Bất ổn Eximbank liệu có chấm dứt?
Ngày mai (15/2/2022), dự kiến Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ 2 lại được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) tổ chức sau một chuỗi đại hội liên tục bất thành từ năm 2018 đến nay, khiến cho Hội đồng quản trị (HĐQT) đương nhiệm (2015 - 2020) đã kết thúc nhiệm kỳ hơn 1 năm nay mà vẫn chưa bầu được HĐQT nhiệm kỳ mới.
Trước thềm đại hội lần này, cổ đông lớn nhất nắm giữ 15% cổ phần tại Eximbank là đối tác Nhật Bản Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã chấm dứt trước thời hạn thỏa thuận liên minh chiến lược. Việc “chia tay” lần này khiến dư luận nhớ lại, chính cổ đông chiến lược này đã kiên trì nhiều năm kiến nghị bổ sung vào chương trình đại hội để cổ đông quyết định nội dung thanh lọc và cắt giảm quy mô HĐQT từ 10 xuống 7 hoặc 5 để đảm bảo sự đoàn kết và hiệu năng hoạt động của HĐQT. So với ngân hàng cùng qui mô, đề nghị này cũng là hợp lý.
|
Eximbank 3 năm 11 lần hoãn đại hội cổ đông vì “sóng gió” nội bộ. |
Tuy nhiên, 6/9 thành viên HĐQT (trong đó bao gồm cả 3 Chủ tịch lần lượt thay nhau) đều từ chối trái thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, khiến ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải ra 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cả 6 người là các ông: Lê Minh Quốc, Cao Xuân Ninh, Nguyễn Quang Thông, Ngô Thanh Tùng, Lê Văn Quyết và Yasuhiro Saitoh. Kể từ đây, HĐQT hình thành 2 nhóm 3/9 và 6/9, bất đồng gay gắt trên nhiều vấn đề, đặc biệt là Danh sách nhân sự dự kiến bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 được cho là chỉ do 6/9 thành viên thống nhất và chỉ đại diện cho nhóm cổ đông thiểu số.
Thực tế, ra tới đại hội, cổ đông đa số đã không tham gia đủ tỷ lệ cần thiết hoặc dùng quyền biểu quyết không thông qua quy chế đại hội, khiến các đại hội liên tiếp bất thành. Danh sách nhân sự dự kiến đề cử vì thế đã được nhiều cổ đông gọi là “cục máu đông” làm “tắc nghẽn” hoạt động của Eximbank.
Diễn biến đáng chú ý là ngay cả khi danh sách nhân sự dự kiến kể trên được NHNN chấp thuận đã quá hạn, hết hiệu lực theo quy định, Chủ tịch HĐQT Yashuhiro Saitoh vẫn làm văn bản đề nghị NHNN gia hạn. Ngày 6/10/2021, tại văn bản số 7126, NHNN đã trả lời: Không chấp nhận gia hạn, yêu cầu Eximbank thực hiện đúng qui định tại Điều 5, Thông tư 22/2018/TT-NHNN ngày 5/9/2018 của NHNN. Đồng thời yêu cầu: “HĐQT Eximbank có trách nhiệm khẩn trương tổ chức ĐHĐCĐ theo đúng qui định, đảm bảo thành công, đúng pháp luật và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cổ đông, trước pháp luật theo chức năng nhiệm vụ được pháp luật qui định”.
Từ cuối năm 2021, trước sự giám sát chặt chẽ của NHNN, như yêu cầu Eximbank phải tổ chức đại hội “chậm nhất vào ngày 15/2/2022” cùng nhiều nội dung khác, đã dẫn tới những động thái tích cực tại Eximbank. Trong đó, đáng chú ý là đã thống nhất ra Nghị quyết giảm quy mô HĐQT trong nhiệm kỳ mới từ 10 xuống 7 thành viên; Đồng thời, lập danh sách nhân sự dự kiến mới để bầu vào HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2020 - 2025, thay thế danh sách cũ quá hạn và gây mâu thuẫn kéo dài.
|
Lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Eximbank ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020. (Ảnh minh họa). |
Những lo ngại
Diễn biến tiếp theo đang được nhiều cổ đông quan tâm khi diễn ra đại hội là hoạt động của Ban kiểm phiếu.
Đã có cổ đông nêu rõ sự quan ngại về danh sách nhân sự giới thiệu vào Ban Kiểm phiếu vẫn sử dụng Tờ trình cũ phục vụ cho việc bầu danh sách nhân sự cũ theo Văn bản 2780/NHNN-TTGSNH, ngày 26/4/2021 đã hết hiệu lực. Đáng chú ý, cũng theo phản ánh của cổ đông, 2 người trong Danh sách trên đã có hành vi sai phạm về đạo đức, nguyên tắc nghề nghiệp tại Eximbank.
Thực tế, tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 15/12/2015, cổ đông đã tố cáo và báo chí đã phản ánh hiện tượng người ngoài xông vào phòng kiểm phiếu, “can thiệp” thao túng kết quả phiếu bầu HĐQT giúp cho một người được trúng cử vào HĐQT. Sự việc có dấu hiệu sai phạm không được giải quyết triệt để này cũng là một nguyên nhân dẫn đến những lình xình, bất ổn, mất đoàn kết sau này tại Eximbank.
Cũng theo cổ đông phản ánh, đã có đơn tố cáo về những việc làm gây bất ổn kéo dài tại Eximbank. Được biết, Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh tại Eximbank.
Cùng với diễn biến kể trên, Eximbank ra quy chế tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần thứ 2. Theo đó, Đại hội bầu tối thiểu 3 và tối đa 5 người vào Ban kiểm phiếu theo đề nghị của Chủ tọa cuộc họp. Việc kiểm phiếu phải đảm bảo chính xác, minh bạch, khách quan, kịp thời và tuân thủ đúng qui định của pháp luật. Nghiêm cấm tất cả mọi người vào phòng kiểm phiếu, ngoại trừ các thành viên Ban kiểm phiếu, Tổ kỹ thuật và Tổ giám sát Ban kiểm phiếu. Cùng nhiều qui định chặt chẽ khác.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 lần thứ 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với hơn 10.000 cổ đông tại Eximbank với mong muốn rất bình thường để chấm dứt một thực trạng không bình thường. Đó là kiện toàn nhân sự và ổn định hoạt động của Eximbank để chấm dứt bất ổn kéo dài suốt 3 năm do không tổ chức thành công các đại hội thường niên lẫn bất thường.
Câu hỏi đặt ra là, liệu ĐHĐCĐ lần này có thành công để chấm dứt “hiện tượng” 3 năm liền không tổ chức nổi ĐHĐCĐ của Eximbank?
Kết thúc năm 2021, tổng tài sản Eximbank đạt 166.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 138.600 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng đạt 115.790 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì dưới 2%.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của ngân hàng ước đạt 1.100 tỷ đồng, giảm gần 18% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 là 1.340 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi cả năm dự kiến đạt 943 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Eximbank, lợi nhuận năm qua không đạt mục tiêu do ngân hàng chưa xử lý được các khoản nợ mua lại từ VAMC để hoàn nhập dự phòng, vì tác động bởi làn sóng Covid-19 thứ 4. Đến cuối năm 2021, tổng nợ xấu của Eximbank khoảng 2.400 tỷ đồng.
Khánh Hoài