Công nhân lương 7 triệu mua được NƠXH: “Vui nhưng đầy thách thức”

Google News

Theo người lao động và các chuyên gia mức lương chung bình của gia đình (3 thành viên) dưới 20 triệu đồng/tháng rất khó mua được nhà ở xã hội, chưa kể đến điều kiện vay ngân hàng ngặt nghèo.

Mới đây, tại buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động thủ đô, đề cập đến việc gỡ vướng cho công nhân mua nhà ở xã hội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: “Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi. Thành phố đang rất quyết liệt nhưng việc này cần có thời gian nhất định, kế hoạch và lộ trình cụ thể”.

Cong nhan luong 7 trieu mua duoc NOXH: “Vui nhung day thach thuc”
TP Hà Nội sẽ có chính sách để người lao động lương mức 7 triệu đồng/tháng mua được nhà ở xã hội. 

Lương 7 triệu có mua được nhà ở xã hội?

Về mức lương trung bình hiện nay của công nhân, tại Hà Nội, theo ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho biết, hiện nay địa bàn có trên 250.000 doanh nghiệp, với khoảng 2,5 triệu lao động.

Năm 2022, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống, việc làm của phần lớn công nhân lao động tiếp tục gặp những khó khăn. Tiền lương bình quân chung của người lao động trên địa bàn Thành phố tăng hơn so với năm 2021 từ 2,94% đến 3,82%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng. Riêng quý I năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng.

Theo ông Lê Đình Hùng, người lao động với mức thu nhập như trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, do tình hình lạm phát, người lao động phải chịu nhiều chi phí, như: Thuê nhà trọ, gửi trẻ, giá hàng hóa tiêu dùng tăng cao... và còn khó khăn hơn đối với công nhân lao động đang làm việc ở trong các Khu công nghiệp và chế xuất.

Đối với TP HCM, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân cho biết, trên địa bàn quận có hơn 318.000 công nhân lao động, trong đó 70% là người từ các tỉnh, thành khác đến làm việc. Đa số họ đang tạm trú tại các khu trọ do người dân xây cất lên.

Thu nhập bình quân của công nhân lao động trên địa bàn Bình Tân là khoảng 7 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, nhà trọ, nếu không gửi về cho gia đình thì mỗi tháng công nhân dư được 2 triệu đồng.

Vì vậy, ông Hải cho rằng, công nhân muốn đủ khoảng 1 tỷ đồng mua được 1 căn nhà thì phải tích lũy mất 50 năm.

Cò thổi giá

Không chỉ chịu áp lực về tiền lương, người có nhu cầu mua nhà ở xã hội hiện nay còn gặp phải tình trạng bị đẩy giá nhà ở xã hội từ những “cò mồi” nhà ở xã hội.

Nắm bắt được nhu cầu nhà ở xã hội nhưng nguồn cung còn hạn chế nên đây lại là thời cơ để một số cò mồi bất động sản rao bán ăn chênh lệch, thậm chí mức chênh có thể lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi căn.

Như tại dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn, dù chủ đầu tư cho biết, dự án đang thi công hạng mục cọc, móng và tầng hầm, nên theo quy định, vẫn chưa đủ điều kiện đăng ký chào bán, cho thuê nên cũng chưa làm việc, ký hợp đồng dịch vụ với bất cứ đơn vị môi giới trung gian nào về kinh doanh căn hộ nhà ở xã hội tại dự án này.

Tuy nhiên, thực tế tình trạng "cò mồi" ngang nhiên chào bán các căn hộ nhà ở xã hội NHS Trung Văn trên mạng xã hội từ nhiều tháng qua. Thông qua các “cò”, khách mua nhiều suất ngoại giao căn đẹp, hướng đẹp với mức tiền chênh từ 250-300 triệu đồng/căn tùy từng vị trí.

Theo các "cò mồi", tiền chênh hàng trăm triệu đồng trên sẽ được quy sang "hợp đồng tư vấn". Khách hàng thanh toán theo tiến độ, đợt đóng tiền cuối là lúc có phiếu tiếp nhận hồ sơ.

Tại dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhiều sàn giao dịch bất động sản vẫn “vào cuộc” phân phối dự án dù chủ đầu tư cho biết không phân phối cho bất kỳ trung gian nào.

Theo một số sàn giao dịch bất động sản, nếu khách hàng đăng ký mua theo kênh của họ sẽ được hướng dẫn và trợ giúp làm hồ sơ với chủ đầu tư. Sàn cũng cam kết khách sẽ mua được căn hộ, chứ không giống như kênh nộp hồ sơ cho chủ đầu tư là phải bốc thăm. Khi bốc thăm có thể mua được, có thể không.

Ngoài giá bán căn hộ được chủ đầu tư thông báo là 16-17 triệu đồng/m2, nhưng chi phí làm hồ sơ và giúp khách mua được nhà, sàn thu thêm một khoản tiền chênh là 70 triệu đồng/hồ sơ. Để có được căn hộ ở vị trí đẹp, khách hàng cũng phải trả thêm tiền chênh 120-250 triệu đồng.

Dự án nhà ở xã hội 282 Nguyễn Huy Tưởng  số tiền chênh lệch khách hàng phải trả thậm chí còn lên tới trên 500 triệu đồng. Nhiều người được suất mua căn hộ muốn bán lại khiến thị trường mua bán thứ cấp nở rộ, từ đó các khoản tiền chênh lệch được đẩy lên cao.

Tại dự án nhà ở xã hội tại 43 Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), tình trạng mua đi bán lại để hưởng tiền chênh cũng xảy ra tương tự. Các căn hộ được người có suất mua rao bán lại chênh từ 300-400 triệu đồng/m2.

Hay tại TP Quảng Ninh, dự án nhà ở xã hội tại Khu dân cư Đồi ngân hàng thuộc địa bàn các phường Hồng Hải, Cao Thắng đang được giới “cò đất” tạo sóng, với mức giá chào mua 16 - 17 triệu đồng/m2. Đặc biệt, các tư vấn viên của các sàn giao dịch khẳng định bất kì ai có nhu cầu đều có thể mua nhà ở xã hội.

Cong nhan luong 7 trieu mua duoc NOXH: “Vui nhung day thach thuc”-Hinh-2
 Nhiều dự án nhà ở xã hội hiện nay đang bị cò thổi giá - Ảnh minh họa, nguồn: internet

Bao giờ mua được nhà ở xã hội?

Theo chị Hoàng Thị Thanh An quê ở Thanh Hóa đang thuê nhà ở quận Cầu Giấy nhiều năm tìm kiếm nhà ở xã hội nhưng chưa mua được cho biết, lương của cả vợ và chồng khoảng 20 triệu/tháng, trừ các khoản chi phí tích lũy mỗi tháng 15 triệu đồng là cao. Hiện nay giá niêm yết mỗi căn nhà ở xã hội dao động từ 1,2-1,7 tỷ đồng, chưa kể các chi phí tư vấn, hay qua trung gian. Nếu muốn mua phải vay mượn từ ngân hàng và người thân quá nửa giá trị căn nhà.

Trong khi đó, theo các chuyên gia tài chính bất động sản, mức giá nhà ở xã hội hiện nay sau khi cộng hết thuế phí rơi vào khoảng 16 -22 triệu đồng/m2. Với gia đình cơ bản 3 người số tiền mua nhà sẽ cần khoảng 650 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng cho căn hộ trên 35m2.

Vì vậy, việc tích lũy được 30% - 50% giá trị căn nhà, vay thêm 50% - 70% như người mua nhà ở thương mại thông thường là bài toán khó. Nghĩa là, tự bản thân công nhân phải nỗ lực có sẵn 20% giá trị căn nhà (130 – 300 triệu đồng), vay thêm 80% tương đương 520 triệu đồng - 1,2 tỷ đồng.

Theo chuyên gia bất động sản Lê Quốc Kiên, trung bình, một gia đình công nhân cơ bản 3 người ở các khu vực có nhiều việc làm sẽ có mức chi tiêu tiết kiệm rơi vào khoảng 8 - 12 triệu đồng/tháng bao gồm mức chi cho tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền học, sinh hoạt phí; thêm 1 khoản phí dự phòng cho bệnh hoạn ốm đau và các phát sinh khác như tiền ma, chay, hiếu hỉ thì tổng chi tiêu tiết kiệm vào khoảng 11 – 15 triệu đồng/tháng. Chưa kể họ sẽ còn tốn thêm chi phí nếu có thêm đứa con thứ 2 và trách nhiệm với cha mẹ ở quê.

Với thu nhập và mức chi tiêu như trên, cộng với 5,5 triệu đồng cần có để đóng lãi và gốc ngân hàng hàng tháng cho căn nhà ở xã hội 35m2, thì tổng thu nhập của 2 vợ chồng nếu dưới 20 triệu đồng sẽ rất khó dám nghĩ đến việc vay mua nhà ở xã hội chứ chưa nói đến việc có đáp ứng điều kiện đi vay ngân hàng không? Chưa kể rủi ro công việc không thuận lợi, bị bất ổn về thu nhập đều hàng tháng.

Ông Lê Quốc Kiên cho rằng, để tăng thêm khả năng vay mua nhà ở xã hội, giảm áp lực dòng tiền trả ngân hàng hàng tháng, nên áp dụng thời gian cho vay mua trung bình là 20 năm (nếu có tiền sớm thì trả thêm vào sớm), với lãi suất ưu đãi 8,2% trong 5 năm đầu, lãi suất thả nổi 15 năm sau.
Minh Quang (tổng hợp)