Trong những năm gần đây, nhờ mạnh dạn đầu tư cũng như học hỏi kinh nghiệm, việc kinh doanh của nhiều hộ gia đình trên địa bàn toàn quốc đã phất lên nhanh chóng.
Từ công việc phụ giúp kinh tế gia đình, chăn nuôi, nông nghiệp đã biến thành ngành nghề chính, đem lại thu nhập và công việc ổn định cho nhiều gia đình. Và ngày càng có nhiều "đại gia chân đất", làm giàu trên chính mảnh đất nông nghiệp của địa phương.
Nuôi cá đặc sản, đếm con tính tiền lãi
Trong thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã An Ngãi (huyện Long Điền) tận dụng nguồn nước mặn chảy vào từ sông Cửa Lấp để nuôi các loại thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi cá mú mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Hai (SN 1960, ấp An Thạnh, xã An Ngãi), năm 2006, ông Hai nuôi thử nghiệm với số lượng gần 1.000 con cá mú trên diện tích ao khoảng 1.000m2.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình này, ông đã mạnh dạn đầu tư và mở rộng diện tích nuôi cá. Hiện gia đình ông đã có 4 ao nuôi, khoảng 4.000m2, thả hơn 4.000 con giống.
Theo tính toán của ông Hai, nuôi một con cá mú đạt trọng lượng từ 1,5kg trở lên sẽ tốn khoảng 60.000 đồng chi phí thức ăn. Giá cá mú thương phẩm hiện nay dao động từ 180.000 - 220.000 đồng/kg, sau khi trừ tiền mua con giống, thuốc thang, thức ăn… có lãi khoảng 150.000 đồng/con.
|
Ông Phạm Văn Hai và con cá mú đang được nuôi tại ao. (Ảnh: Lương Tuấn Hải - Báo Bà Rịa - Vũng Tàu). |
Cũng giống như ông Hai, ông Hồ Văn Nhiều (ấp Hòa Bình, xã Hòa Lạc, Phú Tân, An Giang) cũng nghiên cứu mô hình nuôi cá lồng bè trên sông. Năm 2016, ông bắt đầu đóng bè và tận dụng diện tích mặt nước sông gần nhà và mua con giống về thả nuôi.
Loài cá mà ông Nhiều chọn là loài cá heo đuôi đỏ chót, kêu éc éc từ ngoài sông vào nuôi trong lồng. Ông đã đầu tư 3 bè nuôi cá. Bè lớn có diện tích 24m2 ông thả 1 tấn cá giống, thu hoạch được 3 tấn cá thương phẩm; bè nhỏ diện tích 15m2, thả nuôi 300 - 500kg cá giống, thu hoạch được trên 1 tấn cá.
Trong lồng bè, ông Nhiều đặt các ống tre và ống nhựa kết lại để làm nơi trú ngụ cho cá, cho cá ăn 3 lần/ngày. Thức ăn chủ yếu là cá tạp trộn với cám hoặc thức ăn công nghiệp. Sau thời gian nuôi từ 7 - 9 tháng là cá heo đủ trọng lượng để xuất bán cho thương lái.
Giá bán của loại cá này khá cao, từ 290.000 - 360.000 đồng/kg. Việc phát triển mô hình nuôi cá heo đuôi đỏ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Hồ Văn Nhiều.
|
Mô hình nuôi cá heo đuôi đỏ ở An Giang (Ảnh: Báo An Giang). |
Thu bạc tỷ từ con "chân vịt, thịt gà, da trâu, đầu rắn"
"Xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh là một vùng quê nghèo, người dân sống dựa vào cây lúa. Tuy nhiên, việc làm nông nghiệp này không thể giúp người dân thoát khỏi nghèo khó.
Thế nhưng, nhờ nuôi ba ba, gia đình bà Huỳnh Thị Hen (tổ 7, ấp Phước An, xã Phước Ninh) không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả điển hình trong xã.
Năm 2009, với số vốn 30 triệu đồng vay từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình bà nuôi thử 1.000 con ba ba giống bằng ao đất. Sau 18 tháng, gia đình và đã bán ba ba thương phẩm và thu lãi hơn 200 triệu đồng.
Những đợt tiếp theo, bà và gia đình đã mạnh dạn đầu tư, thả thêm nhiều ao nuôi ba ba. Đến nay, gia đình bà đã sở hữu 10 ao nuôi ba ba với quy mô 10.000 nghìn con, mỗi đợt thu hoạch cho thu nhập không dưới 1 tỷ đồng.
|
Người dân Phước Ninh làm giàu từ mô hình nuôi ba ba. Ảnh: Trần Trung. |
Nuôi con chậm chạp, bò quanh ao, đẻ nhiều, thành tỷ phú
Người dân xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định không còn xa lạ với cái tên Phạm Văn Diện. Đây là nông dân vươn lên từ nghèo khó trở thành tỷ phú nhờ nuôi ốc nhồi. "Nhờ ốc nhồi mà tôi nở mày nở mặt, chứ cứ quanh năm lúa, cá thì chả khá lên được", anh Diện tâm sự.
Năm 2017, anh Diện đầu tư 15 triệu đồng mua 3 vạn ốc nhồi giống thả nuôi trong ao. Thời gian đầu ốc nhồi liên tục bị chết, kết quả vụ đầu tỉ lệ sống của đàn ốc chỉ đạt 50%. Anh Diện lại mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi ốc nhồi, kinh nghiệm nuôi ốc nhồi trên mạng. Nhờ đó, ốc nuôi có tỷ lệ sống cao, mang lại thu nhập lớn.
Anh đã mạnh dạn thuê gom đất ruộng trũng của bà con, mở rộng quy mô nuôi lên 6 sào với 3 ao nuôi ốc nhồi. Hiện anh đang sở hữu 15.000 cặp ốc nhồi bố mẹ dùng để sinh sản và 150.000 ốc thương phẩm.
Trung bình, mỗi tháng anh Diện cung cấp 150.000 - 200.000 ốc nhồi giống và 25.000 ốc nhồi thương phẩm ra thị trường.
Hiện giá bán ốc nhồi thương phẩm loại 30- 35 con/kg khoảng 100.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm anh thu lời 300 - 400 triệu đồng.
|
Anh Diện bên ao nuôi ốc (Ảnh: Dân Việt). |
Ở xã Đức Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An), mô hình nuôi ốc của anh Trần Quý Bang (1984) cũng là một trong những mô hình nuôi ốc cho hiệu quả kinh tế cao khi mỗi năm, đem lại lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.
Gia đình anh Bang đã nuôi ốc từ năm 2019. Đến nay, anh đã thả 50 vạn ốc bươu. Mỗi năm, gia đình Bang xuất bán ra thị trường 7 tấn ốc thịt thương phẩm và hơn 150 vạn con giống. Ốc thương phẩm được thương lái mua với giá từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, ốc giống được mua với giá từ 300 - 500 đồng/con.
|
Trang trại nuôi ông bươu đen của vợ chồng anh Trần Quý Bang (Ảnh: Dân Việt). |
Nuôi ruồi trong rừng, chàng kỹ sư thu hàng trăm triệu đồng/tháng
Anh Nguyễn Văn Nhu (sinh năm 1992, quê Bến Tre), tốt nghiệp Đại học Cần Thơ, chuyên ngành kỹ sư điện. Tuy nhiên, sau 5 năm đi làm, anh đã bỏ công việc và chuyển sang nuôi rồi lính đen, xây dựng thương hiệu Larva Farm.
"Trại ruồi đầu tiên của tôi được thành lập tháng 1/2019. Tháng 6/2010, Larva Farm được thành lập. Hiện Larva Farm có 2 chi nhánh: Chi nhánh 1 ở Đồng Nai. Đây là mô hình chuẩn để khách đến tham qua vì được đầu tư bài bản và đẹp đẽ. Diện tích nuôi ấu trùng 400 m2, diện tích mùng 150 m2, khuôn viên khoảng 3000 mét vuông.
Tại đây, chúng tôi thuê 1 công nhân và 1 người nhà. Trại này để sản xuất trứng ruồi lính đen bán cho khách, sản lượng từ 500 gram đến 900 gram trứng mỗi ngày.
Chi nhánh 2 ở Củ Chi. Diện tích máng nuôi sâu thương phẩm 1000 m2. Sản lượng sâu canxi sản xuất mỗi tháng khoảng 25-35 tấn (sản xuất theo nhu cầu khách đặt hàng). Diện tích màn nuôi ruồi lính đen lấy trứng khoảng 200 m2, mỗi ngày cho ra khoảng 700 gram trứng.
Khuôn viên trại 4 ha bao gồm các hạng mục khác như ao cá chuồng gà. Trứng này dùng để sản xuất ấu trùng là chính, nếu dư mới bán ra ngoài. Số nhân công tại trang trại này là 3 người. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng chi nhánh 3 tại Xuân Lộc, Đồng Nai", anh Nhu chia sẻ.
Trứng ruồi lính đen tại trang trại mỗi ngày với sản lượng 0,5 - 1kg với giá trung bình 5 - 8 triệu đồng/kg. Ấu trùng ruồi lính đen bán sỉ giá 10.000/kg, bán lẻ cho các trại gà đá 30.000 đồng/kg. Doanh thu của trang trại này mỗi tháng dao động từ 180 - 350 triệu, tùy từng tháng. Lợi nhuận trứng khoảng 50%, của sâu khoảng 30%.
|
Bên trong trại ruồi của anh Nguyễn Văn Nhu. Ảnh: Nhu Nguyễn |
Nuôi thứ chim "siêu to khổng lồ", lời 500 triệu đồng/năm
Loại chim này chính là đà điểu - giống chim khổng lồ, to nhất thế giới. Trang trại của ông Đào Đức Thủy (tiểu khu 5, thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) hiện thu lời 500 triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi loại chim này.
"Năm 2015, tôi xem trên truyền hình thấy nhiều hộ ở các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên…nuôi đà điểu, tôi "đánh liều" nuôi thử 35 con với giá mua thời điểm đó khoảng 2 triệu đồng/con...
Sau mấy tuần nuôi đà điểu tôi thấy chúng ăn nhiều, lớn nhanh, tôi bàn thêm với vợ con mua tổng 150 con đà điểu giống đà điểu châu Phi tại Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương về nuôi thử nghiệm", ông Thủy chia sẻ.
|
Trang trại của ông Đào Đức Thủy (thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá) (Ảnh: Dân Việt). |
Đà điểu là loại dễ nuôi, ăn tạp được nhiều loại thức ăn và ít bị dịch bệnh. Hiện tại, trang trại nuôi chim đà điểu khổng lồ của gia đình ông Đào Đức Thủy luôn duy trì 100 con đà điểu bố mẹ, 100 con đà điểu thương phẩm.
Năm 2019, gia đình ông Thủy đã cho ấp nở thành công đà điểu giống, mỗi con hiện có giá từ 1,9 - 2,5 triệu đồng/con. Đà điểu thương phẩm sau khi nuôi 10 - 12 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 90 - 120 kg/con, ông Thủy đang bán với giá từ 8 - 10 triệu đồng/con.
Theo Pháp Luật và Bạn Đọc