Giá vàng giảm sâu kỷ lục, có “bắt đáy“?

Google News

Trong phiên giao dịch 18/7, giá vàng trong miếng SJC đột ngột lao dốc hơn 5 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia cho rằng đà giảm của giá vàng thế giới có thể tiếp tục tác động lên giá vàng trong nước.

Trong phiên giao dịch ngày 18/7, giá vàng miếng SJC đột ngột lao dốc với biên độ lớn chưa từng có.
Cụ thể, đầu giờ chiều 18/7, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết ở mức 63 triệu đồng/lượng (mua vào) và 64,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Và chỉ khoảng 30 phút sau, mức giá này lại tiếp tục điều chỉnh giảm xuống còn 62,5 - 64,5 triệu đồng/lượng, nới khoảng cách chênh lệch giá mua và bán từ 1,5 triệu lên tới 2,5 triệu đồng/lượng.
Gia vang giam sau ky luc, co “bat day“?
 Giá vàng SJC giảm mạnh hơn 5 triệu đồng/lượng trong phiên 18/7. Ảnh minh hoạ
Chưa dừng lại ở đó, giá vàng miếng SJC lại tiếp tục giảm sâu xuống còn 62 – 64 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Như vậy, so với chốt phiên 17/7, giá vàng miếng SJC mất hơn 5,5 triệu đồng/lượng. Đây được xem là phiên giảm giá mạnh nhất của thương hiệu vàng quốc gia trong suốt 2 năm qua.
Cuối tuần trước, chênh lệch giá mua - bán mỗi lượng vàng chỉ 600.000 đồng, nhưng nay được nới lên đến 2 triệu đồng.
Với mức giá này, khách hàng mua vàng vào cuối tuần trước đến chiều nay đã lô gần 6 triệu đồng/lượng.
Chia sẻ với PV VTCNews, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (giảng viên Đại học Tài chính, Hà Nội) cho rằng giá vàng trong nước rơi tự do trong phiên 18/7 là chuyện dễ hiểu, do giá vàng thế giới đã giảm liên tiếp trong nhiều phiên gần đây.
Theo vị chuyên gia này, trong hơn 1 tuần nay, giá vàng thế giới đều dao động ở ngưỡng hơn 1.700 USD/ounce, ngưỡng thấp nhất hơn 1 năm nay. Trước đó, giá vàng chủ yếu dao động ở 1.800 - 1.900 USD/ounce, thậm chí có thời điểm leo đến gần 2.000 USD/ounce.
Theo quy luật, nếu giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước thường sẽ tăng ngay theo. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới giảm, vàng trong nước thường giảm chậm chạp. Do đó, khi vàng thế giới đã giảm từ nhiều phiên trước, đến hôm nay vàng trong nước mới giảm là bình thường.
Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mức giảm 1.700 USD/ounce còn có thể giảm nữa nếu lãi suất tăng. Giá USD tiếp tục tăng thì vàng sẽ giảm nữa. Hoặc khi nền sản xuất chững lại cũng có thể khiến giá vàng tăng.
Gia vang giam sau ky luc, co “bat day“?-Hinh-2
 Nếu giá vàng thế giới tiếp tục giảm có thể tác động đến giá vàng trong nước. Ảnh minh hoạ
Trong khi đó, Vnexpress dẫn nhận định của lãnh đạo một công ty tư vấn quản lý tài sản ở TP HCM rằng, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hồi đầu tháng 6 khẳng định sẽ lắng nghe, xin ý kiến nhiều bên về việc có nên sửa Nghị định 24 để thêm nhiều thương hiệu cùng sản xuất vàng miếng nhằm giảm sự độc quyền của SJC cũng tác động đến giá vàng. Theo vị này, nhiều tổ chức, cá nhân đang có xu hướng bán vàng SJC để mua vàng nhẫn. Khi nào chính sách thay đổi, độ vênh giữa vàng miếng trong nước và thế giới thu hẹp thì quay lại mua vàng SJC.
Cũng chia sẻ trên Vnexpress, ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ cho rằng, phiên giảm mạnh hôm 18/7 chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố bên ngoài. Theo ông Hải, khi thị trường London và Chicago giao dịch, giá có thể lao dốc và tiếp tục tác động lên giá vàng SJC.
Ông Hải dự báo giá vàng trong nước và thế giới có thể vẫn giảm nữa trong tháng này và tháng tới. Mốc 1.700 USD có thể bị xuyên thủng.
Trước diễn biến của giá vàng hiện nay, chuyên gia Đinh Trọng Trinh cho rằng, vàng còn biến động rất nhiều nên nhà đầu tư không nên mạo hiểm mua vào.
Trên thế giới, chuyên gia kim loại quý Everett Millman của Gainesville Coins nhận định, giá vàng có khả năng giảm về ngưỡng 1.600-1.550 USD/ounce trong ngắn hạn, nhưng có thể tăng vào cuối năm.

Video: Vì sao giá vàng vượt mốc 1500 USD. Nguồn: VTV24


Hoàng Minh