Theo các chuyên gia, động thái liên tiếp giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, cùng với mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng giảm mạnh so với mức "đỉnh" hồi đầu năm tạo kỳ vọng sẽ kéo mặt bằng lãi suất cho vay đi xuống.
Lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm
Mới đây, Thường trực Chính phủ vừa có chỉ đạo yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ; có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm mặt bằng lãi suất. Trong đó, ngân hàng cần giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6/2023; có định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay nhằm tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.
Cùng đó, xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6 năm 2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.
Đồng thời, tập trung điều hành thị trường liên ngân hàng, tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng theo hướng giảm dần lãi suất, bảo đảm vốn cho các tổ chức tín dụng, phát huy vai trò dẫn dắt của các ngân hàng thương mại Nhà nước…
|
Hạ lãi suất, vay tiêu dùng được ưu đãi gì? (ảnh minh họa: Internet). |
Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh, ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất điều hành với các mức giảm từ 0,25 - 0,5%/năm, có hiệu lực từ ngày 19/6.
Cụ thể, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngoài ra, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm. Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Như vậy đây là lần thứ 4 liên tiếp kể từ trung tuần tháng 3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các lãi suất điều hành. Ba lần trước là các ngày 14/3, 31/3 và ngày 23/5/2023. Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành lần thứ 4 được kỳ vọng có thể tạo ra cú hích thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất giảm, người vay tiêu dùng được lợi gì?
Thông tin trên báo chí, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, động thái Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tạm ngừng việc tăng lãi suất sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thêm dư địa để hạ mức lãi suất điều hành trong thời gian tới. Theo vị chuyên gia, đối với Việt Nam, việc Fed tạm dừng tăng lãi suất cũng sẽ giúp áp lực về tăng lãi suất, về điều hành tỷ giá của Ngân hành Nhà nước Việt Nam sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với thời điểm cuối năm ngoái hay đầu năm nay. Thêm vào đó, Fed tạm dừng tăng lãi suất sẽ giúp Việt Nam tăng thêm dư địa để giảm lãi suất điều hành ở trong nước.
“Hiện nay, khi xem xét bối cảnh ở trong nước cùng với động thái của Fed mới đây cho thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để giảm lãi suất điều hành. Cụ thể, Việt Nam có thể điều chỉnh giảm lãi suất ở mức 0,25 - 0,5% lãi suất điều hành. Điều này sẽ tạo cơ sở để thị trường giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay”, TS Cấn Văn Lực nhận xét.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc hạ lãi suất điều hành sẽ tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ xuống khiến chi phí sử dụng dòng vốn thấp, từ đó, cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nhiệp. Đồng thời, người dân có thể quyết định tiêu dùng nhiều hơn bởi chi phí vay vốn thấp. Hiện tượng này sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và làm gia tăng khối lượng đơn hàng cho doanh nghiệp.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã triển khai các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Đơn cử, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã 3 lần liên tiếp giảm lãi suất rất lớn. Gần đây nhất là cuối tháng 5 với mức điều chỉnh giảm tương ứng từ 0,5 - 0,7%/năm. Đến thời điểm hiện tại, BIDV đã giảm lãi suất từ 1,5% - 2,5%/năm so với đầu năm ở tất cả các kỳ hạn.
Ngoài ra, BIDV còn triển khai các gói tín dụng ưu đãi như: Gói vay ưu đãi trung, dài hạn "Đồng hành vững bước" quy mô 100.000 tỷ đồng; gói vay ưu đãi ngắn hạn quy mô 70.000 tỉ đồng; gói vay 20.000 tỷ đồng phục sản xuất, kinh doanh "thuộc lĩnh vực xanh"; gói vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh dành cho mọi khách hàng. Mặt khác, BIDV tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.
Tương tự, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cũng đã có 4 lần giảm lãi suất cho vay liên tiếp trên cơ sở tiết giảm chi phí và giảm lãi suất huy động vốn, góp phần ổn định tâm lý thị trường. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn giảm từ 1,5 - 4%/năm; sàn lãi suất cho vay trung dài hạn giảm từ 0,3 - 1,5%/năm. Đến thời điểm hiện nay lãi suất cho vay phát sinh bình quân giảm 0,5 - 1%/năm so với đầu năm. Hiện tại lãi suất cho vay của Agribank thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường, tương đương các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Mới đây nhất, Agribank vừa triển khai chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước có nhu cầu vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu đời sống gồm: Mua nhà ở, đất ở, xây mới/cải tạo, sửa chữa nhà để ở; mua sắm đồ dùng sinh hoạt thiết yếu; phương tiện đi lại (ô tô, xe máy) và các mục đích tiêu dùng khác, với tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15.000 tỷ đồng.
Theo đó, lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 - 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank đối với khách hàng đã sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank nơi cho vay. Đối với khách hàng chưa sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank nơi cho vay thì lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.
Mức cho vay đối với khách hàng không có bảo đảm bằng tài sản bằng 36 tháng lương (tối đa không quá 500 triệu đồng). Đối với khách hàng có bảo đảm bằng tài sản, mức cho vay thực hiện theo quy định hiện hành của Agribank. Chương trình được triển khai cho các khoản vay ngắn, trung và dài hạn (thời hạn cho vay không vượt quá thời gian công tác còn lại của khách hàng) được áp dụng đến hết ngày 12/6/2024. Tuy nhiên, đại diện Agribank cũng cho biết, tùy theo thực tế mà chương trình có thể kết thúc sớm hơn hoặc được gia hạn thêm…
Liên Hà Thái (tổng hợp)