Anh Thái Hòa Nam vốn xuất thân là một kỹ sư điện, từng tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Năm 2018, anh về quê hương lập nghiệp với mô hình trang trại nuôi vịt. Đến thời điểm hiện tại trang trại nuôi vịt của anh Nam đã mở rộng với quy mô 15.000-16.000 con và được biết đến là trại vịt lớn nhất tỉnh Quảng Bình.
Chia sẻ về sự nghiệp anh Nam cho biết trước kia, anh đã từng có thời gian làm việc cho một đơn vị con của Tập đoàn Viettel. Được cử đi nước ngoài làm việc nên anh có cơ hội tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao tại các nước phát triển, từ đó ấp ủ ước mơ sẽ thực hiện tại quê nhà.
Sau một thời gian đi khắp các tỉnh, thành để học hỏi, tìm hiểu thêm về cách chăn nuôi, tháng 9/2022, anh bắt tay vào nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao tại trang trại nằm trên địa bàn xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.
Về quy mô, trại nuôi vịt của anh có 2 khu chuồng với diện tích hơn 2.400m2. Bên trong mỗi chuồng nuôi được lắp đặt sàn nhựa HPDE, thiết kế cách mặt đất khoảng 90cm để vịt ở trên sàn cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ. Một kho chứa thức ăn, nhà ăn ở sinh hoạt cho công nhân, khu sát khuẩn,... tổng diện tích xây dựng hơn 3.000m2.
Chất thải chăn nuôi cũng không được xả thẳng là môi trường mà anh Nam đã xây dựng một hầm biogas để xử lý phân và nước thải chăn nuôi, có buồng khử mùi bằng phương pháp trung hòa kết tủa khí H2S và NH3.
Để thực hiện nuôi vịt công nghệ cao, hầu hết các khâu đều được đầu tư tự động hóa. Các chuồng nuôi được lắp đặt hệ thống máng ăn, uống tự động, có hệ thống làm mát điều chỉnh nhiệt độ chuồng nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng. Anh cũng lắp camera theo dõi trong chuồng cùng toàn bộ khuôn viên trang trại để theo dõi quá trình hoạt động, phát triển của vịt.
"Trang trại được đầu tư hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống, điều hòa tự động, nhiệt độ trong chuồng duy trì khoảng 22 độ. Bên cạnh đó còn có các phương pháp cho vịt thư giãn bằng cách nghe nhạc, tăng cường vận động cho đàn vịt bằng hệ thống quạt", anh Nam cho biết thêm..
Ông chủ trang trại chia sẻ, hiện trang trại có 4 công nhân kỹ thuật là người Kinh, còn công nhân thời vụ khoảng hơn chục người đều là bà con đồng bào Vân Kiều, chủ yếu ở bản Cửa Mẹc, xã Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thủy
“Với công nhân kỹ thuật chính, lương tháng là 15 triệu đồng/người, còn 4 công nhân cố định và công nhân thời vụ, tôi chỉ tuyển bà con đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo, hộ cận nghèo và nằm trong độ tuổi lao động. Ngoài lương cứng, công nhân cố định sẽ có thêm phụ cấp, tiền ăn... nên mỗi tháng thu nhập khoảng 10 triệu đồng”, anh Nam nói.
Anh Nam cho biết, từ năm 2021 đến nay, trang trại vịt của anh Nam hoạt động rất hiệu quả, mỗi lứa sẽ được xuất chuồng sau 45 ngày. Anh Nam xuất bán cho đơn vị thu mua với giá 49.000 đồng/kg, mỗi năm xuất bán được 6 lứa, trung bình mỗi lứa thu lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.
"Tôi ao ước quê hương sẽ có những mô hình chăn nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ cho các bạn trẻ có đam mê, có mong muốn khởi nghiệp từ nông nghiệp", anh Nam chia sẻ.
Chia sẻ về mô hình chăn nuôi của anh Nam, ông Đào Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh đánh giá cao mô hình chăn nuôi vịt công nghệ cao của anh Nam, và sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện để mô hình này được nhân rộng trên địa bàn.
"Chúng tôi đã có nhiều lần tổ chức cho các nông dân có cơ hội tham quan tại trang trại chăn nuôi vịt của anh Nam. Đến nay mô hình phát triển rất hiệu quả, mang lại lợi nhuận kinh tế, hy vọng những mô hình tương tự sẽ tiếp tục phát triển trên địa bàn", ông Vinh phấn khởi chia sẻ trên báo Thanh niên.
Theo Người đưa tin