Doanh nghiệp lao đao vì COVID-19
Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do VCCI mới đây công bố cho thấy, đại dịch đã gây tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Kết quả khảo sát gần 9.000 doanh nghiệp cho thấy, có đến 87,2% chịu ảnh hưởng tiêu cực. Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn là như du lịch; vận tải; dệt may, da giày; thông tin truyền thông, bán lẻ; giáo dục - đào tạo…
|
Hàng trăm chủ tàu thuyền du lịch ở Hạ Long gặp khó khăn. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng cho biết, qua các đợt dịch, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách, bến xe giảm trung bình 70-80% doanh thu.
“Nhiều đơn vị phải dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Lượng hành khách giảm mạnh dẫn đến thu không đủ chi, doanh nghiệp không có nguồn để trả các khoản chi phí để duy trì hoạt động, trả gốc và lãi vay ngân hang…dẫn đến nguy cơ phá sản và người lao động mất việc làm” - ông Hải nói.
Ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt) cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, tất cả xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách. Doanh nghiệp có 100 xe, nhưng chỉ chạy hai, ba xe để duy trì tuyến, mỗi chuyến xe tuyến Hà Nội - Lào Cai chỉ thu được 2 triệu đồng, trong khi chi phí vận hành khoảng 7,5 triệu đồng.
Mới đây, trong dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021, Bộ KH&ĐT cho biết, dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Các hãng như Bamboo Airways, Vietjet Air đang dần hết nguồn lực về tài chính. Thậm chí hãng hàng không lớn như Vietnam Airlines cũng đứng bên bờ vực phá sản.
|
Ngành vận tải hàng không bị ảnh hưởng nặng nề. |
Báo cáo của Vietnam Airlines cho thấy dự kiến số lỗ của quý I của hãng sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện tại số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. Trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp, hoặc không gia hạn, cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Hàng loạt hiệp hội vận tải vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ và bộ, ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Các doanh nghiệp dệt may cũng là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nói, hàng loạt nhãn hàng đã gửi thông báo đến doanh nghiệp dệt may, nếu không giao hàng đúng tiến độ thì doanh nghiệp phải giao hàng bằng máy bay. Khi đó, chi phí sẽ đội lên rất lớn. Hơn nữa, một số doanh nghiệp dệt may đang phải tạm dừng sản xuất do nằm trong vùng dịch, doanh nghiệp vẫn phải trả lương để giữ chân người lao động.
Tự cứu mình
Trước khó khăn, thử thách, các doanh nghiệp đang phải nỗ lực để ứng phó, tìm cơ hội tồn tại và phát triển, chung sống cùng đại dịch bằng cách tự cứu lấy mình. Họ nhận ra, chính khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp mới có tính quyết định cho sự sống còn.
Nhận biết được nguy cơ doanh nghiệp phải dừng sản xuất khi dịch bùng phát, nhiều doanh nghiệp coi việc phòng chống dịch COVID-19 ngay tại công ty là quan trọng hàng đầu.
Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (KCN Đại An, TP Hải Dương) đã áp dụng nhiều biện pháp để phòng, chống dịch bệnh như thực hiện tốt 5K, chia nhỏ các bữa ăn ca, lắp đặt vách ngăn tại các bàn ăn. Doanh nghiệp bố trí khu vực vệ sinh công cộng riêng, đo thân nhiệt cho công nhân 2 lần/ngày, người lao động thực hiện nghiêm khai báo y tế nếu đi từ vùng dịch hoặc vùng nguy cơ về...
Tổ "An toàn COVID” của công ty thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, giám sát việc thực hiện các quy định phòng chống dịch.
Để tự cứu lấy mình, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch ở Hà Nội đã nỗ lực, chủ động chuẩn bị các kịch bản phục hồi trong tình hình mới. Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, doanh nghiệp này đã chuyển sang vận chuyển khách chuyên gia và kiều bào về nước. Việc này giúp cho công ty duy trì được hoạt động, giữ chân nhân viên trong lúc khó khăn. Trong khi đó, Công ty Du lịch AZA Travel đã chuyển một số nhân viên điều hành sang làm việc ở lĩnh vực sản xuất đồ uống.
|
Vắc xin phòng COVID-19 được nhiều doanh nghiệp mong chờ. |
Vắc xin COVID-19 cứu cánh cho doanh nghiệp
Đánh giá vai trò quan trọng của vắc xin COVID-19, nhiều doanh nghiệp cho biết, sẵn sàng tham gia mua và tiêm cho người lao động.
Ông Lê Thành Long - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Trung Thành (Hải Phòng) khi trao đổi với PV cho rằng, đặc thù ngành vận tải, lái xe đa số là chạy liên tỉnh, tiếp xúc nhiều thành phần, do đó phải được xếp vào ngành nghề được ưu tiên tiêm chủng vắc xin COVID-19.
“Giải pháp tốt nhất hiện nay là tiêm vắc xin. Tôi đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế xem xét và cho ngành vận tải vào nhóm được ưu tiên tiêm vắc xin sớm” - ông Long nói.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, hiện một số doanh nghiệp lớn ngành dệt may muốn kết nối với Chính phủ giới thiệu để nhập vắc xin về Việt Nam. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có khả năng tài chính, doanh nghiệp xin được tài trợ từ các tổ chức nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền ra mua, tiêm vắc xin cho người lao động.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam cho biết, trong gói vắc xin mà Chính phủ đang đàm phán đưa về Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn đóng góp chi phí mua và tiêm cho người lao động.
Mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép VASEP - đại diện cho các doanh nghiệp thuỷ sản thành viên được đăng ký mua 500.000 liều vắc xin mà Chính phủ đang đặt mua theo kế hoạch, chương trình của Chính phủ. Toàn bộ chi phí mua 500.000 liều vắc xin và tổ chức tiêm, Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thành viên sẽ chủ động và đóng góp đầy đủ.
Gói tín dụng, phao cứu sinh cho doanh nghiệp phục hồi
Thời điểm dịch bùng phát vào tháng 3/2020, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Một số gói hỗ trợ lớn được Chính phủ tung ra, đó là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ trả lương lao động 16.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp cho thấy, trên 84% các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do tái dịch lần thứ 4. Trong đó, thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%.
Gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động lần thứ nhất tuy kịp thời nhưng thực thi chưa có tác động rõ nét đến doanh nghiệp, mức độ hấp thụ của doanh nghiệp rất thấp. Ông Dũng cho rằng, cần triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52, đồng thời cần khắc phục các rào cản các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
|
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh. |
Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ủng hộ gói cứu trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, Chính phủ nên có một gói tín dụng.
Một là hoãn trả nợ cho các doanh nghiệp, hai là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay thêm vốn để khôi phục lại sản xuất, tạo công ăn việc làm.
“Tôi nghĩ lúc này cần có những biện pháp đặc biệt để cứu các doanh nghiệp ra khỏi tình trạng không bình thường hiện nay” - ông Lê Đăng Doanh đề xuất.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khó lường đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam:
Hải Ninh