Hà Nội: 223 căn hộ tái định cư tự ý cho người vào ở “chui”

Google News

Theo UBND TP Hà Nội, hiện còn 223 căn hộ tái định cư vi phạm, do các cán bộ thuộc Xí nghiệp quản lý khai thác dịch vụ khu đô thị tự ý cho vào ở khi những hộ gia đình chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền mua nhà.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư trên địa bàn.
UBND TP Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có 199 tòa chung cư tái định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Trong đó, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được giao quản lý 149 tòa; Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội quản lý 20 tòa; Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở quản lý 30 tòa.
Theo UBND TP Hà Nội, thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư và diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà tái định cư vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc thành lập ban quản trị nhà chung cư còn chậm, đến nay mới đạt được 113/199 tòa chung cư. Công tác bàn giao kinh phí 2%, bàn giao hồ sơ, diện tích chung riêng, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống trang thiết bị của tòa nhà tái định cư, công tác quản lý vận hành nhà chung cư... của các đơn vị được giao quản lý quỹ nhà cho ban quản trị còn chậm và đạt tỷ lệ thấp.
Bên cạnh đó, nhiều ban quản trị đã được thành lập nhưng lại không tiếp nhận công tác quản lý vận hành của tòa nhà, không lựa chọn và không ký hợp đồng với các đơn vị quản lý vận hành để quản lý vận hành tòa nhà. Cùng đó, công tác bảo trì sửa chữa đối với nhà tái định cư của các đơn vị quản lý vận hành cũng còn chậm so với kế hoạch được giao và chưa đáp ứng yêu cầu, gây bức xúc cho cư dân.
Ha Noi: 223 can ho tai dinh cu tu y cho nguoi vao o “chui”
 Dù đã hoàn thiện 15 năm nay nhưng 3 toà nhà tái định cư do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3, thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) làm chủ đầu tư ở Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) vẫn bỏ hoang, không có người ở.
UBND TP Hà Nội cũng chỉ ra rằng, nhiều căn hộ đã bố trí cho các dự án chưa đưa vào sử dụng nhưng không thể điều chuyển cho dự án khác, do các chủ đầu tư thực hiện dự án giải phóng mặt bằng chưa kết thúc để trả lại quỹ nhà cho thành phố. Còn nhiều căn hộ đã có quyết định bán nhà nhưng các hộ dân chưa thanh toán tiền mua nhà và nhận nhà.
Tiếp đó, nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ tại các tòa tái định cư còn bị sử dụng sai mục đích, một số đơn vị nợ tiền thuê nhà, một số đơn vị cho thuê lại không đúng quy định, UBND TP Hà Nội đã phải ban hành nhiều quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế để thu hồi các diện tích vi phạm.
Không những thế, còn tồn tại khá nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ để trống chưa đưa vào sử dụng, nhiều diện tích UBND thành phố bố trí cho các đơn vị làm trụ sở không thu tiền thuê nhà đã làm giảm nguồn thu để thực hiện hỗ trợ theo Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.
Đặc biệt, UBND TP Hà Nội cho hay, hiện nay còn 223 căn hộ vi phạm, do các cán bộ thuộc Xí nghiệp quản lý khai thác dịch vụ khu đô thị tự ý cho các hộ gia đình vào ở khi những hộ này chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền mua nhà.
UBND TP Hà Nội nhận định, nguyên nhân do các cá nhân vi phạm chủ yếu mua lại các căn hộ tái định cư của các hộ gia đình được tái định cư, đã trả một khoản tiền chênh lệch cho chủ nhà, có khó khăn về kinh tế nên đã lợi dụng việc buông lỏng quản lý của đơn vị quản lý vận hành và các cán bộ được giao quản lý quỹ nhà thuộc xí nghiệp xin nhận nhà vào ở sai quy định…
Ngoài ra, còn do buông lỏng quản lý của các đơn vị được giao quản lý quỹ nhà để các cá nhân lợi dụng tự ý cho dân vào ở, thiếu kiểm tra giám sát đối với xí nghiệp trực thuộc để cá nhân vi phạm, không kịp thời ngăn chặn và xử lý để xảy ra vụ việc, dẫn đến các cá nhân phải xử lý hình sự…
Để kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập nêu trên, UBND TP Hà Nội giao các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã rà soát, ban hành, sửa đổi, bổ sung những quy định về quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền đảm bảo quản lý đồng bộ, chặt chẽ, sử dụng hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm, giải quyết tranh chấp trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại, khắc phục tồn tại, hạn chế.
Trong đó, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ các diện tích sinh hoạt cộng đồng được chuyển đổi từ diện tích kinh doanh dịch vụ tại nhà chung cư tái định cư theo quy định của Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Các đơn vị được giao quản lý, vận hành, sử dụng nhà tái định cư rà soát, yêu cầu các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng các căn hộ chung cư tái định cư vi phạm ký hợp đồng và nộp tiền mua căn hộ theo quy định; kiên quyết thu hồi các căn hộ tái định cư vi phạm, hoàn thành trong năm 2022.

Liên Hà Thái