Hai giờ sáng chờ mua cá tươi, buổi chợ nhớ đời của cô gái Sài Gòn

Google News

Giờ đây, không gian trực tuyến gần như đã có đủ mọi mặt hàng để người tiêu dùng có thể lựa chọn. Dịch Covid-19 đã châm ngòi cho những thay đổi trong tương tác hàng ngày.

Từ gần 2 tháng nay, Lê Mây Trinh (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã không còn thói quen đến các chợ truyền thống sau mỗi chiều đi làm về. Dịch Covid-19 thay đổi nhanh chóng đã biến cô nhân viên này thành một “tín đồ” của các ứng dụng giao hàng và đi siêu thị online.

“Thật khó để so sánh một cách tuyệt đối giữa chợ truyền thống và chợ online xem cái nào tốt hơn. Nhưng cá nhân tôi thấy chợ online tiện và đảm bảo an toàn trong thời điểm này”, Trinh nói.

Trinh không phải là một trường hợp cá biệt có hành vi tiêu dùng dần thay đổi. Cuộc săn lùng thực phẩm của các bà nội trợ giờ đây đang chuyển lên không mạng. Những ngày đầu giãn cách ở TP.HCM, có lần Trinh đã thức tới 2h sáng nhưng cũng đành bỏ cuộc do liên tục bị hủy đơn, số đơn hàng online đặt trong mùa dịch đã vượt quá khả năng xử lý của một siêu thị ở quận Gò Vấp.

Hai gio sang cho mua ca tuoi, buoi cho nho doi cua co gai Sai Gon

Giao diện của một gian hàng online 

Thống kê từ các hệ thống phân phối hàng hóa gửi về Sở Công thương TP.HCM cũng cho thấy, số lượng đơn hàng online biến động tăng mạnh, trong khi lượng người ra đường mua sắm có xu hướng giảm. 

Xu thế đi chợ từ xa tăng 

Ở phía nhà phân phối, Nguyễn Thanh Tùng, nhân viên phụ trách giao hàng trực tuyến của MM Mega Market bắt đầu một ngày làm việc bận rộn từ 8h30 sáng, xử lý những yêu cầu của khách: hủy đơn hàng, giục giao hàng, hỏi về tình trạng đơn, tính toán các đơn hàng combo đặt từ khu vực cách ly y tế và phong tỏa. 

Do nhu cầu mua sắm online tăng cao nên hệ thống này đưa ra cả 3 hình thức đặt hàng trực tuyến thông qua website, zalo OA và hotline của từng siêu thị. Khi đủ số lượng đơn tối đa một ngày, hệ thống sẽ tự khóa, không nhận nữa.

Tuy nhiên, vận hành song song với với nền tảng chợ số là một đội ngũ thao tác không khác gì những cỗ máy. Xử lý đơn tồn cũ, tiếp nhận đơn mới mỗi ngày.

Quy trình sẽ là xác nhận đơn hàng cũ và mới, báo những sản phẩm đang tạm hết hàng, thời gian giao hàng cho khách. Sau khi xác nhận thông tin khách hàng và hàng hóa, các nhân viên sẽ cầm đơn đi nhặt hàng. Hàng được đóng gói, in hóa đơn để chuẩn bị giao cho bộ phận đi giao. Kiểm tra lần cuối về số lượng, chất lượng hàng hóa để giao cho đội vận chuyển.

Hai gio sang cho mua ca tuoi, buoi cho nho doi cua co gai Sai Gon-Hinh-2

 Gian hàng hải sản tại một siêu thị

“Do trung tâm mua sắm rộng, số lượng hàng hóa nhiều nên chúng tôi di chuyển khá xa để nhặt đủ đơn. Có những đơn hàng 50-60 sản phẩm trải đều các ngành hàng: hải sản, thịt, cá, rau củ, đồ khô, hóa mỹ phẩm,... thời gian nhặt có khi lên tới 2-3 tiếng cho một đơn hàng”, Tùng nói và liên tục nhìn kiểm tra màn hình máy tính, thống kê đơn hàng đã tăng gấp 7-8 lần ngày thường.

Đối với kênh Bách Hóa Xanh online, báo cáo kinh doanh 5 tháng đầu năm 2021 cho thấy sự tăng trưởng mạnh về cả số lượng đơn hàng cũng như doanh thu. Số lượng và giá trị giao dịch trong 5 tháng đầu năm lần lượt gấp 4,8 lần và 3,9 so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong khi đó, ứng dụng đi chợ hộ Chopp cũng rơi vào tình trạng quá tải xử lý đơn hàng, khi số lượng đơn tăng gấp 10 lần. “Từ ngày 13/7, lượng đơn đặt đã kín đến tận 23/7. Tức là đặt trước 10 ngày”, đại diện Chopp thông tin. 

Rau, thịt, cá lên sàn và sự tăng tốc của tương tác trực tuyến

Ngày 15/7, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - Nguyễn Nguyên Phương - ký công văn hỏa tốc gửi 4 ông lớn của hệ thống phân phối thương mại điện tử Lazada, Sen Đỏ, Tiki và Shopee, yêu cầu chuẩn bị hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu, tăng cường cung ứng cho khu vực TP.HCM thông qua phương thức giao dịch trực tuyến.

Hai gio sang cho mua ca tuoi, buoi cho nho doi cua co gai Sai Gon-Hinh-3

Người dân xếp hàng mùa dịch

Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng Giám đốc Mekong Capital, đơn vị giữ vai trò đảm bảo mạng lưới cung ứng và phân phối cho biết, các sàn thương mại điện tử có thể tận dụng hệ thống vận chuyển và kho giao khi tổ chức bán thực phẩm. Đặc biệt, với độ phủ rộng cũng như năng lực chuyên sâu, tôm, cá, thịt chắc chắn sẽ “cháy” hàng như các kênh siêu thị online hiện tại. 

Không chỉ đến khi rau, thịt, cá lên sàn người ta mới nhận thấy sự chuyển trạng thái khi công nghệ tác động đến các giao thức vận hành hàng ngày. Trong báo cáo đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) chỉ ra, dịch bệnh nhanh chóng làm thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Người tiêu dùng ưa thích mua sắm trực tuyến hơn bởi đây là kênh duy nhất để tiếp cận tới một số hàng hoá và dịch vụ. Các “thượng đế” Việt Nam cũng theo dõi rất sát tình hình dịch bệnh, nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Trong khi đó, các doanh nghiệp thích nghi nhanh, thay đổi thói quen vận hành, tổ chức và quản lý hoạt động của mình. Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, khai thác các nền tảng trực tuyến trong điều hành nội bộ và kết nối với khách hàng.

Hai gio sang cho mua ca tuoi, buoi cho nho doi cua co gai Sai Gon-Hinh-4

Chợ truyền thống đóng cửa nên lượng người đi chợ online tăng vọt

Tổng Giám đốc Điều hành MM Mega Market Việt Nam - Bruno Jousselin nhận định, mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên thịnh hành và là một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới. Giá trị cốt lõi là công nghệ và đổi mới sẽ phục vụ quá trình chuyển đổi số diễn ra khá mạnh mẽ trong thời kì dịch. Đồng thời, cần triển khai chiến lược phát triển đa kênh và ngày càng hoàn thiện giải pháp bán hàng trực tuyến nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng trong kỷ nguyên số.

“Đối với chuỗi cung ứng, siêu thị, chúng tôi thay đổi rất nhiều từ sản phẩm, khuyến mãi dành cho online đến cách tổ chức nội bộ và đầu tư vào nhân sự, liên tục nâng cấp hệ thống để thích ứng với công cuộc chuyển đổi số”, ông Bruno Jousselin nói.

GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho rằng, mọi thứ vận hành trong điều kiện chống dịch theo xu hướng khác là điều tất yếu. 

Với nền tảng kết nối viễn thông tốt, dịch Covid-19 đang tạo một lực đẩy ngầm cho công cuộc chuyển đổi số, kéo con người tiếp cận gần hơn với không gian trực tuyến. Đây là tín hiệu đáng mừng.

“Chắc chắn sẽ có những việc làm, hoặc những giao tiếp không thể hiệu quả được như phương thức trực tiếp nhưng điều đang có hiện nay còn tốt hơn so với sự đứt gãy và tắc nghẽn vì dịch bệnh. Cuộc sống số đâu chỉ dành cho những người trẻ, giờ các bà nội trợ online là chuyện bình thường”, Giáo sư Lược cho hay.

Theo Quảng Định/Vietnamnet