Theo thống kê, đa số những người trẻ sở hữu nhà đất tại các đô thị lớn hiện nay đều có tích lũy ban đầu khá khiêm tốn, hầu hết phải vay ngân hàng để mua nhà. Bởi họ cho rằng, nếu chờ đủ tiền để mua nhà thì rất lâu và nếu đang mang nợ một khoản tiền lớn thì sẽ có động lực hơn để kiếm tiền trả nợ.
Lương từ công việc chính khoảng 10 triệu/tháng, anh Nguyễn Văn Thắng vẫn quyết định vay ngân hàng 400 triệu và vay thêm một số người thân, bạn bè để mua căn chung cư 1,2 tỷ đồng tại Hà Đông, Hà Nội.
Anh Thắng chia sẻ, sau khi mua nhà, hàng tháng anh trả ngân hàng cả gốc và lãi là 8 triệu đồng/tháng. Người thân, bạn bè thì khi nào có khoản thưởng hoặc một khoản tiền lớn về thì anh trả. Áp lực nợ nần khiến anh ý thức chi tiêu có kế hoạch và tiết kiệm hơn trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, anh cũng tìm mọi cách, làm thêm nhiều công việc giúp tăng thu nhập để có tiền trả nợ. Sau 3 năm, anh đã trả được hết các khoản nợ, còn có thêm 70 triệu đồng để làm sổ hồng cho căn hộ của mình.
|
Ảnh minh họa. |
“Áp lực nợ nần khiến tôi chi tiêu có kế hoạch và tiết kiệm trong từng khoản nhỏ. Ví dụ tôi lên định mức chi phí ăn uống chỉ 100.000 đồng/ngày, chi phí sinh hoạt như điện, nước, mạng 500.000 đồng/tháng, hạn chế tụ tập ăn uống nhậu nhẹt với bạn bè. Tính ra một tháng tôi chi tiêu tối đa là 5 triệu đồng. Ngoài ra, tôi cũng tìm các công việc làm thêm để tăng thu nhập. Nhờ đó, mối quan hệ của tôi mở rộng hơn, tôi cũng được tiếp cận với nhiều ngành nghề khác hơn”, anh Thắng chia sẻ.
Anh Thắng không phải là trường hợp hiếm gặp, hiện nay khá nhiều người trẻ đều vay ngân hàng để sở hữu một căn nhà tại thành phố lớn. Lúc đầu họ có kế hoạch vay tiền trong khoảng 10 - 15 năm, nhưng khi thu nhập họ tốt hơn thì đa số sẽ rút ngắn thời gian vay để giảm lãi phát sinh và giảm bớt áp lực, tuy nhiên cũng phải bồi thường cho ngân hàng một khoản tiền do trả nợ trước hạn.
Theo chị Thùy Chi (Hoàn Kiếm, Hà Nội), gia đình chị khi mua nhà cũng phải vay ngân hàng, anh em, bạn bè một khoản tiền lớn. Sau 2 năm nỗ lực làm việc, vợ chồng chị đã trả được hết các khoản nợ và chính thức sở hữu căn hộ trị giá 4 tỷ đồng.
“Trước đây chồng tôi là trụ cột kinh tế trong nhà, tôi làm công ăn lương nhà nước thôi. Nhưng sau khi mua căn nhà này, tổng số nợ nần của hai vợ chồng lên đến 2,5 tỷ đồng, áp lực nợ nần khiến tôi phải làm kinh doanh thêm. Theo đó, chồng tôi mở rộng kinh doanh mảng khác nên tôi quản lý công ty cung cấp dụng cụ văn phòng của chồng, thu nhập cũng khoảng 50 – 70 triệu đồng/tháng. Nếu như trước đây thu nhập của tôi chỉ 4 triệu đồng/tháng, chủ yếu dựa vào thu nhập của chồng thì giờ đây tôi có thể tự chủ về kinh tế, cũng có thể chung sức để trả nợ tiền vay mua nhà cùng chồng tôi”, chị Thùy Chi cho biết.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, nếu như không đủ điều kiện kinh tế thì không nên mua nhà làm gì. Anh Trần Xuân Tùng (Ba Đình, Hà Nội) phân tích “ở các nước phát triển, đa số người dân đi thuê nhà là chính. Họ không nhất thiết phải là chủ sở hữu ngôi nhà đang ở. Tiền kiếm được họ tận hưởng cuộc sống, đi du lịch. Theo tôi, nếu không đủ điều kiện kinh tế thì cũng không cần mua nhà làm gì. Vay nợ một khoản tiền lớn mà cũng chỉ mua được một căn hộ xa trung tâm, hàng ngày đi làm có khi lên đến mấy chục km. Áp lực nợ nần, đi lại xa vất vả, chi phí xăng xe và bồi bổ sức khỏe cũng quá tội…”
Theo một số chuyên gia, việc vay tiền mua nhà để có động lực kiếm tiền trả nợ không hẳn là không tốt. Tuy nhiên, khi có ý định vay khoản tiền lớn như vậy, mọi người nên cân nhắc và tính toán kỹ, tránh trường hợp bị “đuối” khi trả nợ.
Cụ thể, với thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng/tháng, mọi người có thể mua nhà ở mức giá trên dưới 2 tỷ đồng/căn. Nếu như gia đình có 3 người có thể mua những căn nhà diện tích khoảng 50 – 65m2.
Ngoài ra, khi vay mua nhà trả góp, người trẻ chỉ nên vay tối đa 50% giá trị căn nhà hoặc khoản vay có thể trả hàng tháng tương ứng với 50% tổng thu nhập để tránh áp lực nặng về tài chính. Đồng thời, những người này cần có thu nhập ổn định từ ít nhất một công việc và có thêm thu nhập thụ động bên ngoài.
Theo bạn, có nên vay tiền mua nhà để có động lực kiếm tiền trả nợ không?
Theo Hà Kiều/Dân Việt