Hà Nội: “Điểm mặt” những khu tái định cư, nhà chuyên dùng bị thu hồi

Google News

Hiện Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 803 địa điểm nhà chuyên dùng, nằm trên địa bàn 6 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy.

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi HĐND thành phố về kết quả thực hiện kết luận tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn và những cam kết tại kỳ họp thứ 7 HĐND. Trong đó có kết quả thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố.
Cụ thể, theo UBND TP Hà Nội, hiện Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đang quản lý 803 địa điểm nhà chuyên dùng, nằm trên địa bàn 6 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy. Trên cơ sở báo cáo của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội đã có văn bản phân loại các khoản nợ phải thu của công ty tính đến ngày 30/9/2022 là hơn 190,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã chủ trì cùng liên ngành kiểm tra công tác quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và các xí nghiệp trực thuộc; đồng thời, kiểm tra hiện trạng các nhà chuyên dùng đang gặp tồn tại vướng mắc, vi phạm. Cùng đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thống nhất phương án xử lý thu hồi đối với một số địa điểm nhà chuyên dùng có vướng mắc, vi phạm nổi cộm.
Cụ thể, thành phố sẽ thu hồi nhà chuyên dùng số 16 - 18 Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm); số 280 Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa); số 25A Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm). Đối với nhà chuyên dùng số 198 Hàng Bông, 22 Lương Ngọc Quyến, 40 phố Huế (quận Hoàn Kiếm), cơ quan chức năng đang xem xét, làm rõ việc quản lý, sử dụng để đề xuất phương án xử lý.
Riêng với nhà chuyên dùng số 281 Đội Cấn (quận Ba Đình), ngày 26/10, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND quận Ba Đình và Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội kiểm tra, xác minh và đề xuất UBND thành phố thu hồi.
Ha Noi: “Diem mat” nhung khu tai dinh cu, nha chuyen dung bi thu hoi
Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi các ki ốt kinh doanh vi phạm tại tầng 1 tòa nhà N01 ngõ 84 Chùa Láng. Ảnh: Tiền Phong. 
Liên quan đến quỹ nhà tái định cư, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố ban hành quyết định thu hồi 10 khu nhà, đất với diện tích gần 4.000m2, gồm: Nhà 17T10 Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Cầu Giấy (306m2);nhà N3B (73,86m2 và 203,75m2) và nhà N6B (231,5m2), nhà N6A (108,31m2), nhà N6D (225m2), nhà N2E (243m2) tại Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Thanh Xuân.
Cùng với đó, thu hồi nhà N01 Láng Thượng (quận Đống Đa), 430m2; nhà I, K Thanh Mai (quận Hoàng Mai), 1.700m2; nhà G9 Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), 471,2m2.
Sau khi hoàn thành công tác thu hồi, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục đôn đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đưa các diện tích nêu trên vào kế hoạch đấu giá năm 2023.
Trước đó, tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội diễn ra hồi tháng 7/2022, các đại biểu đã chất vấn thành phố về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Theo đại biểu Trịnh Xuân Quang, hiện nay 802/803 hợp đồng nhà chưa được gia hạn, chưa được ký, và có hàng loạt sai phạm trong sử dụng nhà chuyên dùng… Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội và thời gian xử lý dứt điểm các vi phạm có liên quan?
Trả lời chất vấn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng cho biết, sau khi thực hiện thông báo của thành phố gia hạn hoạt động thuê nhà đến hết năm 2018 thì xảy ra một số vướng mắc. Trong đó, vướng mắc từ thực hiện Luật Quản lý tài sản công, chưa có cơ sở ký tiếp hợp đồng thuê nhà đối với nhà chuyên dùng còn lại. Vừa qua, thành phố đã bố trí 5 điểm dành cho các đơn vị an ninh, quốc phòng ký hợp đồng; hiện có 6 điểm còn hiệu lực của hợp đồng thuê nhà tiêu dùng.
Có 357 điểm vi phạm, hình thành qua quá trình sử dụng, qua nhiều đơn vị quản lý, nguyên nhân chủ yếu sử dụng qua các thời kỳ bố trí cho người vào ở, liên doanh liên kết, cho thuê lại sai mục đích, sử dụng sai mục đích… Trong đó, một số đơn vị hành chính sự nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để nộp tiền thuê nhà.
“Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, công ty 100% vốn Nhà nước nợ tiền thuê nhà, chúng tôi đã báo cáo Sở Tài chính, Sở báo cáo thành phố để làm rõ khoản tiền ngân sách bố trí kinh phí cho khoản này”, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội kiến nghị.
 

Liên Hà Thái