Một góc vườn rau được chị Lan Anh trồng từ những vật liệu tái chế, rác thải sinh hoạt.
Khu vườn từ rác
Trời chiều tắt nắng, chị Phạm Lan Anh (55 tuổi, huyện Văn Giang, Hưng yên) cùng 2 cháu ngoại ra sân nhà chăm sóc khu vườn đủ mọi loại rau, hoa, trái. Khu vườn được chị Lan Anh tự tay trồng từ vô số vật dụng tái chế, rác thải vào năm 2019.
Ý tưởng trồng rau từ rác thải được chị ấp ủ từ khi còn là kế toán trưởng ở một trường trung học cơ sở tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang. Thời gian này, chị thấy học sinh được giáo dục rất nhiều về việc bảo vệ môi trường, cách để rác đúng nơi quy định.
Tuy vậy, chị nhận thấy nhiều học sinh vẫn không bỏ được thói quen vứt rác bữa bãi. Do đó khi về hưu, chị quyết định làm mô hình trực quan để mọi người thấy được lợi ích của việc phân loại, tái chế rác, hạn chế vứt rác ra môi trường.
Hoa, rau trồng trên lốp xe, giỏ hoa cũ, nồi cơm điện hỏng, vỏ dừa bỏ đi...
Sau khi hình thành ý tưởng, chị bắt đầu tận dụng các loại thùng xốp bỏ đi để trồng rau. Chị cắt, sơn lại vỏ can dầu ăn để trồng các loại rau lấy củ, trái như: su hào, bắp cải, khoai tây, cà tím, cà pháo, cà chua…
Các loại cây, rau cần nhiều đất như ngô, cải kale, ớt… được chị trồng trong những thùng sơn 18 lít. Chị cũng tận dụng vỏ dừa, nồi cơm điện, thùng rác hỏng, lốp xe, giỏ hoa cũ… để trồng rau, hoa trái.
Chị cũng tận dụng thùng rác cũ, vỏ can dầu ăn để làm chỗ trồng rau, hoa cảnh.
Tận dụng hết rác ở nhà, chị Lan Anh xin, mua lại những vật dụng bỏ đi, rác nhà bếp của hàng xóm. Sau này, thấy chị trồng rau củ thành công trên vật liệu tái chế, nhiều người tự nguyện cho, tặng chị những vật dụng hỏng, không còn sử dụng.
Chị nói: “Sân nhà chỉ rộng 70m2 nhưng tôi trồng nhiều loại rau, củ, rau gia vị theo mùa như: bắp cải, súp lơ, cải thảo, xà lách, cà chua, hành, ngò… Tôi ươm hạt cây trong thùng xốp.
Giá thể trồng cây được trộn từ tro, trấu, xơ dừa, đất thịt, phân gà đã qua xử lý. Tôi ủ các loại rác từ việc nấu ăn cho gia đình làm phân tưới cho cây. Vườn rau bây giờ tươi tốt. Sáng dậy, ra sân nhìn thấy không gian xanh mát trước mắt, cả nhà ai cũng thích”.
Tâm huyết
Để có khu vườn rợp màu xanh hoa trái từ rác, chị Lan Anh trải qua không ít khó khăn. Những ngày đầu, chị không được chồng ủng hộ. Thậm chí, anh cười chị là “gom rác về nhà như bà đồng nát”.
Thiếu kinh nghiệm trồng trọt, chị nhiều lần thất bại. Có lần, chị học theo trên mạng, đổ cát vào thùng xốp, gieo hạt. Nào ngờ, gặp mưa rào, cát và rau trôi hết.
Lần khác, chị pha nước ủ từ rác bếp quá đặc. Vừa tưới xong, cả vườn rau đang xanh um bỗng chốc chết sạch. Sau đó, chị học hỏi dần trên các hội, nhóm trồng rau. Đến nay, chị nắm vững kỹ thuật trộn đất, ủ rác, kỹ thuật tưới…
Mặt sân hết chỗ, chị làm kệ, giàn treo các chậu trồng rau từ vật liệu tái chế.
Chị chia sẻ: “Tôi đặt nhiều tâm huyết vào vườn rau. Bởi, mục đích tôi làm vườn rau là để xử lý, tái chế rác thải. Do đó, những gì có thể tận dụng, tôi sẽ tận dụng hết để trồng rau, hoa.
Bây giờ, dù vườn đã chật, tôi vẫn tận dụng mọi thứ. Ai cho rác gì tôi vẫn nhận. Hết chỗ trồng dưới mặt sân, tôi làm giá, kệ, giàn đặt, treo lên để trồng. Với cách này, khu vườn sẽ thu nạp thêm nhiều rác khiến rác không bị thải ra môi trường bên ngoài”.
Dù được hình thành từ nhiều vật dụng tái chế, khu vườn của chị Lan Anh không xấu xí, bừa bộn. Ngược lại, vườn rau rất hài hòa và đầy thẩm mỹ.
Để làm điều này, chị chú trọng trồng rau, củ, theo từng khu vực, mảng màu khác nhau. Các loại thùng xốp, vỏ chai nhựa… cũng được chị cắt, sơn, vẽ trang trí rồi xếp đặt, bài trí một cách gọn gàng, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Các thành viên trong gia đình chị Lan Anh đều yêu thích khu vườn.
Mỗi ngày, chị dành 2 buổi sáng, chiều tưới nước, bón phân cho khu vườn. Ngoài ra, chị chủ vườn cũng dành nhiều công sức để phòng, trừ sâu bệnh cho những luống rau, gốc cây.
Tuy vậy, chị chưa bao giờ thấy mệt nhọc và luôn hạnh phúc với những công việc của mình. Bởi với chị, khu vườn không chỉ thỏa mãn tiêu chí tái chế được rác, có rau sạch để ăn mà còn lan tỏa được nhiều điều tích cực.
Nhận thấy ý nghĩa từ khu vườn của chị Lan Anh, nhiều phụ huynh bắt đầu đưa con đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều người còn xin giống cây trồng, nhờ chị chia sẻ kinh nghiệm trồng rau. Đặc biệt, một số trường học cũng bắt đầu đặt vấn đề đưa học sinh đến vườn rau thăm quan, học cách làm vườn..
Đặc biệt, các cháu ngoại của chị rất yêu thích công việc làm vườn, trồng cây.
Chị nói: “Không chỉ các thành viên lớn tuổi trong gia đình, các cháu tôi cũng rất thích khu vườn. Hằng ngày, nếu gọi các cháu dậy đến lớp thì hơi khó. Nhưng nếu nói dậy ra sân bắt sâu, tưới cây cho bà là các cháu dậy ngay.
Tôi thấy mô hình này có thể áp dụng cho các hộ gia đình, thậm chí rất thích hợp cho các trường mầm non, trường bán trú. Mục đích của việc này là giáo dục ý thức bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ cho các cháu.
Các cháu sẽ có thói quen, biết cách phân loại rác. Khi được tiếp xúc với cây cỏ, các con sẽ biết lợi ích của rau, củ, tác dụng của cây xanh đối với môi trường. Thông qua việc làm vườn, các cháu sẽ yêu lao động, biết giúp đỡ người lớn. Đặc biệt, các cháu sẽ hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính…”.
Theo Hà Nguyễn/Vietnamnet