Giống như tại Việt Nam, Indonesia sở hữu một lượng lớn xe ôm truyền thống mà người dân địa phương gọi họ là ojek - loại hình vận tải rất phổ biến tại thành phố có giao thông được liệt vào hàng tồi tệ nhất thế giới do thường xuyên xảy ra tắc đường.
Những năm đầu thế kỷ 21, đường phố Jakarta chủ yếu gồm phương tiện cá nhân, taxi và ojek. Tuy nhiên, những năm gần đây mọi chuyện đã thay đổi trước sự phổ biến của các ứng dụng gọi xe ôm công nghệ.
Dùng bạo lực để giữ kế sinh nhai
Lần lượt Go-jek (một ứng dụng gọi ojek của Indonesia), GrabBike và UberMoto xuất hiện đã khiến sự độc tôn trên đường phố của các ojek truyền thống bị đe dọa.
Theo số liệu từ Demystify Asia, tính tới tháng 6/2016, Go-jek có 200.000 tài xế xe ôm công nghệ tại khắp các thành phố của Indonesia, một con số ấn tượng với ứng dụng 5 năm tuổi này.
GrabBike và UberMoto gia nhập thị trường muộn hơn Go-jek nhưng tự tin rằng mình có điểm mạnh riêng để cạnh tranh tại đất nước có lượng xe máy lớn thứ ba thế giới theo thống kê của tờ Jakarta Post.
GrabBike có sự am hiểu thị trường Đông Nam Á cùng tiềm lực mạnh, trong khi Uber đã phổ biến tại Indonesia từ trước bằng mô hình taxi 4 bánh và khẳng định có giá cước rẻ nhất thị trường.
Ba ông lớn gọi xe qua ứng dụng cạnh tranh quyết liệt, người hưởng lợi nhiều nhất chính là khách hàng, còn người không vui là các ojek truyền thống.
Rất nhiều vụ tài xế xe ôm công nghệ bị các ojek vây đánh do "xâm phạm lãnh thổ làm ăn", tờ USA today đưa tin. Trang này cho hay các tài xế xe ôm công nghệ bị đánh, bị đe dọa, bị truy đuổi khỏi vùng mà các ojek cho là "lãnh thổ của họ".
Nam thanh niên có tên Boris Anggoro đã bị tấn công khi đang sử dụng ứng dụng Go-jek. "Một tài xế ojek tiến tới, hét vào chúng tôi rằng 'chúng mày đang làm gì ở đây' rồi tấn công tài xế đang chở tôi, tìm cách lột mũ bảo hiểm của anh này".
Các nữ tài xế xe ôm công nghệ cũng không được ojek bỏ qua. Theo Jakarta Post thuật lại lời Istiqomah, nữ tài xế xe ôm công nghệ 38 tuổi, một tài xế ojek truyền thống tên Bambang không biết từ đâu đến đã đấm mạnh vào đầu cô (khi đó cô đang đội mũ bảo hiểm) và liên tục chỉ vào mặt cô chửi rủa.
"Ông ta bảo tôi cút đi và không được đón khách ở khu vực này nữa", Istiqomah chia sẻ.
Sự việc xảy ra vào tháng 7/2015. Khi đó, nhiều bài báo nhận định các lái xe Uber 4 bánh dù bị ghét tại Indonesia vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với các tài xế Go-jek bởi họ có chiếc ôtô ẩn mình tránh bị tấn công còn lái xe Go-jek chỉ có chiếc mũ bảo hiểm.
Tuy nhiên, với sự góp mặt của UberMoto và GrabBike, không chỉ mình tài xế Go-jek gặp nguy trên đường do bị các lái xe ôm truyền thống tấn công nữa.
Nhiều tài xế xe ôm truyền thống chia sẻ họ rất tức giận vì kế sinh nhai duy nhất của mình đang bị cướp đi.
"Họ không được phép đón khách ở đây. Chúng tôi ngồi chờ ở đây từ sáng mà đôi khi cả ngày còn không có khách. Rồi họ xuất hiện, cướp đi khách hàng của chúng tôi, làm sao chúng tôi để yên", Sukisno, một tài xê ojek 45 tuổi giận dữ cho hay. "Tôi sự rằng một ngày nào đó tôi không kiềm chế được cảm xúc thì chắc chắn sẽ có ẩu đả".
Bất đồng quan điểm
Nhiều tài xế xe ôm công nghệ không hiểu vì sao các ojek không gia nhập, làm đối tác cho Uber, Grab hay Go-Jek. Mappiasse, một tài xế xe ôm công nghệ, chia sẻ anh rất thắc mắc tại sao các ojek lại cảm thấy bị đe dọa bởi những kẻ mới đến mà không đăng ký gia nhập.
"Họ cho chúng ta việc làm, có thu nhập tốt, có bảo hiểm sức khỏe", Mappiasse chỉ ra những ưu điểm của việc trở thành tài xế xe ôm công nghệ.
Đem câu hỏi này hỏi ông Sukisno, ông một mực bỏ ngoài tai. "Ở đây tôi là to nhất, tại sao tôi lại phải đi nghe lệnh từ kẻ khác? Tôi làm nghề này rất lâu, là người đi đầu trong nghề này, là tài xế ojek chuyên nghiệp, vì sao tôi lại phải lên mạng để tìm khách?", tài xế xe ôm truyền thống 45 tuổi này cho hay.
Tuy nhiên, ông cùng nhiều tài xế bám nghề khác trong mạng lưới ojek truyền thống có lẽ sắp không còn lựa chọn nào khác ngoài thay đổi để thích nghi vì nhìn vào thực tế, tại Jakarta, cái mới đang đến ngay trước mắt. UberMoto, GrabBike và Go-jek đã ở khắp mọi ngóc ngách của thành phố này.
Theo Ngô Minh/Zingnews