Cổ phiếu KSV tăng nóng, Vimico giải trình sao?

Google News

KSV giải trình giá cổ phiếu của Tổng công ty tăng tích cực trong thời gian gần đây do tình hình chung của thị trường.

Ngày 27/12/2024, Tổng Công ty Khoáng sản TKV - CTCP (Vimico, HNX: KSV) đã có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc giải trình cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 20/12/2024 và từ ngày 23-26/12/2024.
Theo đó, KSV giải trình giá cổ phiếu của Tổng công ty tăng tích cực trong thời gian gần đây do tình hình chung của thị trường. Việc giá cổ phiếu KSV tăng trần năm (05) phiên liên tiếp là do việc cung cầu của thị trường chứng khoán, quyết định việc mua bán cổ phiếu là do nhà đầu tư quyết định nằm ngoài kiểm soát của Tổng công ty. Hiện tại, các hoạt động của Tổng công ty vẫn bình thường và không có biến động nào đặc biệt.
Cổ phiếu KSV liên tục tăng nóng, thậm chí nhiều phiên kịch trần liên tiếp thời gian gần đây.
Trong một tháng trở lại đây, thị giá KSV đã tăng gấp 2 lần lên mức 132.000 đồng/cp (tính đến kết phiên ngày 27/12/2024), đây là mức giá cao nhất kể từ khi Vimico niêm yết. Vốn hóa thị trường cũng theo đó lập kỷ lục hơn 26.000 tỷ đồng (1 tỷ USD), tăng 180% chỉ trong vòng một tháng và tăng 340% kể từ đầu năm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/12/2024 mã này giảm sàn 10% so với phiên trước về mức 118.800 đồng/cp. Vốn hóa thị trường giảm hơn 2.200 tỷ đồng so với phiên cuối tuần trước.
Vimico tiền thân là Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam, được thành lập vào năm 2005. Doanh nghiệp này là công ty con của Vinacomin. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, như đất hiếm, vàng bạc, kẽm đồng, nhôm... Công ty hiện dẫn đầu cả nước về khai thác và chế biến đồng, với thế mạnh là sở hữu quyền khai thác tại mỏ đồng lớn nhất Việt Nam - mỏ Sin Quyền.
Co phieu KSV tang nong, Vimico giai trinh sao?
Ảnh minh họa 
Vimico hiện đang quản lý và khai thác mỏ Đông Pao - mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước. Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133 ha, thuộc địa bàn xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, với tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn, chiếm hơn một nửa trữ lượng đất hiếm của cả nước. Các nguồn đất hiếm còn lại được phân bố chủ yếu ở Nậm Xe (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Bái.
Động lực tăng giá của KSV đến từ kết quả kinh doanh rất khởi sắc năm nay. Theo BCTC hợp nhất quý 3, tổng công ty ghi nhận doanh thu tăng 8% lên 9.615 tỷ đồng. Biên lợi nhuận cải thiện mạnh từ 8,9% lên 18,7%. Lợi nhuận gộp gấp 2,2 lần lên 1.802,6 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính cũng khả quan khi doanh thu không biến động nhiều nhưng chi phí giảm mạnh từ 270 tỷ đồng xuống 194 tỷ đồng, riêng chi phí lãi vay giảm từ 257 tỷ về 185 tỷ đồng. Tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 60% lên 574 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế gấp 6 lần lên 787,8 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vimico ghi nhận 9.615 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 788 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ 2023.
Theo giải trình, lợi nhuận toàn tổng công ty tăng mạnh là do lợi nhuận của công ty mẹ tăng, đến từ việc giá bán bình quân các sản phẩm chính tăng cao so với cùng kỳ năm 2023, đặc biệt là giá vàng.
Tại buổi làm việc cuối tháng 11 vừa qua, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc tập đoàn cho biết tính đến hết tháng 11, tập đoàn ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 11.968 tỷ đồng và lợi nhuận 1.117 tỷ đồng. Dự kiến cả năm, doanh thu có thể đạt 13.327 tỷ đồng và lợi nhuận 1.296 tỷ đồng, đây là mức kỷ lục kể từ khi công khai BCTC.
Minh Vy/VNDL