Giả danh cán bộ ngân hàng lừa bán căn hộ cao cấp

Google News

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố bị can đối với Doãn Tiến Kiên (Chương Mỹ, Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Với thủ đoạn mạo danh cán bộ ngân hàng bán nhà phát mại, Kiên đã làm giả sổ đỏ bán căn hộ chung cư rồi chiếm đoạt tiền tỷ của người mua.

Đối tượng Doãn Tiến Kiên

Quá trình điều tra, cơ quan Công an làm rõ Doãn Tiến Kiên làm nghề môi giới bất động sản.

Năm 2018, chị T. bán nhà và nhờ Kiên tìm khách mua. Gia chủ gửi chìa khóa căn hộ ở phòng bảo vệ, đồng ý cho Kiên đến lấy nếu có người xem nhà.

Tháng 10/2018, bà P.T.Đ. (ở quận Cầu Giấy) có nhu cầu mua nhà, nhờ Kiên môi giới. Bị can sinh năm 1992 giới thiệu anh ta là cán bộ ngân hàng, đang muốn bán căn hộ của chị T.

Kiên nói chị T. đang nợ nhà băng nên cần phát mại căn hộ với giá 2 tỷ đồng , rẻ hơn giá thị trường. Tin lời kẻ lừa đảo, bà Đ. đã đồng ý chuyển số tiền này cho Kiên để mua nhà.

Trong lúc bà Đ. chờ sổ đỏ, Kiên chuyển cho đối tác hơn 120 triệu đồng hỗ trợ sửa sang căn hộ, nhưng mục đích để cho bị hại tin tưởng hơn. Khoản tiền còn lại anh ta chi tiêu cá nhân và trả nợ.

Giữa năm 2019, bà Đ. đòi giấy tờ nhà và thủ tục sang tên nên Kiên đã làm sổ đỏ giả, giao cho người phụ nữ. Cuối năm, bị hại mang sổ đến Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tra cứu, biết đó là sổ giả nên làm đơn tố cáo kẻ lừa đảo.

Về phần Doãn Tiến Kiên, sau đó anh ta rút số tiền hơn 2 tỷ đồng chiếm đoạt của bà Đ. để trả nợ và chi tiêu cá nhân.

Để phục vụ việc điều tra mở rộng vụ án, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị các cá nhân có giao nhận tài sản liên quan đến việc hứa hẹn mua bán căn hộ chung cư đối với Doãn Tiến Kiên, đến cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội trình báo, cung cấp tài liệu. Địa chỉ: Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, số 40 Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; gặp đồng chí Nguyễn Chu Chiến.

Được biết, hiện tượng làm sổ đỏ giả xảy ra thường xuyên tại nhiều tỉnh thành khiến nhiều người dân bỗng nhiên rơi vào tình cảnh mất trắng hàng tỷ đồng.

Trước đó, tháng 9/2019 Sở TN&MT Đà Nẵng cũng đã cảnh báo đến người dân về tình trạng làm giả giấy tờ căn hộ, đất đai để giao dịch. Các giao dịch sử dụng sổ đỏ giả liên tục được phát hiện tại các quận Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng).

Cụ thể, theo thông báo của Sở TN&MT Đà Nẵng qua hoạt động đăng ký đất đai, công chứng giấy tờ đất đai, đơn vị này đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng sổ đỏ giả để giao dịch. Khi bị nghi ngờ sử dụng giấy tờ giả, các đối tượng nghi vấn đều bỏ trốn.

Nói về thực trạng này, GS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, thực tế tình trạng in sổ đỏ giả đã xảy ra từ rất lâu và khó kiểm soát bởi lẽ công nghệ in ấn hiện nay phát triển. Các văn phòng công chứng rất khó để có thể quản lý và phân biệt được hết đâu là sổ đỏ thật, đâu là sổ đỏ giả. Không ít trường hợp phôi sổ đỏ thật bị lọt ra ngoài, các loại sổ đỏ giả nhưng in trên phôi thật thì rất khó để nhận biết được.

Để giảm thiểu rủi ro và kịp thời ngăn chặn sổ đỏ giả, ông Võ khuyến cáo, khi chuẩn bị thực hiện mua bán đất và các tài sản gắn liền với đất, người mua nên chủ động đem bản copy của sổ đỏ đó lên văn phòng đất đai để xác thực tính pháp lý của cuốn sổ, trước khi lên văn phòng công chứng để làm hợp đồng mua bán.

Ngoài ra, mỗi sổ đỏ đã có mã số riêng, cho nên phôi sổ đỏ cần được công khai trên một trang thông tin điện tử thống nhất toàn quốc để người dân có thể lên trang web và so sánh, đối chiếu thông tin thật giả, hay sổ đỏ đó có đang bị báo mất hay không, đề phòng rủi ro trước khi giao dịch.

"Cùng với đó, những sổ đỏ đang được thế chấp ngân hàng thì cũng phải được công khai để thực hiện quyền minh bạch và không bị rủi ro" - ông Võ kiến nghị.

Theo Quỳnh Chi/Dân Việt