|
Dự án HaDo Centrosa Garden của tập đoàn Hà Đô. |
DN càng “to”, nợ càng lớn
Sau nhiều nỗ lực cải thiện kết quả hoạt động, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) năm 2017 đã ghi nhận lãi sau thuế 371,6 tỷ đồng nhưng các chỉ số tài chính vẫn rất u ám. Trong các khoản chi phí phải trả, riêng chi phí lãi vay đến cuối 2017 là 1.404 tỷ đồng, gấp đôi số liệu đầu năm. Trong đó chủ yếu chi phí lãi vay ngắn hạn hơn 1.231 tỷ đồng (cho trái phiếu và vốn vay ngân hàng). Thêm vào đó là các khoản vay dài hạn nhưng nay đã đến hạn phải trả.
Cụ thể, DN này đang nợ Ngân hàng TMCP Tiên Phong 321,5 tỷ đồng, nợ BIDV 172 tỷ đồng, nợ Ngân hàng Lào - Việt gần 120 tỷ đồng, nợ Sacombank - Chi nhánh Campuchia 80,7 tỷ đồng, nợ ngân hàng Phát triển Campuchia 34,6 tỷ đồng (tổng nợ ngắn hạn các ngân hàng 728,7 tỷ đồng, giảm so với đầu năm hơn 1.200 tỷ đồng). Các khoản vay đều chịu lãi suất thả nổi và được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất, nhà xưởng, văn phòng, máy móc thiết bị, vườn cao su, vườn dầu cọ và đàn bò. Về dài hạn, đáng chú ý nhất là khoản vay TPBank 1.190 tỷ đồng, thời hạn trả từ 2018 - 2026. Trong báo cáo kiểm toán của Hoàng Anh Gia Lai, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam ( E&Y) đã nhấn mạnh: Nợ ngắn hạn của tập đoàn vượt 2 lần số tài sản ngắn hạn là 3.563 tỷ đồng.
Tình trạng “nặng nợ” không chỉ với Hoàng Anh Gia Lai, mà khá phổ biến với nhiều DN BĐS. Khảo sát của Báo Giao thông cho thấy, DN càng “to”, nợ càng lớn. Một công ty đang có nhiều dự án “khủng” từ Bắc vào Nam và vừa được vinh danh tại giải thưởng quốc gia về Bất động sản hiện đứng đầu danh sách nợ phải trả tính đến 13/12/2017 là 35.968 tỷ đồng, tăng 35% so với hồi đầu năm.
Nhiều “tên tuổi” quen thuộc trong ngành BĐS có khoản nợ nhiều ngàn tỷ đồng khác như Công ty CP Quốc Cường Gia Lai nợ hơn 7.412 tỷ đồng; Công ty CP phát triển BĐS Phát Đạt nợ 7.115 tỷ đồng; Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc nợ 6.741 tỷ đồng; Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật nợ 6.338 tỷ đồng; Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) nợ 6.070 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Nam Long nợ 4.198 tỷ đồng…
Vay nợ lớn, hàng tồn kho nhiều
Theo thống kê của Báo Giao thông, tổng nợ vay của 58 DN thuộc ngành BĐS đang niêm yết trên sàn chứng khoán là 331,960 ngàn tỷ đồng. Khoản nợ này còn lớn hơn số thu nộp ngân sách của cả ngành Hải quan trong năm 2017 (là 297,082 ngàn tỷ đồng). Tổng số nợ trên cũng gấp đôi số vốn chủ sở hữu của 58 DN này cộng lại. Trong đó, DN có khoản nợ cao nhất gần 36.000 tỷ đồng và thấp nhất cũng hơn 1.000 tỷ đồng.
Trong số nợ trên, tính toán của PV cho thấy, nợ ngắn hạn chiếm 2/3 với 203,43 ngàn tỷ đồng. Hầu hết, DN đều vay nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu, trong khi lượng tồn kho khá lớn.
Cụ thể, BĐS Phát Đạt, nợ 7.115 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu 1.625 tỷ đồng, hàng tồn kho hơn 5.147 tỷ đồng. Quốc Cường Gia Lai vốn chủ sở hữu 4.011 tỷ đồng, hàng tồn kho 5.540 tỷ đồng, còn nợ phải trả tới 7.412 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB) nợ gần gấp 4 lần vốn chủ sở hữu; Công ty CP Licogi (LCG) nợ gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô (HDG) nợ lớn hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIG) và Công ty CP Phát triển đô thị số 2 (D2D) đều vay nợ gần gấp 2 vốn chủ sở hữu, Công ty CP Địa ốc 11 (D11) cũng vay nợ gấp 2,9 lần vốn chủ sở hữu…
Khi được hỏi về con số 915 tỷ đồng hàng tồn kho trong khi vốn chủ sở hữu chỉ là 1.850 tỷ đồng, đại diện Văn Phú - Invest cho biết số hàng tồn kho này không phải là khoản nợ mà vẫn là tài sản của Công ty chưa thu tiền về. Đại diện doanh nghiệp này cho rằng số hàng tồn kho của đơn vị đang ở mức rất thấp so với mức trung bình của các doanh nghiệp bất động sản.
Đáng chú ý, có nhiều DN có nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn. Như vậy có nghĩa là có khả năng thấp trả các khoản nợ sắp đáo hạn. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư bất động sản Việt Nam (VNI), theo số liệu cập nhật đến 2016, có tổng nợ vay 202,4 tỷ đồng, gần gấp 3 vốn chủ sở hữu, nợ vay ngắn hạn 101,7 tỷ đồng, lớn hơn nhiều tài sản ngắn hạn hơn 8 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB) nợ ngắn hạn 3.948,8 tỷ đồng nhưng tài sản ngắn hạn chỉ có hơn 744 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư và phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương (PPI) có nợ ngắn hạn 248 tỷ đồng nhưng chỉ có 201 tỷ đồng tài sản ngắn hạn...
Nợ cao, lợi nhuận âm, cổ phiếu bị kiểm soát giao dịch
Công ty CP BĐS Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) là một trong số ít DN BĐS bị kiểm soát giao dịch. Đến cuối năm 2017, công ty vay nợ tổng cộng hơn 147,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm hai năm liên tiếp: Năm 2017 âm 479,4 tỷ đồng và năm 2016 âm 209,5 tỷ đồng… Trong mấy phiên gần đây, giá cổ phiếu NVT lao dốc từ đỉnh hơn 7.000 đồng/cổ phiếu về 5.000 đồng/cổ phiếu và đã bị kiểm soát giao dịch từ ngày 3/4.
Hay Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (NTB), từ năm 2011 đến nay không có nguồn thu đã bị cơ quan thuế cưỡng chế hoá đơn, phong toả tài sản. Các số liệu tài chính của công ty, tính đến cuối 2017, đều rất xấu với tổng nợ 3.971,7 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm phần lớn với 3.948,4 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần tài sản ngắn hạn là 744,3 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 1.000 tỷ đồng. Công ty cũng đang bị HNX hạn chế giao dịch trên hệ thống UpCom do chậm công bố thông tin.
Theo Đức Anh/Báo Giao Thông