Chi tiêu 6 triệu đồng/tháng, sinh viên kỳ vọng mức lương trên 10 triệu

Google News

Trong thời kỳ mà giá cả tăng, sinh viên mới ra trường đặt ra mức lương tối thiểu dựa trên chi phí đủ để họ sinh hoạt, sẵn sàng từ chối những nơi trả lương thấp.

“Một công ty đưa ra mức lương 3 triệu đồng. Công ty còn lại yêu cầu thực tập không lương trong vòng 3 tháng, sau 3 tháng sẽ nâng lên hỗ trợ 2-3 triệu đồng. Mình đi làm thêm thu nhập còn cao hơn vậy”, Ngọc Hùng, 23 tuổi, sinh viên năm tư ngành Điện tử Viễn thông, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, chia sẻ với Zing.

Trong khi giá cả leo thang như hiện nay, với mức lương trên, Hùng nhận định mình sẽ không đủ sống. Nhất là khi từ đầu năm nay, nam sinh đã không còn nhận trợ cấp sinh hoạt từ bố mẹ.

Sẵn sàng từ chối

Đầu tháng 4 năm nay, Hùng ứng tuyển và phỏng vấn ở một số công ty để bắt đầu quá trình thực tập. Dù là thực tập, Hùng đi làm gần như toàn thời gian vì hiện tại, cậu không còn nhiều môn học trên trường.

Nam sinh cho biết cậu từng từ chối 2 công ty sau khi phỏng vấn. Lý do từ chối xuất phát từ việc 2 công ty này chưa hoàn toàn phù hợp với định hướng cá nhân của Hùng. Bên cạnh đó, mức lương họ đưa ra quá thấp so với chi tiêu của cậu, thậm chí còn thấp hơn lương cậu đi làm thêm.

Hùng mất khoảng một tháng để tìm công ty mới có mức thu nhập khá hơn. Khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng và cậu được học hỏi, phát triển bản thân nhiều hơn.

Hùng nhận định con số 5 triệu đồng phù hợp với khối lượng công việc mà cậu đang làm hiện nay để tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, nó không đủ với mức chi tiêu chắc chắn tăng lên khi cậu bắt đầu đi làm. Chưa kể, giữa “bão giá” như hiện nay, mọi chi phí đều leo thang.

Mức lương 5 triệu đối với Hùng là không đủ sống. Ảnh: NVCC.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hùng cho biết hiện giờ, mỗi tháng, cậu cần khoảng 6 triệu để đủ chi tiêu cho tiền nhà, tiền điện, nước, mạng, ăn uống, đi lại và những khoản phát sinh khác. Với tiền lương 5 triệu mỗi tháng, Hùng cũng ngần ngại trong một số mối quan hệ cá nhân như bạn bè hay yêu đương. Nam sinh chỉ xoay quanh các mối quan hệ trong công việc và gia đình. Chi tiêu ra sao cũng cần phải cân, đo, đong, đếm cẩn thận.

“Hiện tại mình đã không còn nhận trợ cấp từ bố mẹ, lương không nhiều nên mình luôn phải thắt chặt ví, đắn đo suy nghĩ rất nhiều để chi tiêu ra sao cho vừa đủ số tiền mỗi tháng kiếm được”, Hùng chia sẻ.

Hùng đã dự định vài tháng nữa sau khi ra trường, với năng lực và kinh nghiệm bản thân tích lũy được, cậu sẵn sàng chuyển sang một công ty khác hoặc ngành nghề mới nếu công ty vẫn dừng ở mức lương 5 triệu đồng.

Để ổn định kinh tế và phù hợp với định hướng cá nhân, theo Hùng, mức thu nhập trên 10 triệu đồng sẽ là hợp lý, đủ cho chi phí sinh hoạt, có khoản tiền tiết kiệm và phụ giúp bố mẹ ở quê.

Cùng suy nghĩ với Hùng, Xuân Chiến (22 tuổi) cho rằng với sinh viên mới ra trường, không phụ thuộc vào bố mẹ, không có nhà ở Hà Nội, mức lương 5 triệu đồng là không đủ sống ở Thủ đô đắt đỏ như hiện nay.

Chiến cho biết cậu sẵn sàng từ chối công việc nếu mức lương không ổn và có nơi khác phù hợp hơn. Có thể không cao như Hùng, nam sinh đặt mục tiêu lương tối thiểu phải từ 6-7 triệu đồng để đủ chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, Chiến cũng hiểu để có mức lương này, cậu phải trang bị cho bản thân để đáp ứng được yêu cầu của công ty.

Hải Long, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, nhận định đi làm chủ yếu để lấy kinh nghiệm nhưng sinh viên mới ra trường cũng cần mức lương đủ để ổn định cuộc sống. Ảnh: NVCC.

Cần mức thu nhập đủ sống

Theo Xuân Chiến, với bối cảnh xã hội hiện nay, nếu mức thu nhập không đủ sống, không chỉ sinh viên mới ra trường mà bất cứ ai đều khó có thể phát triển bản thân.

Mức lương của sinh viên mới ra trường cần đáp ứng đủ để chi tiêu sinh hoạt, nhất là tại các thành phố lớn. Ngoài ra, mặc dù họ là sinh viên mới ra trường, mức tiền lương mà nhà tuyển dụng đưa ra cũng phải phù hợp với công sức và giá trị mà ứng viên cống hiến cho công việc.

Cùng quan điểm với Chiến, Ngọc Hùng cũng nhận định sinh viên mới ra trường, vấn đề tích lũy kinh nghiệm cũng là một số yếu tố quan trọng để phát triển. Nhưng nếu nhìn nhận rõ ràng hơn, khi đã sống tự lập, không phụ thuộc vào bố mẹ, mỗi cá nhân phải có mức thu nhập ổn để nuôi sống được bản thân, có khoản dự phòng và hỗ trợ gia đình nếu có thể.

Chia sẻ về vấn đề này, Hải Long, sinh viên năm 4, khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng nhận định có thể mới ra trường, mặc dù đi làm chính là để lấy kinh nghiệm, bên cạnh đấy, họ cũng cần thu nhập đủ để ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, nam sinh nhận định dù cần tiền để sinh sống, khi đi phỏng vấn ở vị trí thực tập sinh hay sinh viên mới ra trường yêu cầu mức lương quá cao nếu không có kinh nghiệm là không phù hợp.

Xét theo phương diện của các nhà tuyển dụng, thời gian đầu công ty sẽ không thể đưa ra một mức lương từ 5-7 triệu đồng cho một sinh viên chưa xác định có làm được việc hay phù hợp với yêu cầu của công ty hay không.

Chưa kể, công ty cũng phải mất chi phí đào tạo ứng viên. Vì vậy. đối với Long, cậu có thể chấp nhận làm việc không lương trong vòng 1-3 tháng đầu tiên. Sau đó, nếu cảm thấy bản thân có thể đóng góp cho công ty, Long sẽ đòi hỏi mức lương đúng với năng lực của bản thân.

“Tuy nhiên, với 1-3 tháng đầu tiên không lương đó, mình cũng phải xây dựng nguồn tiền để dự phòng từ trước. Đối với mình, số tiền dư lúc nào cũng phải đủ 3 tháng chi tiêu”, Long chia sẻ về nhìn nhận của bản thân. 

Theo Ngọc Bích/Zing