Sở KH&ĐT TP Hà Nội chiều 24/6 đã có văn bản giải thích về việc TP Hà Nội vừa đồng ý đổi khoảng 700 ha đất lấy năm tuyến đường tại khu vực nội đô (xem Pháp Luật TP.HCM ngày 23/6). Dù Sở KH&ĐT khẳng định việc đầu tư các tuyến đường tuân thủ quy định của pháp luật, công khai, minh bạch…, tuy nhiên giải thích này chưa đủ sức trấn an dư luận.
Đã có chủ trương từ lâu
Văn bản do Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Vũ Duy Tuấn ký xác nhận Hà Nội đã đồng ý cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng một số tuyến đường tại nội đô theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Đổi lại, TP sẽ giao cho nhà đầu tư khoảng 700 ha đất tại nhiều khu vực khác nhau.
“Đây là các dự án đã được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015, đã được UBND TP Hà Nội báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT và cho phép chỉ định nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT” - văn bản nêu.
Sở KH&ĐT TP Hà Nội cũng cho hay do ngân sách khó khăn, khó cân đối nguồn vốn nên từ năm 2016, Hà Nội có chủ trương huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng. Trong đó ưu tiên thực hiện một số dự án hạ tầng trọng điểm theo hình thức BT. Việc thực hiện các dự án BT của Hà Nội đều tuân thủ các quy định tại Nghị định 15/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án được các cơ quan chuyên môn của Hà Nội thẩm định kỹ; quỹ đất giao để thanh toán cho nhà đầu tư được tính toán theo phương án có giá trị cao nhất…
Đặc biệt, Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho hay diện tích đất giao cho các dự án làm đường trên chỉ để nhà đầu tư lập nghiên cứu quy hoạch (!?) và họ chỉ được khai thác một phần diện tích đất đó. “Thực tế, bình quân nhà đầu tư chỉ được khai thác khoảng 26% tổng diện tích đất được giao để hoàn vốn cho công trình BT” - văn bản của Sở KH&ĐT TP Hà Nội cho hay.
|
Dự án đường trên cao Vĩnh Tuy-ngã tư Sở có tổng vốn đầu tư gần 9.460 tỉ đồng. Ảnh: TP. |
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Lý giải của Sở KH&ĐT TP Hà Nội không làm an lòng dư luận. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia vẫn đề nghị Hà Nội cần xem xét lại việc này. Bởi hình thức đầu tư BT hiện nay được cho là còn nhiều lỗ hổng, dễ bị lợi dụng để “nhóm lợi ích”, “cánh hẩu” thâu tóm đất đai. Bằng chứng là vào năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra trong số 15 dự án đổi đất lấy hạ tầng tại Hà Nội có đến 14 dự án được chỉ định thầu. Có trường hợp tính toán sai chi phí đầu tư, làm tăng tổng vốn đầu tư khiến Nhà nước thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng…
TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nói thẳng: “Quan điểm của tôi là không nên đổi đất lấy hạ tầng mà nên chia ra thực hiện thành hai quá trình. Đất phải đem đi đấu giá. Còn hạ tầng thì lấy tiền đấu giá đất để xây. Về bản chất, Nhà nước vẫn lấy vốn ngân sách để làm đường nhưng cách làm này sẽ hiệu quả hơn, minh bạch hơn. Chứ đầu tư theo hình thức BT như cách Việt Nam đang thực hiện thì rất không minh bạch, tạo ra nhiều hệ lụy”.
Theo TS Huỳnh Thế Du, đầu tư theo hình thức BT mà nhiều tỉnh, thành đang thực hiện thực chất là phương thức “hàng đổi hàng” dễ khiến Nhà nước thiệt hại hai lần. Vì Nhà nước chỉ mua hàng (con đường) của một người bán và bán tài sản của mình cho một người mua (đất). Kết quả kiểm toán nhiều dự án BT đã triển khai xong cho thấy không ít công trình bị đội giá thi công, trong khi quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư thường bị đẩy giá xuống.
“Tôi có thể nói thẳng là những người liên quan đến các dự án BT rất có lợi. Và tình trạng “bôi trơn, tham nhũng” rất dễ xảy ra. Điều này không chỉ làm tài sản đất đai nhà nước thất thoát mà còn khiến niềm tin vào Nhà nước của công dân giảm sút” - TS Huỳnh Thế Du cảnh báo.
• Dự án đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai) có chiều dài hơn 2,6 km, mặt cắt 40 m, có tổng vốn đầu tư hơn 900 tỉ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ giao cho nhà đầu tư là Tập đoàn Tân Hoàng Minh khai thác 20 ha đất tại quận Hoàng Mai.
• Dự án đường đấu nối hạ tầng các khu đô thị dân cư quận Hà Đông gồm nhiều tuyến đường khác nhau có tổng chiều dài hơn 6,2 km, mặt cắt 17-40 m, tổng vốn đầu tư gần 1.961 tỉ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ cho nhà đầu tư là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - INVEST và Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát khai thác sáu khu đất có tổng diện tích 70,4 ha tại quận Hà Đông.
• Dự án đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên và đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5 có chiều dài 1,8 km, mặt cắt 40-47 m, tổng vốn đầu tư gần 1.621 tỉ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ cho Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng khai thác năm khu đất với tổng diện tích khoảng 54 ha tại hai quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng.
• Dự án đường từ phố Lê Trọng Tấn-đường Vành đai III (quận Thanh Xuân) có chiều dài 2,85 km, mặt cắt 30 m, tổng vốn đầu tư 1.412 tỉ đồng. Đổi lại Hà Nội sẽ thanh toán cho nhà đầu tư là liên danh Công ty CP Phát triển nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt khai thác quỹ đất 39,8 ha tại quận Nam Từ Liêm...
Theo Pháp luật TP HCM