Donacoop muốn nhập 15 triệu liều vắc xin Pfizer, tiềm lực công ty mạnh sao?

Google News

Công ty Donacoop được hình thành từ việc liên kết 9 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Doanh nghiệp đã làm nhiều dự án có tính trọng điểm và quy mô, qua đó tăng nguồn vốn từ 100 tỷ lên hơn 1.500 tỷ đồng.

Mới đây, thông tin Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Donacoop (Công ty Donacoop) đã thỏa thuận xong với hãng Pfizer để nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Ngay sau đó, thông tin về tiềm lực của Donacoop muốn nhập 15 triệu liều vắc xin Pfizer cũng được dư luận đặt câu hỏi.
Donacoop muon nhap 15 trieu lieu vac xin Pfizer, tiem luc cong ty manh sao?
Ông Bùi Thanh Trúc làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Donacoop. (Ảnh: donacoop). 
Theo giới thiệu, Công ty Donacoop thành lập năm 2005, có trụ sở nằm trên Quốc lộ 51A, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do ông Bùi Thanh Trúc làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc.
Donacoop hình thành từ việc liên kết 9 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cùng hợp tác, phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đô thị và dịch vụ.
Sau đó, doanh nghiệp này đã tập trung làm các dự án có tính trọng điểm và quy mô như: Dự án khu đô thị kinh tế mở Long Hưng, dự án Long Thành Plaza, dự án đầu tư khai thác đất đá tại mỏ đá Tân Cang 6, dự án Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, dự án hạ tầng nhà ở xã hội tại xã Tam Phước…
Rót “tỷ đô” vào dự án ở Đồng Nai
Trong số các dự án nói trên, khu kinh tế mở Long Hưng là dự án đã tạo nên tên tuổi của Công ty DonaCoop.
Theo quy hoạch, quy mô diện tích dự án hơn 1.173 ha, được chia thành ba dự án thành phần: Khu đô thị Long Hưng, dự án Waterfront Nam Long và dự án Aqua City. Tổng vốn đầu tư gần 25.000 tỷ đồng.
Donacoop muon nhap 15 trieu lieu vac xin Pfizer, tiem luc cong ty manh sao?-Hinh-2
 Phối cảnh dự án khu đô thị Long Hưng. (Ảnh: Internet).
Khi được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2007, với quy mô của một “siêu đô thị”, khu kinh tế Long Hưng vừa đòi hỏi vốn lớn, vừa cần kinh nghiệm trong xây dựng. Khi đó, DonaCoop đã hợp tác được với Tập đoàn Keppel Land (một Tập đoàn Singapore về bất động sản) và Công ty CP An Phú Long để thành lập Công ty liên doanh phát triển đô thị Waterfront với số vốn đăng ký thời điểm đó là 750 triệu USD.
DonaCooop cùng lúc đó đã bắt tay với Tập đoàn VinaCapital (Anh Quốc) và An Phú Long thành lập Công ty liên doanh là Công ty CP Thành phố Aqua nhằm phát triển bất động sản Aqua City với số vốn 550 triệu USD.
Tại hai doanh nghiệp mới thành lập nêu trên, DonaCoop góp 30% vốn, phía An Phú Long là 20%, còn lại là vốn nước ngoài.
Donacoop muon nhap 15 trieu lieu vac xin Pfizer, tiem luc cong ty manh sao?-Hinh-3
Nguồn tài chính độc lập của Donacoop đã tăng từ 100 tỷ đồng từ ngày thành lập lên hơn 1.500 tỷ đồng. (Ảnh: donacoop). 
Vốn điều lệ tăng nhanh
Đến tháng 3/2017, Công ty Aqua thực hiện chia tách. Donacoop rút toàn bộ vốn và thành lập pháp nhân mới là Công ty TNHH Thành phố Aqua Dona. Nhóm cổ đông VinaCapital nhờ vậy sở hữu 100% vốn của Công ty CP Thành phố Aqua.
Dự án cũng được chia thành hai khi nhóm VinaCapital thực hiện dự án Aqua City rộng 110,5 ha, DonaCoop triển khai dự án Aqua Dona với phần diện tích 194,5 ha còn lại. Tuy nhiên, sau này VinaCapital đã đem toàn bộ dự án đình đám này bán lại cho Tập đoàn Novaland.
Trong khi đó, tại dự án Waterfont, năm 2019, Tập đoàn Nam Long đã chi 2.300 tỷ đồng mua lại 70% vốn từ tay Keppel Land và tiếp tục mua nốt 30% còn lại với giá 1.951 tỷ đồng để sở hữu hoàn toàn dự án cùng với phía đối tác Nhật Bản. Hiện dự án đã được đổi tên thành Izumi City.
Về phần khu dân cư Long Hưng do DonaCoop trực tiếp làm chủ đầu tư với quy mô 227,7 ha. Theo thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng, cuối năm 2020, dù dự án đã kéo dài 13 năm nhưng vẫn còn gần 1.700 hộ trong diện phải bồi thường, giải phóng mặt bằng (giai đoạn 2).
Theo dữ liệu được Donacoop công bố, gần 300 cán bộ, nhân viên của Công ty có mức thu nhập từ 6 đến 12 triệu đồng/tháng, bên cạnh đó lực lượng lao động gián tiếp thường xuyên với gần 1.000 người lao động có mức lương từ 6 triệu đồng/tháng trở lên.
10 năm kể từ khi thành lập, Donacoop và các đối tác đã ủng hộ trên 60 tỷ đồng cho công tác từ thiện, xã hội. Thời điểm này, qua hoạt động, Donacoop đã nộp thuế cho nhà nước gần 600 tỷ đồng; nguồn tài chính độc lập của Donacoop đã tăng từ 100 tỷ đồng từ ngày thành lập lên hơn 1.500 tỷ đồng.
Ngoài bất động sản, Công ty DonaCoop cũng chủ trương hình thành hợp tác xã vận tải phục vụ san lấp mặt bằng, thi công cầu đường tại các dự án của đơn vị và liên doanh.
Ngày 29/8/2021, báo Tiền Phong dẫn lời đại diện Pfizer Việt Nam khẳng định, Pfizer chưa bao giờ làm việc với Donacoop và chưa có cuộc đàm phán nào với hãng tại Việt Nam.
Đại diện Pfizer cho biết, quan điểm nhất quán của hãng từ đầu là chỉ làm việc trực tiếp với Chính phủ và tổ chức COVAX để cung cấp vaccine cho cấp Chính phủ. Đồng thời, trong các thông cáo mà hãng này phát đi cũng khẳng định phía Pfizer không làm việc với các đối tác là doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch COVID-19 này.
Theo Pfizer, họ chỉ ký kết và chịu trách nhiệm với hàng được ký kết trực tiếp với Chính phủ, không chịu trách nhiệm với hàng trôi nổi. Hiện Pfizer chưa cung cấp vắc xin cho bất cứ doanh nghiệp hay cá nhân nào trên thế giới.
Ngoài ra, Donacoop không nằm trong danh sách 26 đơn vị được Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu vắc xin .
Tuy nhiên, khẳng định với báo Tiền Phong ông Bùi Thanh Trúc - Tổng giám đốc Công ty Donacoop cho biết: "Hiện đang làm thủ tục để đợt 1 vào ngày 15/9 sẽ đưa lô vắc xin đầu tiên 5 triệu liều về sân bay Tân Sơn Nhất".
Khi được hỏi về Pfizer chỉ làm việc với Chính phủ, ông Trúc nói: "Tôi làm việc với Pfizer ở Mỹ luôn chứ hãng có làm việc qua trung gian đâu. Nếu qua trung gian là toàn đơn vị lừa đảo đó. Còn Pfizer Việt Nam ở đây chỉ là văn phòng đại diện thôi không có quyền để quyết đâu?".

Khánh Hoài (T/H)