Đây là động lực quan trọng cho thị trường chứng khoán hiện nay.
Hậu giãn cách kéo dài, chứng khoán liên tiếp thiết lập các mốc đỉnh lịch sử, cùng với đó là dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào thị trường. Điều này đã phản ánh niềm tin, lạc quan của các nhà đầu tư về sự tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới.
Bất ngờ nối tiếp bất ngờ
Những tháng cuối cùng của năm 2021 đang gây nhiều bất ngờ cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Đơn cử ngay khi TP.HCM nới lỏng các biện pháp giãn cách, chứng khoán đã thiết lập các đỉnh lịch sử, cao nhất là phiên ngày 2/11 khi chỉ số VN-Index đạt 1.452 điểm.
Đặc biệt ngày 3/11, thị trường chứng khoán chứng kiến sự bùng nổ giá trị giao dịch với dòng tiền gần 52.000 tỉ đồng đổ vào toàn thị trường, tương đương 2,26 tỉ USD. Trong đó, riêng Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chiếm lượng tiền giao dịch lớn nhất lên đến gần 43.000 tỉ đồng, mức cao nhất trong lịch sử thành lập của sàn giao dịch này.
Trước các mức kỷ lục của thị trường chứng khoán, ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital, nhận định: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Một trong các yếu tố quan trọng nhất tạo đà cho sự hồi phục này là định hướng sống chung với đại dịch của Chính phủ Việt Nam, cụ thể hóa bằng chiến dịch phủ vaccine thần tốc chỉ trong vài tháng tại TP.HCM, Hà Nội và một số vùng trọng điểm sản xuất. Đồng thời, Việt Nam vẫn tiếp tục tăng tốc độ phủ vaccine tại các tỉnh, thành trên cả nước để nhanh chóng mở cửa toàn bộ nền kinh tế.
“Nỗ lực của Chính phủ đã ghi điểm, gia tăng lòng tin của nhà đầu tư hiện hữu và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam - vốn được đánh giá là một trong những thị trường hấp dẫn nhất thế giới” - ông Don Lam đánh giá về sự tăng trưởng bền bỉ của thị trường chứng khoán.
Ngoài niềm tin về sự phục hồi của nền kinh tế hậu dịch bệnh, một trong các nhân tố thúc đẩy thị trường chứng khoán bùng nổ lượng tiền giao dịch nằm ở việc có thông tin về đề xuất gói kích thích kinh tế lớn lên đến 800.000 tỉ đồng do Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ. Chính điều này đã tạo ra các hiệu ứng về tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) khiến nhà đầu tư quyết định xuống tiền, với niềm tin kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng và mạnh hơn nhờ gói kích thích tài chính này.
Ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), cũng nhìn nhận thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ trước hết do các nhà đầu tư đặt niềm tin vào khả năng hồi phục nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, chính việc tăng trưởng của nhà đầu tư cá nhân đã đem lại một làn sóng mới trên thị trường. Làn sóng nhà đầu tư cá nhân vẫn liên tục tham gia thị trường ngày càng lớn với con số hàng triệu tài khoản mở mới. Đây là động lực quan trọng cho thị trường chứng khoán hiện nay.
Sự tăng trưởng chứng khoán còn đến từ sự phát triển mạnh mẽ công nghệ. Các nhà đầu tư giờ đây có thể ngồi tại nhà, thông qua Internet dễ dàng mở tài khoản tham gia thị trường và nhà môi giới cũng dễ dàng quản lý, hỗ trợ cho hàng ngàn nhà đầu tư. Điều này chưa từng có nếu nhìn về quá khứ.
“Mặt khác, sàn giao dịch đã được nâng cấp giúp thị trường vận hành thông suốt, mượt mà hơn. Nó giống như trước đây con đường chỉ có hai làn đường thì giờ đây đã mở rộng đến 8-10 làn đường. Điều này có nghĩa rằng giao dịch mua bán không bị hạn chế về số lượng lệnh như trước đây, cung cầu đều được thỏa mãn nên đã đưa thanh khoản lên mức kỷ lục” - ông Trà giải thích.
Việc tăng trưởng của nhà đầu tư cá nhân đã đem lại một làn sóng mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ảnh: PM
Có phát triển bền vững?
Trước nguy cơ ảnh hưởng của lạm phát và khả năng lãi suất gia tăng trở lại cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng đang khiến nhà đầu tư đặt ra câu hỏi: Liệu thị trường chứng khoán có tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới hay không.
Trả lời câu hỏi trên, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, đánh giá sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và các lĩnh vực kinh doanh trong hơn 15 năm qua đã tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam với ngày càng nhiều cơ hội đầu tư chất lượng. Thêm nữa, với những cải thiện trong năng lực quản lý cũng như nhận thức ngày càng sâu sắc về các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong điều hành kinh doanh của lãnh đạo các doanh nghiệp, Việt Nam sẽ ngày càng thu hút được nhiều dòng vốn đầu tư.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán đang vượt trội về sinh lời so với một số thị trường khác khiến dòng tiền nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bám trụ. Theo đó, kênh gửi tiết kiệm ngân hàng vốn luôn là khoản đầu tư an toàn nhưng mặt bằng lãi suất đang thấp để hỗ trợ nền kinh tế nên đã mất dần sức hấp dẫn. Kênh bất động sản cần số tiền lớn mới có thể đầu tư và vẫn đang chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh nên tình hình giao dịch bị ảnh hưởng, trong khi kênh vàng hoàn toàn thoát ly với giá vàng thế giới nên nhà đầu tư vẫn đang có nhiều rủi ro.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KBSV nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước. Dù các quy định cách ly xã hội được nới lỏng có thể khiến một phần dòng tiền trên thị trường tìm đến các kênh đầu tư khác.
“Thêm vào đó, dòng vốn trên thị trường còn được hỗ trợ bởi xu hướng tăng vốn của các công ty chứng khoán trong thời gian gần đây. Qua đó giúp gia tăng nguồn vốn cho vay trên thị trường và đảm bảo nguồn margin (nhà đầu tư sử dụng khoản vay từ công ty chứng khoán và thế chấp khoản vay bằng chính cổ phiếu mà nhà đầu tư đã mua) không bị hạn chế ở các thời điểm thị trường biến động mạnh” - Công ty Chứng khoán KBSV nhận định.
Số tài khoản mở tăng đột biến
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong chín tháng đầu năm nay, cá nhân trong nước mở mới 956.081 tài khoản chứng khoán, gấp hơn 2,4 lần so với cả năm 2020. Lũy kế tới cuối tháng 9 vừa qua, số tài khoản của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 3,68 triệu.
Chỉ số VN-Index tăng hơn 300 điểm kể từ đầu năm 2021 đến nay. Công ty Chứng khoán SSI dự báo chỉ số VN-Index đang hướng đến vùng 1.500 điểm.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, cho hay trong 10 tháng đầu năm nay người dân đã chuyển thêm 68.000 tỉ đồng đầu tư chứng khoán. Nhà đầu tư trong nước là nhân tố quan trọng nhất cho sự tăng trưởng của thị trường hiện nay. Khi niềm tin của người dân tăng cao thì cơ quan quản lý cần có những biện pháp giữ gìn thị trường minh bạch để bảo vệ nhà đầu tư.
Theo Phương Minh/Plo