Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Việt Nam cho biết đơn vị vừa có văn bản về việc phòng chống dịch cúm gia cầm. Văn bản được ban hành trong bối cảnh thời gian gần đây tại Campuchia đã phát hiện ca tử vong trên người do virus cúm gia cầm A/H5N1.
"Điều này đang gây lo ngại không những đối với người chăn nuôi trong nước và người tiêu dùng. Theo đó, cần phải đề cao cảnh giác, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phòng chống dịch bệnh, mặt khác các cơ quan chức năng và truyền thông cũng phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ vấn đề để không ảnh hưởng tiêu cực đến việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm trong nước", ông nói.
Theo ông, các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch vẫn bảo đảm an toàn, người tiêu dùng có thể yên tâm tiêu thụ.
Để phòng chống dịch cúm gia cầm, hiệp hội yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không vận chuyển, buôn bán tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Đặc biệt, không tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kể cả trứng gia cầm được bày bán tràn lan trên các hè phố dưới danh nghĩa "giải cứu" của các tư thương.
|
Đã có ca tử vong vì Cúm A/H5N1 tại Campuchia. Ảnh minh họa: Nam Khánh.
|
Đồng thời chủ động triển khai tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh bao gồm tăng cường công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong và xung quanh trại, phương tiện vận chuyển ra vào trại chăn nuôi, đặc biệt những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
"Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khác. Giám sát chặt chẽ các phương tiện, khách ra vào trại, thực hiện tốt việc cách ly, bảo hộ lao động trước khi ra vào trại", hiệp hội yêu cầu.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra công điện khẩn tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông... để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào Việt Nam, đặc biệt các tỉnh biên giới phía Nam.
Trường hợp bắt các lô hàng động vật, sản phẩm động vật vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay (trước khi tiêu hủy, cần lấy mẫu gửi các cơ quan thú y để xét nghiệm bệnh).
Theo Thanh Thương/Zing