Nhà báo “cho thuê” kính quay phim
Bẵng đi một thời gian, tôi có việc dùng đến thiết bị đó, hỏi con trai tôi, thì cháu nhớ rằng đã đưa cho một anh rất đẹp trai ở dưới sảnh. Tôi hơi ngạc nhiên, lục lại email cũ thì hóa ra mình còn chưa lưu số điện thoại và cũng chưa nhớ tên cái người mượn kính quay. Tôi mơ hồ thắc mắc, sao cô bé mượn kính mà con tôi lại giao thiết bị cho cậu bé khác nhỉ? Rồi lắm việc cũng quên đi.
Ít lâu sau, giáo viên Học viện nhận được một bài tập của nhóm sinh viên khoa Phát thanh Truyền hình về chủ đề bánh rán bẩn. Các bạn đã làm phim bằng phong cách rất sinh viên: Quay những chiếc bánh rán vàng ruộm, rắc vừng, phủ lan man đường trắng như bông tuyết, giòn và thơm nức. Bánh mật đỏ đắn hơn, nhưng thơm và giòn thì chả kém tí nào. Ngọt lừ. Lại vừa miếng, vì họ làm khá nhỏ, chắc chỉ bằng quả táo Thiện Phiến. Bên Bờ Hồ Gươm, trong phố cổ, ven siêu thị nhà hàng, các bạn trẻ ăn rào rào, khen ngon nức nở với những lời rất “hót” kiểu tuổi “teen”, kiểu dân nghiền mạng xã hội. Xem thấy vui mắt vui tai.
|
Ảnh minh họa. |
Tự dưng các bạn trong ê kíp làm phim xuất hiện, lấy iphone ra cho chính các nhóm người vừa xuất hiện trong các đúp hình hà hít đánh chén bánh rán kia xem một cái gì đó. Chắc là video, vì các bạn kia theo dõi chăm chú đến vài chục giây. Rồi tất cả đều ồ lên kinh tởm. Bẩn quá, giá mà có thể nôn ra.
Tiếp đến là sự thật rùng mình về công nghệ xô chậu làm bánh rán kiểu “sống chết mặc bay”.
Câu hỏi chạy ngang màn hình: Những hình ảnh “thực khách sành điệu” vừa xem rồi hốt hoảng kia là gì? Với thiết bị quay lén chưa đầy đủ, với trình độ sinh viên đang được đào tạo báo chí, với vai diễn các bạn trẻ mua bánh rán đi làm từ thiện, họ chỉ quay được đến thế. Nhưng có thể thấy rõ sự bức xúc, nỗi tuyệt vọng về thực phẩm bẩn hành hoành giữa thủ đô (mà bánh rán là một ví dụ) là rất lớn. Xem xong, xin “bản quyền” của các sinh viên xong, tôi quyết định cùng đồng nghiệp mở rộng tìm hiểu. Hàng vạn chiếc bánh rán mỗi ngày, hàng triệu chiếc bánh rán suốt những năm qua, nó đi vào cổng trường tiểu học, vào phố đi bộ, Bờ Hồ, bến xe, rạp chiếu phim, các khu vực sang trọng như thế nào?
6 nghìn đồng = 10 chiếc bánh rán “bẩn” = vàng ruộm, ngọt lừ, thơm nức!
Tại khu vực đường Hồng Hà, Phúc Xá, Phúc Tân (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bên ngoài đê sông Hồng, ở vị trí cách Phố cổ, Bờ Hồ không xa, chúng tôi đã “vấp” phải liên tiếp nhiều gian bếp làm bánh rán, rán quẩy bẩn thỉu, xập xệ, họ làm ra hàng vạn cái bánh bán cho người vô tội mỗi ngày, với công nghệ siêu bẩn.
Có nơi, chỉ là cái lán, che tạm ít bạt nhựa, vài tấm gỗ nhặt ngoài bãi phế thải dựng lên làm bờ tường, nổi lửa, bắc chảo, mỡ sôi sùng sục đen ngòm, thế là công xưởng làm bánh rán bẩn, làm quẩy ăn bún cháo phở khoái khẩu và siêu độc hại ra đời. Họ làm với quy mô hàng hóa “dây chuyền”, vô số mắt xích tỏa đi khắp Hà Nội, chứ chẳng phải cò con gì. Lèo tèo vài nhân công, có khi cũng cõng đủ mười nghìn cái bánh rán vào phía Bờ Hồ bán rong mỗi ngày!
Cận cảnh công nghệ của họ như sau: Có thể thấy rõ, nhà cửa lụp sụp, thuê trọ tạm bợ. Nhóm sinh viên kia tình cờ phát hiện ra các “ổ nhóm” này, là do một bác xe ôm tử tế nói với một cô bé quen biết bác khi đi dạy thêm. Bác bảo, nếu cháu là sinh viên báo chí tử tế, thì nên lên tiếng hoặc kêu gọi mọi người vào cuộc chấm dứt cái bọn làm bẩn này. Để cứu lương dân. Khi chúng tôi vào, phải nói là hầu hết người lao động nghèo làm bánh rán kia khá ngờ nghệch. Mua nhiều hàng, hứa hẹn lấy hàng mỗi ngày để làm quà cho các nhóm trẻ, lập tức họ “bám” lấy khách sộp ngay và không đề phòng gì nhiều lắm.
Nền nhà bẩn thỉu, nhớp nhúa. Nước bẩn và đất tràn lan, công nhân đi dép ra phố ngõ bẩn thỉu lại lội vào khu chế biến. Vậy mà bánh rán được bày hết ra mẹt, ra lớp bạt trải dưới sàn, rồi nặn, rồi lăn, rồi rán, bánh rơi ra đất lại “lăn” nó vào như thường. Bánh làm xong để ở cửa toa lét chờ nguội. Cửa toa lét bập bành toang hoang, bẩn thỉu. Nhân công làm việc không găng tay, không có bất cứ dụng cụ gì bảo hộ hay vệ sinh gì. Họ đi ủng cho đỡ bẩn chân. Sân ướt sũng nhớp nháp, bánh rán khô ròn lám nhàm đường rơi ra, họ lại nhặt vào rồi cõng đi bán rong luôn.
Cứ tay trần nặn, đổ nước, đổ phụ gia/ hóa chất màu mè vào rồi khuấy. Chỗ tay còn dính bột thì cọ rửa luôn bằng các gáo nước đang đổ vào chảo bột để khuấy. Các cái chảo làm ngày nọ qua ngày kia, nó không bao giờ được cọ. Bột, mật, bánh bị bê bết, cháy đen.
Đáng sợ nhất là chảo mỡ chiên, rán cả bánh rán lẫn quẩy. Nó đen kịt, đặc sệt, khét mù. Nhắm mắt thì cũng có thể đoán là bao giờ nó đen và đặc đến mức không thể chiên được nữa thì họ mới thay. Các chuyên gia khuyến cáo, mỡ kia chiên đến lần thứ 2 là bắt đầu sản sinh ra chất độc hại nguy hiểm, là nguy cơ hàng đầu gây ung thư.
Theo một nguồn tin quan trọng: Mỡ đó đều là mỡ động vật không rõ nguồn gốc, đến từ các làng mỡ thối nổi tiếng với giá siêu rẻ, đựng trong các can 20 lít. Họ chiên rán một chảo mỡ đến vài chục lần. Rồi đổ ra, có người lại thu gom, lọc, lắng lấy mỡ còn tận dụng được, rồi thả hóa chất vào cho nó trong và “thơm tho” như mỡ vừa rán từ thịt lợn ra. Rồi lại quay vòng bán và chiên rán cả trăm lần nữa.
Kinh khủng hơn là hệ thống các chai lọ nhựa đen, đỏ giống như chai nước suối mỏng dính ọp ẹp xếp la liệt ngang tầm mắt người đứng chiên bánh rán. Tất cả bọn chúng đều không nhãn mác, đều được dùng lâu năm, hết thì lại chế thêm từ can lớn vào. Đó là các chất sền sệt, tạo mùi, tạo vị ngọt và tạo màu đẹp cho bán rán, bánh mật khoái khẩu. Vài loại hóa chất dạng bột, đóng gói, mua hàng trôi nổi ngoài chợ đầu mối.
Tại nhà bà P, nhà chị L ở Phúc Tân, Long Biên, nhóm PV đã chứng kiến một thứ công nghệ sòng phẳng và tân tiến rất thời thượng. Bà P có hơn chục công nhân làm ra hàng vạn cái bánh rán với công nghệ bẩn thỉu miêu tả ở trên, tung ra thị trường Hà Nội, tập trung ở các cổng trường học là chính. Giá siêu rẻ: 7 nghìn đồng/chục chiếc. Vậy là vài nghìn đồng thì bạn có thể ăn no đặc sản “thơm ngon bùi béo bổ” này.
Chưa hết, để tăng lợi nhuận, nhiều người bán hàng rong rỗi việc còn đến tận nhà bà P, tự nặn bánh, tự rán bằng nguyên liệu và hóa chất, “công nghệ” của bà P, rồi đem đi bán. “Mua tận gốc”, tự tay làm như thế, người bán rong chỉ phải trả 6 nghìn đồng/10 bánh rán. Cứ 10 cái bánh lại rẻ thêm được 1 nghìn đồng. Rẻ thêm nhiều đấy chứ!
Mấy chục con người chen chúc nặn bánh, chiên bánh, cõng hàng đi bán, bà P túc tắc thu cũng bộn tiền. Hóa chất màu đỏ như chai tiết canh cứ để trên giá cao ngang mặt người làm, họ thuần thục mở nắp chai, tưới vào mẻ bánh mật. Một công nhân bảo, hết ra cửa hàng ngoài chợ giời mua. Chả biết nó là chất gì, nó tạo màu đẹp, có mùi hôi, hễ nó dính vào tay thì cọ rất lâu mới sạch. Bánh mật, làm bằng đường hóa học, phải có màu này nó mới giống mật. Còn những chai đen đen kia thì càng bí ẩn hơn.
Ở nhà chị L trong cuối ngõ, chúng tôi còn chứng kiến những thùng phuy mỡ lợn bẩn thỉu, nằm như thùng phế thải cuối nhà. Nó được cung cấp bởi một đường dây có trời mới biết họ lấy nó từ đâu; và nó được chiên đi chiên lại, lọc sạch, bỏ hóa chất “tái sử dụng” bao nhiêu lần rồi. Tóm lại họ cứ làm sao cho bánh bắt mắt, thơm, có vẻ ngon. Bán được hàng. Họ có ăn đâu mà sợ.
“Bắt cóc bỏ đĩa”, thì bắt làm gì!
Theo tìm hiểu bước đầu, cái gọi là “mật” màu đen, bỏ vào bánh mật, nó không giống mật mía mà ta vẫn biết lâu nay. Người ta tưới nó vào bánh, nó chảy như nước tương. Phẩm màu có loại đỏ, khi mua về nó ở dạng túi, mùi hắc, bám dính kinh khủng. Tất cả đều không ai rõ nguồn gốc. Chỉ biết là nó siêu rẻ. Các loại phẩm màu giúp bánh mật, khi rán có màu mận hoặc màu cánh dán. Bánh đường, bánh mật, bánh vừng, một số loại quẩy có cùng một cách làm, cùng một sự bẩn và các loại hóa chất/ phụ gia trôi nổi gần giống nhau.
Một thứ độc hại đáng sợ nữa, cần phải kể đến, đó là bột nở. Tạm thời không nói về sự đáng sợ của bột nở không rõ nguồn gốc, vì tôi nghĩ chúng ta biết cả rồi. Nó khiến một dúm bột phồng lên trở thành những cái bánh cái quẩy to sụ. Đó là lý do ăn rồm rộp no bụng bạn chỉ phải trả có... vài nghìn đồng.
Sau quá trình điều tra, chúng tôi đã báo cáo cơ quan chức năng ập vào bắt giữ với cả núi vi phạm của các tổ hợp lều lán sản xuất bán, quẩy bán khắp Hà thành này. Không biển hiệu, không dụng cụ bảo hộ và vệ sinh an toàn lao động/ an toàn thực phẩm, nguyên liệu phụ gia hóa chất không có nguồn gốc xuất xứ, bẩn thỉu hãi hùng. Nhìn đã thấy sai và thấy đầy hiểm họa.
Theo nguyên tắc, thì phải chờ cơ quan chức năng bắt đã, rồi mọi việc ba năm rõ mười chúng tôi mới đăng báo. Nhưng sau khi cùng phóng viên VTV đi “nhập vai” khảo sát, điều tra thêm, cả nhóm quyết định: Đằng nào cũng thế. Xử lý xong chắc chắn họ vẫn sẽ tiếp tục làm. Bởi đây không phải là lần đầu tiên các mánh khóe này bị vạch mặt, nhưng không hiểu sao, qua thời gian, sự thật vẫn đâu đóng đấy. “Vũ khí giết người âm thầm”, những viên đạn bọc đường này vẫn đều đặn tác yêu tác quái.
Rõ ràng, nhiều vụ, sau khi chúng tôi tố cáo, cơ quan hữu trách ập vào, cả đống giấy tờ, bằng cấp, ghi nhận, hóa đơn chứng từ mua bán được trưng ra, vậy mà cơ sở sản xuất vẫn còn sai. Huống hồ ở các chỗ lụp xụp lều lán này, bà con 100% “tay không bắt giặc”. Mà quy mô làm bánh không hề nhỏ, bán cho khách trong và ngoài nước, số lượng bánh khổng lồ, bán ở “trái tim thủ đô” đông đúc nhất nước Việt Nam.
Bà con chẳng phải những kẻ quá ác độc gì, nhưng họ ít nhận thức và hám lợi nên làm càn, kiếm ăn vặt, nhưng hậu quả vẫn là các cái chết dần dà được báo trước của người ăn bánh, ăn quẩy. Sau khi đi điều tra về, trong lòng ghê tởm, nhưng sáng ra, các con tôi vẫn ăn phở và quẩy. Như cả năm qua vẫn thế. Không thấy chủ quán nào tự rán quẩy ăn phở ăn cháo cả, hết thì gọi điện xe máy cũ phành phạch chở đến ngay. Ăn phở ở khách sạn 5 sao cũng ăn quẩy ấy. Thương bà con nghèo làm bánh rán thì ai thương lượng dân rên xiết dưới nanh vuốt thực phẩm bẩn?
Câu hỏi mấu chốt: Cơ quan chức năng ở đâu, khi thực phẩm kiểu “bánh rán” kia hành hoành? Sao cứ phải chờ bác xe ôm, nhóm sinh viên rồi ông nhà báo vào cuộc “dắt” đi bắt giữ nhỉ? Cứ “bắt cóc bỏ đĩa” thì chẳng thà đừng bắt nữa cho xong. Nghĩ cho cùng, cái cần thay đổi ở đây là thái độ quyết liệt, cả xã hội chung tay làm đến cùng, thực Lương Tâm muốn chấm dứt bằng mọi nhẽ thảm nạn thực phẩm bẩn. Cái nữa là một tinh thần/ trách nhiệm/ sự tự trọng để biết tẩy chay kiểu “hành động hay là chết” của người tiêu dùng trước các hiểm họa đã được cảnh báo. Khi chưa có được hai điều đó, thử hỏi người tử tế biết phải làm gì bây giờ?
Theo Lãng Quân/Lao Động