Ghé thăm gia đình ông Trịnh Quang Thủy, quanh nhà là giàn lưới đen và hàng ngàn giò lan treo lủng lẳng. Ông Thủy giới thiệu, vườn nhà ông hoàn toàn là phong lan với hàng chục giống khác nhau, từ giả hạc, trầm Cửu Long, rồng đỏ... cho tới các giống phổ biến hơn như kim điệp, thủy tiên. Ông cho biết, ông đến với lan ban đầu chỉ là đam mê của người thích lan, yêu lan...
|
Ông Trịnh Quang Thủy trong vườn phong lan của gia đình. Ảnh: D.Quỳnh |
Qua quá trình trồng, chơi, trao đổi với bạn lan, dần dần vườn phong lan nhà ông đã phát triển và trở thành địa chỉ mua bán lan nổi danh nhất vùng Di Linh, Bảo Lộc như hôm nay. Hiện ông Thủy có 2 sào nhà lưới trồng lan rừng với trên 10.000 giò, có những giống rất quý, giá cao như giả hạc Lâm Đồng.
Khác với trồng địa lan theo hướng công nghiệp như vũ nữ, hồ điệp hay catlaya, trồng phong lan không tốn kém nhiều về chi phí đầu tư ban đầu. Phong lan cần môi trường sống khá tự nhiên nên ông Thủy chỉ cần nhà lưới với giàn lưới đen phù hợp.
Theo ông Thủy, làm nhà lưới vừa giảm bớt ánh sáng, vừa để nước mưa, gió và không khí lưu thông, tạo môi trường sống gần giống môi trường sống nguyên thủy của cây lan trong tự nhiên. Quy trình ương cây lan giống cũng rất đơn giản, khi có cây giống, ông Thủy cắt từng đoạn ngắn, ương để cây ra rễ. Tới khi thân nảy chồi rễ, được ghép vào thân chủ được cắt từ cây vú sữa hoặc gỗ nhãn.
Chỉ đơn giản như thế, cây phong lan sẽ bám chặt vào khúc gỗ, ra rễ sinh lá và chờ ngày bung nụ nở hoa. Một quy trình từ khi ương cây tới lúc có hoa là 3 năm, một thời gian khá dài.
Chăm lan không khó, chủ yếu cần chế độ nước tưới và bón phân hữu cơ phù hợp. Với kỹ thuật chăm sóc được đúc rút từ nhiều năm gắn bó với lan, tỷ lệ ra hoa của vườn phong lan ông Trịnh Quang Thủy vào đúng dịp Tết Nguyên đán khá cao, mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.
Ông Thủy chia sẻ, cây phong lan cũng bị bệnh khi sống trong vườn nhà. Chủ yếu phong lan hay mắc các bệnh như thối nhũn, rỉ sắt, thán thư. Người trồng cần chú ý để phòng ngừa và xử lý bệnh kịp thời, nhất là trong mùa mưa Bảo Lộc.
Ông Thủy cho biết, dù màu sắc, độ bền của cây hay hình dáng không rực rỡ như hồ điệp, vũ nữ hay nhiều loại địa lan, phong lan vẫn được nhiều người yêu chuộng vì vẻ đơn sơ, giản dị và độc đáo. Mỗi dịp tết ông xuất bán từ 1 - 2.000 giò phong lan, với giá bán trung bình 500.000 đồng/giò, trừ hết chi phí đầu tư còn lại dăm ba trăm triệu đồng, một thu nhập rất khả quan trên diện tích 2 sào đất vườn. Từ thú chơi của người yêu phong lan, ông Thủy đã có thu nhập rất tốt từ chính đam mê của mình.
Không chỉ dừng lại ở thu nhập, ông Trịnh Quang Thủy còn cho biết, niềm vui của ông còn là việc góp phần duy trì những giống lan quý. Ông kể: “Nhiều giống lan rất quý hiếm, như giả hạc Lâm Đồng có giá tới 1 chỉ vàng/ 10cm, thị trường rất ưa chuộng. Ở vườn chúng tôi nhân giống, cung cấp cho thị trường với giá ổn định, giảm tình trạng người đi rừng tìm mọi cách khai thác lan tự nhiên, hại tới tài nguyên rừng. Việc nhân giống từ vườn ươm giúp các giống lan được bảo tồn tốt hơn, đa dạng rừng được bảo vệ tốt hơn”.
Theo Diệp Quỳnh /Báo Lâm Đồng