Doanh nghiệp Việt rót tiền đầu tư ở Myanmar: Cách nào tránh thiệt hại?

Google News

(Kiến Thức) - Trước biến cố chính trị, sự tác động của đại dịch COVID-19 tại Myanmar, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để tránh thiệt hại và trụ lại Myanmar lúc này, có lẽ các nhà đầu tư Việt Nam nên tìm cách giảm các chi phí ở mức tối đa nhất, chỉ giữ “bộ xương sườn” người lao động.

Tại Myanmar những ngày qua liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình kể từ khi đất nước này xảy ra biến cố về chính trị quân đội đảo chính bắt giữ hàng loạt nhân vật cấp cao trong chính phủ để lên nắm quyền (bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng Tổng thống Win Myint và các quan chức cấp cao khác vào ngày 1/2).
Doanh nghiep Viet rot tien dau tu o Myanmar: Cach nao tranh thiet hai?
Những người biểu tình bỏ chạy để tránh hơi cay của lực lượng an ninh vào ngày 1/3 ở Yangon, Myanmar. (Ảnh: AP).
Gần như các dịch vụ đường truyền Internet, truy cập Facebook, Instagram tại Myanmar thường xuyên bị gián đoạn, người dùng không thể truy cập được. Đặc biệt, nhiều ngân hàng tại Myanmar hiện đã đóng cửa các chi nhánh, hạn chế số tiền rút trực tiếp tại ATM.
Thực tế, nền kinh tế của Myanmar vốn đang trở nên khó khăn do sức ép của đại dịch COVID-19, nay cùng lúc phải gánh thêm sự khủng hoảng chính trị, điều này khiến nhiều nhà đầu tư kinh doanh nước ngoài phải sốc, trong đó có hơn 200 Tập đoàn, Công ty Việt Nam rót tiền đầu tư ở Myanmar.
Doanh nghiep Viet rot tien dau tu o Myanmar: Cach nao tranh thiet hai?-Hinh-2
Người dân ở Myanmar đổ xô đi rút tiền, ngân hàng đóng cửa hàng loạt. (Ảnh: Reuters). 
Đánh giá về tình hình kinh tế của Myanmar hiện tại, chuyên gia Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, không chỉ riêng các nhà đầu tư Việt Nam đang làm ăn tại Myamar mà nhiều nhà đầu tư khác trên thế giới rót vốn vào đất nước này có lẽ đều đang cảm thấy hụt hẫng.
“Với các Tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, hãng hàng không Vietnam Airlines, Viettel, ngân hàng BIDV,… có lẽ đang nằm trong tình trạng khó xử. Dù chưa có thông báo chính thức về thiệt hại nhưng nếu ở lại Myanmar lúc này, các doanh nghiệp Việt sẽ phải chịu thêm rất nhiều tác động từ dịch COVID-19, rồi cả biến động về mặt chính trị - xã hội. Triển vọng của các nhà đầu tư Việt Nam có vẻ không sáng sủa ở Myanmar”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, để tránh thiệt hại và trụ lại lúc này, có lẽ các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar nên tìm cách giảm các chi phí ở mức tối đa nhất, chỉ giữ “bộ xương sườn” người lao động.
Tiếp đó, tất cả kế hoạch phát triển mở rộng, phát triển kinh doanh ở thời điểm này do sẽ bị tác động, gặp rất bất lợi, vì vậy nên dừng lại, chờ nghe ngóng tình hình…
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 25/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, theo thông tin từ cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam tại nước này vẫn duy trì hoạt động bình thường.
"Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Myanmar quan tâm, đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập, làm việc tại Myanmar, cũng như bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp với các thỏa thuận hai bên, cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết.
Bà Hằng nhấn mạnh, trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế, xã hội tại Myanmar cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác toàn diện song phương.
Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 7 trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Myanmar, tổng vốn đăng ký trên 2,16 tỷ USD với 25 dự án. Tại mốc thời gian này có hơn 200 Tập đoàn, Công ty quốc doanh lẫn tư nhân Việt Nam đang làm ăn tại Myanmar.Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tên tuổi phải kể đến như: Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, hãng hàng không Vietnam Airlines, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ngân hàng BIDV, ngân hàng SHB, hãng xe Thaco Trường Hải, hãng gọi xe công nghệ FastGo…
Ngoại trừ FastGo gặp khó khăn do ít vốn, các Tập đoàn còn lại của Việt Nam dường như từng ăn nên làm ra từ 2019 trở về trước tại Myanmar, nổi bật là Viettel, Hoàng Anh Gia Lai và BIDV.

Khánh Hoài