Kiến trúc sư Lê Hồng Kiên (Hòa Bình) đã dành nhiều năm để săn lùng những nếp nhà cổ của đồng bào dân tộc Mường, các nhà cổ truyền thống ở Bắc Bộ. Sau đó, anh mang về phục dựng lại với mục đích lưu giữ, bảo tồn một phần giá trị văn hóa của người Việt xưa.
Hành trình mua những nếp nhà đó của anh được mô tả là: “Trèo đèo, lội suối, làm bạn với vắt, muỗi và trầy trật thuyết phục chủ nhà”.
Với những nhà cổ của đồng bào dân tộc, anh lang thang, nằm vùng trên các huyện vùng cao. Nếu có duyên thì việc mua bán diễn ra nhanh chóng, còn đâu phải mất vài tháng anh mới mua được. Việc thuyết phục chủ nhà cũng là khó khăn, thử thách. Bởi việc phải rời xa ngôi nhà gắn bó với dòng họ, tổ tiên là điều không dễ dàng.
Do những ngôi nhà này đều làm bằng gỗ, có tuổi đời rất lâu nên khi mua, anh phải xin giấy phép tháo dỡ vận chuyển. Khi có giấy phép mới tháo dỡ vận chuyển về, tiến hành gia công thay thế, sửa chữa rồi phục dựng.
Anh cho biết, nhà gỗ là nguyên liệu tự nhiên nên kiểm lâm quản lý. Thường nhà sàn trên các huyện vùng cao dân làm trên núi, lúc tháo dỡ vận chuyển xuống đến xe khoảng vài trăm mét.
“Chúng tôi phải kéo bằng xe bò, đẩy hoặc phải bê vác thủ công. Quãng đường vài trăm mét ở đồng bằng di chuyển dễ, chỉ mất vài tiếng là xong nhưng với vùng núi, di chuyển trên quãng đường vài trăm mét, vác những khối gỗ không hề đơn giản. Ngày mưa trơn trượt, người vác vấp ngã là chuyện bình thường. Vì thế, phần lớn tôi thuê người bản địa hỗ trợ, vì họ quen với địa hình, có kinh nghiệm leo đồi núi”, anh Lê Hồng Kiên nói.
Về vấn đề phục dựng, anh nghiên cứu kỹ lưỡng các kết cấu của nhà, từ đó dựng lại, bổ sung, sửa chữa chỗ hỏng hóc và đưa vào đó một số công năng sử dụng hiện đại, để thuận tiện cho sinh hoạt nhưng không làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của công trình cổ.
Một số nhà cổ được anh Kiên phục dựng:
Nhà sàn người Mường
Ngôi nhà vốn là nhà sàn truyền thống của người Mường. Phần trên đồng bào dân tộc Mường dùng làm chỗ ở, còn ở dưới nuôi nhốt trâu bò... Tuy nhiên, khi mang về dựng, anh Kiên biến tầng 1 là không gian nấu nướng, quầy bar, sân chơi, uống trà và bàn ăn đá nguyên khối lớn ngoài trời dưới bóng cây bưởi cổ thụ.
Tầng 2 dành để ở với các không gian sinh hoạt, thư giãn và ngủ. Nhà có 4 mặt thoáng mát, gia chủ có thể nằm nghe chim hót, hít hà hương thơm và ngắm cảnh, tận hưởng cuộc sống như trên các ngọn cây…
Tầng 1, anh xây gạch đỏ và trưng bày một số vật dụng bằng đá đặc trưng của bà con dân tộc.
Những trụ gỗ nhà sàn bằng gỗ lim chắc chắn và bền. Ngoài nội thất tiện nghi, hợp với cuộc sống hiện đại, anh Kiên bố trí cảnh quan với cây ăn quả, cây xanh mướt mắt - tạo ra nơi ở trong lành, dễ chịu.
Không gian sinh hoạt tầng 2 được giữ gần như nguyên bản.
Anh Kiên làm thêm nhà vệ sinh, thuận tiện với cuộc sống hiện đại.
Bữa ăn dân dã bên bếp lửa bập bùng trong nhà sàn.
Nhà theo lối Bắc Bộ của người Mường
Ngôi nhà này là của người Mường, nhưng lối thiết kế là nhà là kẻ truyền của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Anh Kiên cho biết, ngày xưa trên rừng nhiều gỗ, các gia đình khá giả ở Hòa Bình thuê thợ người Kinh lên làm nhà lối này cho người Mường. Hiện nay, ở Hòa Bình vẫn còn tồn tại nhiều kiểu nhà như này.
Ngôi nhà của người Mường nhưng làm theo lối truyền thống Bắc Bộ.
Từ lối vào, ao cá, cánh cửa đều mang đậm chất truyền thống.
Phòng tắm cổ điển với bồn tắm bằng đá nguyên khối, tự nhiên, được mài bóng, nhẵn trong lòng.
Bên trong nhà cổ, gia chủ cho trưng bày đồ gốm nghệ thuật.
Nhà truyền thống Bắc Bộ
Ngôi nhà xinh xắn 3 gian dưới bóng cây cổ thụ trăm năm tuổi, trước mặt là vườn rau sạch mùa nào thức đó.
Phòng ngủ tiện nghi được anh Kiên bày trí cùng những tác phẩm nghệ thuật như tranh sơn mài, tranh gốm sứ và những món đồ gỗ tinh xảo.
Anh Kiên chia sẻ, nét văn hóa xây nhà kẻ truyền hay nhà rường bằng gỗ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ có nét thiết kế đặc trưng riêng biệt. Nhà thường gắn với phong tục, bản sắc văn hóa và nếp sống sinh hoạt riêng của người miền Bắc. Không gian chia thành 3 gian, 5 gian hay nhà 7 gian đẹp ở giữa có góc thờ từ đường hay phòng thờ họ lớn. Còn 2 bên thiết kế sập gụ bằng phản gỗ.
Nhà kẻ truyền là loại kiến trúc nhà ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ thiết kế trên đất rộng rãi có ao cá, sân vườn tiểu cảnh.
Nhà ngói 3 gian với vườn cây, ao cá là hình ảnh quen thuộc với nhiều người sinh ra ở vùng Bắc Bộ.
Nhà có kết cấu xây tường bao quanh bằng bê tông cốt thép nhưng cột, kèo, cửa đều làm bằng gỗ.
Gia chủ không chỉ chú trọng phục dựng nhà và kiến trúc bên trong, mà còn quan tâm đến cảnh quan, sân vườn sao cho chân thực nhất.
Phòng tắm, phòng xông hơi phục vụ nhu cầu của gia chủ. Tuy hiện đại nhưng không làm mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của nhà cổ.