Tặng cho bất động sản là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên tặng cho chuyển giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của mình cho người khác mà không yêu cầu trả tiền.
Hiện nay, việc tặng cho quyền sử dụng đất xảy ra dưới 2 dạng phổ biến. Thứ nhất là bố mẹ tặng cho con cái nhà đất. Thứ hai là người có đất đai tặng cho đất của mình cho người không phải là con cái.
|
Việc tặng cho nhà đất cần tuân thủ quy định của pháp luật để tránh bị phạt hoặc rủi ro về sau (Ảnh minh hoạ) |
Cho tặng nhà đất là một trong các quyền của người sử dụng đất hợp pháp. Tuy nhiên, nếu không nắm rõ các quy định của pháp luật về việc tặng cho nhà đất, rất dễ phát sinh rủi ro hoặc tranh chấp về sau.
Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực
Bất động sản là một tài sản lớn. Chính vì thế, việc tặng cho nhà đất không nên chỉ "nói suông" mà cần lập thành văn bản có công chứng chứng thực. Đây là cách làm vừa hợp tình vừa hợp lý, tránh những rắc rối không đáng có về sau.
Theo quy định tại Điều 459, 462 Bộ Luật dân sự 2015, tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Hợp đồng tặng cho bất động sản cần có các thông tin cơ bản như sau:
- Thông tin các bên tham gia hợp đồng: Họ, tên của cá nhân, tên tổ chức, người đại diện theo pháp luật của tổ chức, số căn cước công dân hoặc mã số thuế, địa chỉ, số tài khoản của các bên.
- Thông tin về quyền sử dụng đất và nhà tặng cho: Loại đất, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, diện tích, thửa số, tờ bản đồ số, địa chỉ thửa đất, thời hạn sử dụng đất còn lại, giấy tờ pháp lý của thửa đất, nguồn gốc sử dụng, tài sản gắn liền với đất (nếu có),…
- Thời hạn giao nhận thửa đất và đăng ký quyền sử dụng đất.
- Nghĩa vụ nộp thuế, lệ phí của các bên.
Ngoài ra, hợp đồng còn có thể có các điều khoản thỏa thuận khác hoặc cam kết của các bên phù hợp với quy định của pháp luật.
Sau khi đã lập hợp đồng tặng cho bất động sản, hợp đồng này phải được công chứng, chứng thực thì mới có giá trị pháp lý.
Tặng cho nhà đất mà không sang tên sổ đỏ sẽ bị phạt
Nhà đất là tài sản phải đăng ký quyền sử dụng, sở hữu. Vì vậy, hợp đồng cho tặng nhà đất sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm thực hiện đăng ký biến động (sang tên sổ đỏ) với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hợp đồng này sẽ không có hiệu lực nếu không được đăng ký biến động.
Do vậy, sau khi công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho bất động sản thì các bên cần thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ, sổ hồng tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Khoản 6, Điều 95, Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ, trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày hợp đồng tặng cho có hiệu lực thì các bên phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động. Nếu quá thời hạn mà không đăng ký sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Ngày hợp đồng tặng cho có hiệu lực được xác định là ngày hợp đồng tặng cho được công chứng, chứng thực.
Khoản 2, Điều 17, Nghị định 91/2019/NĐ-CP có quy định về mức phạt đối với những trường hợp không đăng ký biến động đất đai. Cụ thể, với khu vực nông thôn: Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn mà không thực hiện đăng ký biến động; Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn mà không thực hiện đăng ký biến động. Với khu vực đô thị: Mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng tại khu vực nông thôn.
Tặng cho bất động sản kèm điều kiện
Điều 462 Bộ Luật dân sự 2015 quy định:
- Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Chiếu theo quy định trên, nếu là hợp đồng tặng cho nhà đất thông thường không kèm theo điều kiện tặng cho thì hợp đồng sẽ có hiệu lực từ thời điểm đăng ký. Sau đó, người được tặng cho hoàn toàn có quyền sử dụng đối với nhà đất trên mà người đã tặng cho nhà đất không đòi lại được trừ trường hợp chứng minh hợp đồng tặng cho là vô hiệu.
Tuy nhiên, nếu là hợp đồng tặng cho kèm theo điều kiện thì người được tặng cho phải tuân thủ theo điều kiện đó. Nếu người được cho tặng không tuân theo điều kiện thì người đã tặng cho có quyền đòi lại nhà đất và yêu cầu bồi thường thiệt hại kể cả khi nhà đất đã đăng ký tên của người được tặng cho.
Như vậy, để tránh rủi ro khi tặng cho nhà đất thì người tặng cho cần ghi rõ trong hợp đồng tặng cho về điều kiện mà người tặng cho yêu cầu người được tặng cho phải thực hiện trước cũng như sau khi đã làm hợp đồng. Các điều kiện nó có thể là con cháu phải có nghĩa vụ thờ cúng tổ tiên, chăm sóc ông bà, bố mẹ khi về già hoặc con cháu không được chuyển nhượng nhà đất…
Theo Minh Châu/ Vietnamnet