Ngân hàng Nhà nước NHNN đã công bố đợt cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 trong năm 2023, có hiệu lực từ ngày 19/6. Trước đó, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành vào tháng 3, tháng 4 và tháng 5/2023.
Các nhà băng đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi
Ngay trong ngày đầu tiên chính sách cắt giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 có hiệu lực (19/6), các nhà băng cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Cụ thể, hai "ông lớn" Nhà nước Agribank và Vietcombank đều giảm 0,5-0,7 điểm phần trăm lãi suất các kỳ hạn so với kỳ điều chỉnh ngay trước đó. Theo đó, lãi tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng còn 3,4%/năm và kỳ hạn 3-5 tháng còn 4,1%/năm. Kỳ hạn 6-11 tháng về 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng trở lên áp dụng ở mức 6,3%/năm.
Ngoài ra, các nhà băng khác cũng giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn. Trong đó, 1-3 tháng được các ngân hàng đưa về mức 3,9-4,75%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 5,5-7,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 6,6-7,7%/năm.
Trong đó, ở kỳ hạn 6 tháng, VietBank giữ mức lãi suất cao nhất ở 7,7%/năm. ABBank đứng thứ 2 với 7,5%/năm, NCB xếp thứ 3 với 7,45%/năm.
Với kỳ hạn 12 tháng, VietBank và BaoVietBank là 2 ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất với 7,7%/năm. Đứng sau là NCB với mức 7,65%/năm. Sau đó là 4 ngân hàng cùng giữ mức 7,6%/năm gồm ABBank, BAB, OCB và BVB.
Giảm lãi suất có thể dẫn đến áp lực giảm giá VND, nhưng tích cực cho thị trường chứng khoán
Theo quan điểm của Yuanta Research, NHNN cắt giảm lãi suất nhằm mục đích kích thích nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng 5 tháng 2023 chỉ đạt 3,17% và Yuanta cho rằng mức tăng trưởng GDP trong quý 2/2023 cũng sẽ khó có sự cải thiện so với mức +3,3% trong quý 1/2023.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất có thể dẫn đến áp lực giảm giá của VND so với đồng USD trong bối cảnh Fed vẫn có thể còn tăng thêm lãi suất trong thời gian tới.
Yuanta Research cho rằng biên lãi ròng (NIM) sẽ không tăng đáng kể bởi vì chi phí vốn giảm nhưng các ngân hàng cũng sẽ phải giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế theo định hướng của NHNN. Lãi suất giảm cũng phần nào giúp giảm bớt gánh nặng nợ cho người đi vay, từ đó làm giảm áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng.
Cũng theo Yuanta Research, đợt cắt giảm lãi suất này có thể hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán. Lãi suất điều hành hiện đã gần tương đương với mức thấp nhất của thời kỳ dịch COVID vào tháng 10/2020. Trong khi đó thị trường chứng khoán đã tăng khoảng 70% từ tháng 10/2020 đến tháng 1/2022.
Trong bối cảnh đó, lựa chọn hàng đầu của Yuanta Research vẫn tập trung vào ACB và MBB. Đồng thời khuyến nghị Mua đối với HDB và VPB.
Giảm lãi suất điều hành không phải là điều kiện đủ trong thời điểm hiện tại
Còn theo SSI Research, mặc dù đây là động thái khá chủ động của NHNN trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, cũng như là tín hiệu cho việc lãi suất thị trường cần phải điều chỉnh thêm từ mức hiện tại để có thể về vùng hợp lý. Tuy nhiên SSI Research cho rằng việc giảm lãi suất điều hành không phải là điều kiện đủ trong thời điểm hiện tại mà việc cải thiện đầu ra cho doanh nghiệp cũng như triển khai thực tế của các giải pháp từ Chính phủ sẽ có nhiều tác động hơn tới mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường.
Bên cạnh đó, áp lực về tỷ giá cũng cần phải được cân nhắc đến khi lộ trình thực hiện lãi suất của Fed vẫn chưa rõ ràng hay áp lực về lạm phát khi lạm phát cơ bản vẫn đang ở mức cao.
Trên thị trường trong nước, tỷ giá bật tăng khi NHNN có động thái giảm lãi suất điều hành – xu hướng chính sách tiền tệ khá trái ngược với các NHTW lớn khác (trừ Trung Quốc và Nhật Bản).
Kết tuần tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng 0,23%, lên mức VND 23.535. Tỷ giá niêm yết tại các NHTM và tỷ giá tự do cũng đã điều chỉnh tăng thêm 50 đồng/USD.
SSI Research duy trì quan điểm cho rằng áp lực sẽ tăng dần đối với tiền Đồng trong thời gian tới nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất và áp lực mang tính mùa vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI.
Minh An