Đồng tiền 2 đôla Mỹ là một trong những đồng tiền hiếm gặp ở Mỹ, được in rất hạn chế và không thường xuyên được in lại theo số series mới như các đồng tiền khác. Dường như những đồng 2 đôla Mỹ không còn xuất hiện trong lưu thông hàng ngày.
Ngày nay, đồng 2 đôla Mỹ chỉ được in ấn trong một số năm: 1917, 1918, 1928, 1953, 1963, 1995, 1976, 2003, 2009.
Theo khảo sát của PV, tại Việt Nam, với quan niệm 2 đôla Mỹ là “đồng tiền may mắn”, nên vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 tình trạng nhiều người đua nhau “săn” những đồng tiền 2 đôla càng rầm rộ.
Trong khi đó, trên thị trường online hàng loạt website sẵn sàng “cung cấp” cho khách hàng những đồng tiền 2 đôla Mỹ đẹp, như: doitienle, doitienmoi, 2usdonline, dichvudoitien, thegioitien, 2usdshop. Giá bán sẽ giao động khoảng từ 52 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng/tờ, tùy theo series và năm in ấn của đồng tiền.
Thậm chí, để thu hút khách, các trang mua bán online còn “nổ” rằng: “Đồng 2 đôla Mỹ chất lượng mới từ 95%-100%, là loại hiếm, số lượng không có nhiều, hàng không thể có liên tục…”. Ngoài ra, số tờ mua càng nhiều, giá mua sẽ càng thấp?
|
Đồng tiền 2 đôla Mỹ được rao bán rầm rộ trên thị trường online dịp Tết Nguyên đán 2020. |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, Việt Nam là một nước phương Đông và có truyền thống ăn Tết Nguyên Đán từ lâu đời. Cũng xuất phát từ những tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc nên có rất nhiều phong tục hoặc quan điểm về việc “lấy may đầu năm mới”.
Dựa vào quan điểm nêu trên hoặc những quan điểm tương tự như vậy của người dân mà hiện nay xuất hiện rất nhiều hình thức, phương thức khác nhau để mua bán ngoại tệ trái phép gắn mác “ lấy may năm mới”. Trên các website mua bán như: doitienle, doitienmoi, 2usdonline, dichvudoitien, thegioitien hay 2usdshop… đang rao bán rầm rộ 2 đô la Mỹ để lấy “may” năm mới. Hành vi giao bán nêu trên là hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Đièu 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng thì đối với hành vi mua bán ngoại tệ có giá trị dưới 1000 USD thì xử phạt bằng hình thức cảnh cáo:
“Điều 23. Vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối
1. Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
b) Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đối ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
c) Thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.”
Điều này xuất phát từ việc pháp luật quy định người dân được phép sở hữu ngoại tệ, do đó cũng có quyền trao đổi ngoại tệ (cho tặng, đổi tiền đúng tỷ giá,…). Còn đối với hành vi mua bán (có người bán và có ngưởi mua, trong đó có lợi nhuận từ việc mua bán chênh lệch tỷ giá) ngoại tệ giữa cá nhân với cá nhân, tổ chức với cá nhân hay tổ chức với tỏ chức nhưng giá trị ngoại tệ dưới 1000 USD sẽ bị xử phạt cảnh cáo.
Theo luật sư Hoàng Tùng, đối với việc trao đổi ngoại tệ dưới các hình thức mua bán thì là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào mức độ vi phạm (chủ yếu là căn cứ vào giá trị của ngoại tệ) thì sẽ xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt cho hành vi mua bán ngoại tệ và một số hành vi khác liên quan trong lĩnh vực ngoại hối như: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ… mức xử phạt khi vi phạm tại điều 23 có thể lên đến 250.000.000 đồng.
Có thể thấy việc mua bán, trao đổi ngoại tệ trên thị trường hiện nay vẫn còn nhiều kẽ hở dẫn đến các đối tượng lợi dụng để trục lợi cho bản thân. Do đó, để quản lý và hạn chế những hành vi vi phạm nêu trên thì các cơ quan cần thắt chặt hơn trong việc thanh tra, rà soát đặc biệt là các hoạt động diễn tra trên Internet, các trang website...
Khánh Hoài