Để thực hiện dự án tuyến đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên dài 1,65 km, Hà Nội dự kiến giao cho nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và Đô thị Vĩnh Hưng gần 60 ha đất “vàng” tại các quận trung tâm.
|
Bản sơ đồ quy hoạch tuyến đường dài hơn 1,6km Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên. Ảnh: Tiền Phong. |
Tại sao Hà Nội luôn giữ kỷ lục con đường đắt nhất hành tinh? - ANTV.
Theo Tiền Phong, thời điểm hiện tại Công ty Vĩnh Hưng có 5 cổ đông sáng lập gồm 2 cổ đông là tổ chức và 3 cổ đông là cá nhân. Trong đó, 2 cổ đông là tổ chức là Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex góp 67,27% vốn điều lệ và Công ty đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico 7) thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) góp 2% vốn điều lệ.
3 cổ đông là cá nhân gồm bà Mai Thị Hằng góp 20% vốn điều lệ, ông Lê Xuân Tùng góp 10,73%, và cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường (đã chuyển nhượng cổ phần).
Năm 2014 UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận về nguyên tắc việc Công ty Handico 7 và Công ty Vimedimex thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng (gọi tắt là Công ty Vĩnh Hưng) để triển khai dự án xây dựng khu nhà ở Ao Mơ.
Quá trình triển khai dự án Công ty Vĩnh Hưng đã đề xuất thực hiện tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên (đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5).
Trước đấy, ngày 14/7/2014 Công ty Vĩnh Hưng thành lập có số vốn điều lệ là 423 tỷ đồng, do đóng góp của 3 cổ đông. Đó là Công ty Handico 7, Vimedimex và cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường.
Theo Tiền Phong, Vimedimex góp 284,540 tỷ đồng nắm giữ tới 67,27% vốn điều lệ; Handico 7 góp 130 tỷ đồng tương đương 30,73% vốn điều lệ; cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường góp 8,460 tỷ đồng tương đương 2% vốn điều lệ.
Đến ngày 16/3/2015, vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Hưng đã được tăng lên 1.000 tỷ đồng, nhưng dẫn đến sự biến động lớn về số lượng và cơ cấu cổ đông. Trong đó, Vimedimex góp 672,671 tỷ đồng vẫn tương đương 67,27% vốn điều lệ nhưng Công ty Handico 7 chỉ còn đóng góp 2% vốn điều lệ tương đương 20 tỷ đồng.
Thay vào đó thành phần vốn góp của Công ty Vĩnh Hưng tăng thêm 2 cá nhân là bà Mai Thị Hằng tham gia góp 200 tỷ đồng tương đương 20% vốn điều lệ; và ông Lê Xuân Tùng góp 87.328 tỷ đồng tương đương 8,730% vốn điều lệ. Cá nhân ông Nguyễn Quốc Cường vẫn góp 20 tỷ đồng tương đương 2% vốn điều lệ.
Điều đáng nói, Công ty Vimedimex - hiện cổ đông đang nắm giữ cổ phần chính tại Công ty Vĩnh Hưng, doanh nghiệp được Hà Nội giao dự án làm hơn 1,6 km đường đổi 60 ha đất vàng lại là doanh nghiệp hoạt động trong ngành dược.
Theo VietTimes, Công ty CP Y dược phẩm Vimedimex là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa theo Quyết định 335/QĐ-BYT ngày 30/01/2006 của Bộ Y tế. Hiện nay do bà Nguyễn Thị Loan là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) đồng thời là người đại diện theo pháp luật, có vốn điều lệ là trên 154.402 tỷ đồng. Hiện tại Bà Loan cũng đang làm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Hòa Bình (HBS).
Còn Công ty Cổ phần đầu tư Xây dựng Phát triển nhà số 7 Hà Nội tiền thân là Công ty Xây dựng Phát triển nhà Hai Bà Trưng được thành lập năm 1993. Đến tháng 7/2000 được chuyển giao từ quận Hai Bà Trưng về làm thành viên của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) và đổi tên thành Công ty Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội (HANDICO 7) từ tháng 11/2002 theo Quyết định của UBND Thành phố Hà Nội.
Hồng Liên (Tổng hợp)