Hơn 10 tỷ đồng căn nhà không phép giữa Thủ đô

Google News

Sau khi dự án cống hóa mương Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) được hoàn thành với việc làm đường và vỉa hè rộng sạch đẹp kéo theo giá đất, thuê mặt bằng khu nhà xây không phép ở đây tăng chóng mặt. 

Giá nhà đất ở phố không phép tăng chóng mặt
Trong vai người muốn mua nhà mặt phố để kinh doanh tại khu vực phố Thái Hà (đoạn từ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đến đầu phố Hoàng Cầu-PV), chúng tôi gặp anh Thái Yên - một nhân viên môi giới nhà đất trên phố này cho biết, trước đây giá nhà khu vực mương Thái Hà không có biến động, nhiều người ngại giao dịch mua bán ở đây vì đất nằm trong dự án quy hoạch, xây dựng trái phép và không có sổ hồng, sổ đỏ. Nhưng từ khi thoát cảnh “mương thối”, khu phố nhà xây không phép này trở thành nhà mặt phố nên giá nhà đất ở đây tăng chóng mặt và nóng lên từng ngày.
Những căn nhà xây không phép ở đây có giá bán và cho thuê cao không khác gì các tuyến phố khác.
“Dù nhà xây không phép, không sổ đỏ nhưng nếu mua và thuê ở đây giá chẳng khác thì các tuyến phố chính, thậm chí còn cao hơn vì nơi đây giờ thành cả tuyến phố kinh doanh ăn nhậu, quần áo thời trang tấp nập”, anh Yên mời chào.
Theo lời giới thiệu của anh Yên, căn nhà mặt phố diện tích 60 m2 thuộc dự án mương Thái Hà (gần Trung tâm chiếu phim quốc gia-PV), hiện giá đã tăng lên khoảng 60-70% so thời điểm trước đây. “Trước khi chưa mở đường ít người mua và giá thấp, giờ đường rộng giá rất cao. Trong ngõ dao động 60 - 70 triệu đồng/m2, còn nhà mặt phố giá trên 100 - 140 triệu đồng/m2. Tôi vừa môi giới thành công ngôi nhà 90 m2, mặt tiền 5 m2 với giá hơn 10 tỷ đồng dù nhà không có giấy tờ gì chỉ mua bán trao tay”, vị môi giới này cho hay.
Để khách hàng yên tâm, anh Yên 'điểm mặt' nhiều căn nhà trong số hơn 70 căn mặt phố khu nhà không phép này đã được mua bán trong thời gian qua. “Nói là đất trong quy hoạch dự án nhưng nhiều cán bộ, quan chức mua đây đấy. Có người còn mua liền mấy căn, nên về lâu dài chắc sẽ được cấp sổ thôi vì giờ nhiều nhà đã xây kiên cố trên 4 tầng rồi”, anh này nói.
Không chỉ giá nhà đất tăng cao, việc thuê mặt bằng kinh doanh ở phố nhà không phép này cũng cao ngất. Đơn cử, nhà 2 tầng với 45 m2, mặt tiền 2 m2 được chủ nhà ở đây cho cho thuê là 40 triệu đồng/tháng. “Giá đây là giá chung của khu phố này rồi, vì thuê kinh doanh ở đây thuận lợi, trong khi còn tận dụng được vỉa hè, lòng đường rộng để nơi trông giữ xe cho khách mà ít phố khác có được”, bà Loan, chủ căn hộ trên nói.
Cách nhà bà Loan không xa, một chủ nhà hàng ăn cũng đang sang nhượng cửa hàng, căn nhà 4 tầng rộng 60 m2, mặt tiền 5 m2 hiện có giá thuê là 60 triệu đồng/tháng. “Khu này kinh doanh sầm uất nhưng giá cho thuê cao quá. Mình bán trà sữa, đồ ăn vặt nhưng tiền thuê nhà, trả nhân công mỗi tháng quá lớn nên phải nhượng lại cửa hàng thôi”, chị Tuyết, chủ cửa hàng chia sẻ.
Nhà xây chui khó xử lý vì có “chống lưng”?
Ghi nhận thực tế cho thấy, toàn bộ phần đất tiếp giáp mương Thái Hà (từ Trung tâm chiếu phim Quốc gia đến đầu phố Hoàng Cầu), dù đã có quyết định thu hồi đất nhưng hiện trở thành khu phố với một dãy nhà kiên cố (cao 2 đến 4 tầng), hình thành một khu phố hàng ăn, quần áo thời trang hoạt động nhộn nhịp suốt ngày đêm.
Vì giá cho thuê nhà mặt phố cao, người buôn bán tấp nập, nên dù không được cấp phép xây dựng nhưng nhiều căn nhà cao tầng, kiên cố khác liên tiếp “mọc” lên dọc tuyến phố này. Thậm chí, hiện tại về đêm, ở khu phố nhiều người vận chuyển cát, xi măng để xây dựng “chui” trong các lô đất được phủ kín bằng tôn.
Trong khi lòng đường, vỉa hè sau khi được thành phố bỏ ra hàng tỷ đồng giờ cũng được nhiều hộ kinh doanh ở đây tự xây bục, bê tông chặn đường làm nơi trông giữ xe riêng.
Hà Nội phải chi hàng tỷ đồng làm đường, nhưng giờ được ngăn, đổ bê tông phục vụ cho các hộ kinh doanh ở khu phố nhà không phép. Ảnh: Mạnh Thắng
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thao Hùng - Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) thừa nhận, tình trạng công trình không phép hình thành trên đất đã có quyết định thu hồi tại dự án Công viên Đống Đa này. “Đây là sai phạm có yếu tố lịch sử. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã kết hợp với các lực lượng tiến hành phá, dỡ hàng chục căn nhà xây dựng trái phép ở khu vực này, thậm chí tuần này cũng ra cưỡng chế nhà không phép”, ông Hùng nói.
Theo vị này, phường Trung Liệt cũng đã nhiều lần báo cáo lên quận, thành phố Hà Nội để xin ý kiến chỉ đạo xử lý dứt điểm. Đối việc, hiện nhiều hộ kinh doanh ở đây đã tự xây bục, bê tông chặn đường làm nơi trông giữ xe riêng, dù nhiều lần ra quân, bóc dỡ hết nhưng hôm sau các hộ lại tiếp tục vi phạm.
Một vị cán bộ ở đây cũng thẳng thắn cho rằng, đối với những căn nhà xây kiên cố từ 2 đến 4 tầng trên khu đất đã thu hồi để làm dự án không loại trừ có lợi ích nhóm chi phối và thậm chí có người “chống lưng”. “Khi chúng tôi quyết liệt dẹp bỏ những căn nhà xây dựng trái phép, lãnh đạo phường cũng phải nhận rất nhiều đơn tố cáo của các hộ dân lên các cấp, thậm chí bị đe dọa”, vị cán bộ này nói.
Theo Tiền Phong