Theo South China Morning Post, các tòa lâu đài cổ ở châu Âu đang trở thành loại hình bất động sản được giới giàu có ưa chuộng. Đặc biệt, xu hướng này gia tăng mạnh mẽ ở nhóm đại gia ở châu Á nói chung và Trung Quốc đại lục nói riêng.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, nhu cầu về một nơi ở riêng tư, kín đáo nhưng cũng không kém phần sang trọng, tiện nghi trở nên nóng sốt hơn. Do đó, các lâu đài nguy nga tại châu Âu trở thành đối tượng được săn lùng của giới nhà giàu, đi kèm với giá cả đắt đỏ không kém.
Ông Lodovico Pignatti Morano, quản lý tại đơn vị đấu giá Sotheby’s International Realty Italy, cho biết: "Khách hàng tìm kiếm sự riêng tư cùng không gian rộng mở, và lâu đài riêng là sự lựa chọn tốt nhất. Trong bối cảnh Covid-19, nhu cầu chắc chắn tăng".
Ông Morano cho biết các loại hình bất động sản lâu đài khá mới lạ đối với người mua châu Á vì khó có thể tìm thấy những tòa lâu đài tương tự trong khu vực. Bên cạnh đó, sở hữu một lâu đài riêng thể hiện đẳng cấp riêng cho giới tài phiệt. Tòa lâu đài rộng mênh mông là nơi thích hợp để chiêu đãi bạn bè, tiệc tùng trong nhà và thỏa mãn đam mê đặc biệt của giới nhà giàu, ví dụ như hầm rượu và vườn nho riêng trong lâu đài.
|
Các lâu đài cổ châu Âu trở thành đối tượng bất động sản được ưa chuộng của giới tài phiệt châu Á, đặc biệt là Trung Quốc đại lục. Ảnh: Handout.
|
Giá bán lâu đài châu Âu cũng có chênh lệch lớn, tùy thuộc vào vị trí, diện tích và tình trạng của lâu đài. Một tòa lâu đài tại Italy có giá dao động từ 7 - 20 triệu euro (8,3 - 23 triệu USD). Lâu đài tại Scotland có giá 225.000 - 8 triệu bảng (314.115 - 11 triệu USD). Nếu mua một lâu đài tại Pháp, số tiền phải bỏ ra từ 700.000 - 50 triệu euro (831.000 - 59 triệu USD).
Ông Pignatti Morano cho biết có rất nhiều người mua lâu đài ở Italy đến từ Đài Loan (Trung Quốc). "Nhu cầu sở hữu một lâu đài riêng của người mua rất cao, đặc biệt đối với người mua Đài Loan. Họ thích vẻ ngoài cổ điển của một lâu đài truyền thống như tháp pháo, tháp chuông và hào nước bao quanh", ông nói.
Bên cạnh đó, khách hàng cũng yêu cầu bên trong lâu đài được trang bị tiện nghi hiện đại như phòng tập thể dục, hồ bơi và phòng chiếu phim. "Người mua muốn sở hữu vẻ ngoài đẹp đẽ, độc đáo của một tòa lâu đài nhưng nội thất bên trong không làm ảnh hưởng đến lối sống hiện đại của họ", ông Morano cho biết.
Ông cho biết thêm đối với giới đầu tư bất động sản, họ thường chọn các lâu đài có vườn nho và cây ăn quả trong khuôn viên ở vùng Tuscan phía bắc thủ đô Rome. Tại đó, họ sẽ tự làm rượu vang hoặc dầu ô liu để thu lợi nhuận nhỏ.
|
Sở hữu một tòa lâu đài có thể mất từ vài triệu cho đến vài chục triệu USD, chưa kèm chi phí trùng tu và bảo dưỡng hàng năm. Ảnh: Handout.
|
Ông Alexis Caquet, giám đốc điều hành Engel & Volkers Paris cho biết: "Thị trường bất động sản lâu đài đang thu hút được sự quan tâm trở lại trong những năm gần đây từ cả người mua trong và ngoài nước".
Ông Caquet cho biết nhóm khách hàng chủ yếu của công ty bao gồm người mua Trung Quốc, Mỹ và Nam Mỹ. Ngoài ra còn có người châu Âu, trong đó người Pháp chiếm hơn 60% giao dịch. “Người mua Trung Quốc rất tích cực. Họ đặc biệt yêu thích những tòa lâu đài có khu sản xuất rượu riêng. Giới tài phiệt Trung Quốc thường tìm mua những lâu đài có vườn nho và có sẵn danh tiếng".
Tại Scotland, nhu cầu tìm mua lâu đài cũng tăng mạnh. Theo Savills, nhu cầu đối với bất động sản trong nước, bao gồm cả bất động sản lâu đài, đã tăng gấp 4 lần trong năm ngoái. Ông Jamie Macnab, người đứng đầu bộ phận nhà ở ngoại ô Scotland tại Savills, cho biết nhu cầu đối với các loại bất động sản ở vùng ngoại ô Scotland tăng đáng kể trong năm qua. "Các lâu đài ở Scotland đã thu hút sự quan tâm của khách mua trên toàn thế giới", ông nói thêm.
"Các lâu đài là tài sản danh giá nhất, nhưng thị trường luôn hoạt động tốt trong vài năm qua, đây có thể là một khoản đầu tư tốt", Macnab nói. Việc tân trang lại các lâu đài ở Scotland có thể khiến giới tài phiệt tiêu tốn thêm tới 1 triệu bảng (1,3 triệu USD), trong khi chi phí bảo trì hàng năm ít nhất từ 50.000 bảng (69.000 USD)
Theo Zingnews