Tan hoang tiền tỷ
Sau thời gian đi làm tích luỹ được 500 triệu đồng, đầu năm 2019, anh Trần Khang ở TP.HCM bắt đầu tính chuyện khởi nghiệp kinh doanh phòng gym. Anh Khang cùng người em họ là huấn luyện viên cá nhân hùn vốn hơn 1 tỷ đồng để thuê mặt bằng, mua sắm thiết bị, đầu tư nội thất,... mở phòng gym đầu tiên.
Bên cạnh đó, anh Khang còn thuê thêm hai lễ tân trả lương 7 triệu đồng/tháng, hai nhân viên dọn vệ sinh phòng tập lương 6 triệu đồng/tháng để vận hành phòng gym. Đồng thời, phòng gym cũng có 4 huấn luyện viên, được trả lương cứng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài lương cứng, các huấn luyện viên còn được thưởng theo năng suất làm việc cũng như trích phần trăm hoa hồng nếu bán được các gói dịch vụ của phòng tập.
Đầu tư nhiều và chi phí thường xuyên khá lớn, phòng gym có tín hiệu kinh doanh rất tốt và doanh thu tăng từng tháng. Dù chưa thể thu hồi hết vốn, song anh Khang tự tin tính đến chuyện mở thêm phòng mới.
|
Qua 4 đợt dịch Covid-19, ngành nghề chăm sóc sức khoẻ - làm đẹp bị thiệt hại nặng nề. |
Tháng 11/2020, tạm ứng hơn 300 triệu đồng tiền vốn từ dòng tiền dư chưa chia lãi của phòng gym đầu tiên, anh Khang và người em quyết định vay ngân hàng 700 triệu đồng để mở thêm phòng gym thứ hai với quy mô và chi phí tương đương phòng tập cũ. Ngoài ra, anh còn chi cho marketing cả chục triệu đồng trong dịp khai trương để thu hút khách hàng.
Sau Tết 2021, phòng gym thứ hai đi vào hoạt động. Tuy nhiên, mới được 3 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát, cả hai phòng tập đều phải dừng hoạt động. Một tháng đầu, anh vẫn cố duy trì nhân lực, hy vọng mọi việc sớm ổn định. Sang tháng thứ hai, thấy không có cơ hội mở lại, anh đành cho nhân viên nghỉ việc.
“Nguồn thu không có, tài sản tiền tỷ phủ bụi, nợ phải trả đều hàng tháng lại phải căng sức bảo dưỡng, trông coi,... khiến hai anh em tôi gần như kiệt sức”, anh Khang tâm sự.
Cũng như anh Khang, anh Phan Hòa vừa là huấn luyện viên vừa là chủ 1 phòng gym nhỏ trong khu chung cư ở Quận 7, TP.HCM, đang vật vã vì dịch bệnh.
“Đã gần 5 tháng không hoạt động, không có thu nhập nhưng vẫn trả chi phí khiến tôi phải vay nợ để trang trải. Gần đây, được chủ đầu tư giảm cho 50% tiền thuê mặt bằng, tôi cũng trả phòng trọ đến đây ở tạm cho đỡ tốn kém”, anh Hòa nói và bi quan, không biết sẽ gắng gượng được đến bao giờ. Bởi, nếu thành phố cho mở lại các hoạt động thì loại hình dịch vụ này cũng bị xếp hàng cuối cùng.
Đồng cảnh ngộ với các ông chủ phòng tập gym, các spa cũng “gãy cánh” mùa dịch.
Chị Thanh Hương, chủ hai spa có tiếng ở Hà Nội, tâm sự: “Tôi từng giữ vững doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng, quản lý 40 nhân viên nhưng con số này bằng 0 từ 4 tháng nay”. Trước mắt, để giải quyết tình hình, thay bằng dịch vụ chăm sóc da tại spa thì chị Hương chuyển sang kinh doanh sản phẩm chăm sóc da tại nhà cho khách, nhưng gần 2 tháng nay cũng bị cấm nốt. Cách duy nhất để tồn tại là chị Hương đẩy mạnh quảng cáo để bán sản phẩm của spa cũng như nhập thêm sản phẩm chất lượng để bán. Tuy doanh thu không thể như trước, nhưng khi dịch bệnh còn căng thẳng thì đây là hướng khả thi.
|
Nhiều ông chủ chuỗi phòng gym, chủ hãng spa từ chỗ cơ ngơi tiền tỷ bỗng chốc rơi vào thảm cảnh nợ nần chồng chất. |
Chưa thấy lối ra
Từ vị trí ông, bà chủ, có tiền tỷ trong tay bị đẩy xuống thành “con nợ” bởi doanh thu bằng 0, anh Khang, anh Hòa, chị Hương,... chia sẻ rằng mỗi tháng ngoài nợ ngân hàng, họ vẫn phải chi vài chục triệu đồng tới trăm triệu đồng để duy trì máy móc thiết bị của cơ sở kinh doanh mà không biết ngày nào mới được mở lại dịch vụ.
Tại các spa đóng cửa, các kỹ thuật viên chính có nghiệp vụ thì tạm thời cho nghỉ việc có trợ cấp, các nhân viên khác nghỉ không lương, ai không kịp về quê thì được hỗ trợ tiền ăn.
Nói về thực trạng tại spa của mình, chị Hương mệt mỏi: “Tôi buộc phải bỏ 2/3 nhân sự, chỉ giữ lại vị trí then chốt. Với những nhân viên ở lại, tôi đảm bảo lương, đóng bảo hiểm cho họ. Tôi đang dùng chính tiền tiết kiệm của gia đình để chi trả các khoản, chi phí lên tới 120 triệu đồng/tháng”.
Chị Hương dự tính phải trả một địa điểm đi thuê, rút về cơ sở có mặt bằng của gia đình để cầm cự vì nhanh nhất cũng phải sát Tết 2022 dịch vụ làm đẹp mới khởi động lại.
Còn anh Khang tháng đầu cầm cự mất gần 120 triệu đồng chi phí cho hai phòng gym. Tháng thứ hai, anh Khang chi thêm 60 triệu trợ cấp cho các nhân sự nghỉ việc. Mặc dù vậy, mỗi tháng, tính ra, anh vẫn phải bỏ ra gần 60 triệu đồng và oằn lưng trả nợ ngân hàng. Anh đang rao bán phòng gym thứ hai, nhưng cả tháng nay chẳng ai hỏi. Dù được chủ toà nhà giảm 70% tiền thuê từ tháng 7/2021, nhưng anh Khang tính tập trung máy móc về một điểm, chờ thời mở lại.
“Công việc chính của mình là gia công phần mềm cho một nhóm làm dịch vụ online nên thu nhập không bị giảm nhiều. Mỗi tháng, mình vẫn có đủ 20 triệu đồng trả lãi ngân hàng, nhưng mọi chi phí sinh hoạt cá nhân đều phải dựa vào bố mẹ”, anh Khang tâm sự.
Nói về thực tại ngành kinh doanh dịch vụ, nhiều chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp nên mỗi cá nhân cần chủ động, sẵn sàng thay đổi và thích nghi để vượt qua. Nếu thấy công việc kinh doanh thua lỗ mà không khắc phục được, nên lập tức dừng lại càng nhanh càng tốt. Cùng với đó, tìm những cơ hội việc làm mới để có thêm thu nhập, giải quyết khó khăn trước mắt.
Theo Thu Giang/Vietnamnet