn trong người “thuyền trưởng” Vietjetl luôn chảy, đây cũng là động lực khiến bà Thảo có thể làm việc từ 5 giờ sáng tới 21 giờ tối.
Sau 8 năm cất cánh, dưới bàn tay “lèo lái” con thuyền Vietjet đứng vị trí 22/50 hãng hàng không thế giới, do tạp chí tài chính hàng không Airfinance bình chọn.
Chia sẻ về thành công này, bà Thảo cho biết từ khi bắt đầu cất cánh, hãng hoạt động với tinh thần tạo ra xu thế mới về dịch vụ hàng không và thương mại điện tử, đầu tư công nghệ mới vào các lĩnh vực hoạt động, vận hành... Vietjet đã góp phần thay đổi ngành hàng không Việt Nam, mang đến cơ hội bay cho khách hàng trên khắp Việt Nam và khu vực, kết nối hành khách tiếp cận văn minh nhờ công nghệ.
Người đứng đầu Vietjet cho hay, bằng những nỗ lực, ước mơ, họ là một trong những doanh nghiệp mang đến những thay đổi tích cực trong ngành hàng không. “Không phải công nghệ thay đổi thế giới mà chính ước mơ của con người đã dịch chuyển thế giới. Công nghệ chỉ là công cụ, sáng tạo từ chính ước mơ của con người”, bà Thảo nhận định.
Nữ tỷ phú khuyên các doanh nghiệp khi khởi nghiệp đừng tiết kiệm giấc mơ. “Hãy mơ những giấc mơ to lớn và biến hoài bão thành hiện thực bằng hành động mỗi ngày, mang tinh thần số hoá và tự động hoá của cuộc cách mạng 4.0 vào đời sống, vào mỗi quy trình vận hành doanh nghiệp”, bà nói.
PV