Thời gian qua, lực lượng chức năng tại Hà Nội và các tỉnh thành trên cả nước đã đồng loạt ra quân xử lý mạnh tay đối với tình trạng xe chở quá tải trọng. Đặc biệt, kiên quyết cắt bỏ thành thùng đối với các xe tải cơi nới.
Sau một thời gian ra quân xử lý, vấn nạn xe tải cơi nới thành thùng, chở quá tải trọng gần như biến mất. Trên các tuyến đường hình ảnh các xe tải với thành thùng cao chót vót vốn “thân quen” bỗng dưng biến mất và nay được thay bằng những chiếc xe có thành thùng rất thấp, thậm chí nhiều người gọi vui là “xe hổ đói”.
|
Điểm "ăn cát" của các xe tải nằm gần với chân cầu Thanh Trì (thuộc địa phận xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội). |
Tuy nhiên, dù bị xử lý gắt gao là vậy nhưng ngay tại khu vực Gia Lâm (Hà Nội), PV Báo Tri Thức và Cuộc Sống vẫn ghi nhận được một số xe tải cơi nới thành thùng, chở đất cát, vật liệu xây dựng “tung hoành” trên các tuyến đường.
Cụ thể, dọc đường tả đê sông Hồng (đoạn gần chân cầu Thanh Trì thuộc địa phận xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - nơi được coi là điểm “nhức nhối” xe tải bởi nơi đây tập kết nhiều bến bãi cát sỏi, vật liệu xây dựng thì vẫn xuất hiện các xe tải cơi nới thành thùng đến đây “ăn cát” rồi chạy ầm ầm theo đường Lý Thánh Tông và đường DT379 ra đổ tại dự án xây dựng ở Hưng Yên.
|
Cách khoảng 3 phút lại có một chiếc xe tải chở cát chạy ầm ầm trên tả đê sông Hồng thuộc địa phận xã Đông Dư, huyện Gia Lâm, Hà Nội. |
Ghi nhận vào chiều 11/9, “binh đoàn xe tải chở cát” này cách khoảng 3 phút lại có một chiếc xe, trong số đó, đa số đã cắt thành thùng, tuy nhiên vẫn xuất hiện một vài chiếc xe có dấu hiệu cơi nới thùng vô tư chở cát qua lại. Không những thế, hầu hết các xe chở cát này đều che chắn thùng rất tạm bợ, làm rơi vãi cát ra đường gây bụi ảnh hưởng đến các phương tiện khác.
|
Chiếc xe tải có dấu hiệu cơi nới thành thùng sau khi "ăn cát" ngang nhiên di chuyển dọc theo tả đê sông Hồng, rồi đi về phía đường Lý Thánh Tông để tiến về khu vực dự án ở Hưng Yên. |
Thời điểm PV ghi nhận, khu vực này xuất hiện nhiều đối tượng lạ bám theo, sau khi phát hiện có người ghi hình thì những xe tải bỗng dưng ngừng chạy và tạm đỗ sát phần lề đoạn đường tỉnh DT379.
Suốt buổi chiều PV ghi nhận cũng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng.
|
Một số xe tải chở cát khác, không che chắn kỹ thùng, đi đến đâu bụi bay mù mịt đến đó. |
Trước đó, hồi tháng 4/2022, Báo Tri thức và Cuộc sống đã từng có nhiều bài phản ánh về tình trạng xe tải có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường, tung hoành trên đê sông Hồng (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) khiến người và phương tiện tham gia giao thông khiếp sợ, kết cấu đường bộ bị hư hỏng.
Lực lượng Thanh tra Giao thông Hà Nội và Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) cũng đã ra quân “đột kích” và xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Video: Khu vực bến bãi mà các xe tải vào "ăn cát"
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì và tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe nhằm giải đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ này đánh giá, nhờ triển khai các giải pháp quyết liệt kiểm soát tải trọng xe dẫn đến tình trạng xe quá tải đã giảm, nhiều chủ xe, lái xe đã tự giác chấp hành quy định về thành thùng của xe chở hàng, tuy nhiên vẫn còn một số chủ xe, lái xe vẫn cố tình vi phạm quy định về tải trọng xe.
Đặc biệt, trước đó, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2022 vào chiều ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đề nghị cần điều chỉnh lại Nghị định 100 theo hướng quy định xe quá tải đến mức độ nào thì phải tịch thu.
“Nếu xe quá tải 10-20% sẽ xử phạt, quá tải nhiều hơn thì tịch thu mới đủ sức răn đe”, Bộ trưởng Thể nói.
*Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.
Đoàn Khang