Thông tin mới nhất về tình trạng nợ nần Công ty TNHH KaiYang Việt Nam (quận Kiến An, TP Hải Phòng), từ ngày 27 đến nay, hàng nghìn công nhân công ty này lại tiếp tục ngưng việc, tụ tập đông người tại khu vực công ty.
Theo phản ánh của các công nhân, việc các công nhân ngưng làm việc vì cho rằng quyền lợi không được bảo đảm theo cam kết của ban lãnh đạo mới tại cuộc đối thoại với người lao động ngày 19/8.
Các công nhân cho biết, đến thời điểm hiện tại, người lao động mới nhận được 50% tiền lương tháng 7. Số tiền còn lại không thể thanh toán như thời hạn cam kết (trước 31/8) do doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong quá trình chuyển nhượng.
Ngoài ra, BHXH của người lao động mới chốt đến tháng 4/2019, nên các công nhân không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
|
Các công nhân mang khẩu hiệu kéo xuống đường. |
Liên quan vụ việc trên, ông Tống Văn Băng - chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng, cho biết hiện nay 2.350 công nhân của Công ty TNHH KaiYang Việt Nam phải dừng việc khi ban lãnh đạo mới quyết định rút lui sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động trở lại.
Ngay sau khi ban lãnh đạo mới tuyên bố rút lui, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cùng với Liên đoàn Lao động thành phố vẫn đang tập trung họp để tìm kiếm giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi cho công nhân.
"Khó khăn hiện nay là chúng ta chưa có một cơ chế pháp lý nào để giải quyết vấn đề này, khi chưa có căn cứ pháp lý thì không thể xuất tiền để giải quyết được" - ông Băng cho biết.
Sáng 28/8, hơn 2.000 công nhân đã tập trung tại trụ sở Công ty TNHH KaiYang Việt Nam và tràn ra cả đường Hoàng Quốc Việt, quận Kiến An, TP Hải Phòng với băng rôn khẩu hiệu để đòi hỏi quyền lợi phải được giải quyết nhanh chóng. Bên cạnh đó, các công nhân đề nghị có phương án cụ thể để họ nắm bắt đường hướng sau khi ban lãnh đạo mới đã tuyên bố rút lui.
|
Việc công nhân tràn ra đường khiến đường Hoàng Quốc Việt, quận Kiến An, TP Hải Phòng tắc nghẽn. |
|
Giao thông đi lại vô cùng khó khăn. |
Bà Chu Thị Kim Oanh - Chủ tịch công đoàn Công ty KaiYang, cho biết đã tiến hành họp với hơn 2.000 công nhân và thông báo để họ nắm được tình hình để chủ động tìm giải pháp. Về quyền lợi của các công nhân cũng như số tiền nợ lương còn lại hiện nay vẫn đang phải chờ vào tiền hàng xuất ở trong kho, tiền bảo hiểm xã hội thì trông chờ vào tiền hoàn thuế.
Bà Oanh thông tin, mặc dù phía công ty cũng đã có buổi họp với thành phố Hải Phòng và nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan ban ngành, nhưng phía ngân hàng thông báo không thể hỗ trợ thêm và tập trung siết nợ khiến ban lãnh đạo mới gặp khó khăn.
Công đoàn công ty cũng báo cáo UBND thành phố Hải Phòng và các cơ quan chức năng liên quan đề đạt mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn hiện tại để nhanh chóng giải quyết chế độ cho người lao động. Trong đó, Cục Thuế hỗ trợ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, các ngân hàng thống nhất tỷ lệ thu tiền hàng để công ty xuất hàng kịp tiến độ, có nguồn kinh phí chi trả tiền lương và các chế độ khác của người lao động.
Trước sự việc trên, công nhân Nguyễn Thị Hoài cho biết, không riêng gì chị mà các công nhân đều có nguyện vọng được tiếp tục làm việc ở công ty. Tuy nhiên khi nghe bà Jenny Koo thông báo rút lui thì mọi người đều thấy hụt hẫng, bơ vơ khi niềm hi vọng cuối cùng biến mất.
* PV Kiến Thức tiếp tục thông tin vụ việc trên...
Trước đó, Kiến Thức đã đưa tin, vào ngày 12/8, hơn 2.000 công nhân của Công ty KaiYang đến công ty làm việc thì phát hiện cửa vào các phân xưởng bị khóa trái. Ông Huang Shang Che, chủ doanh nghiệp người Đài Loan cùng với 17 người quản lý của doanh nghiệp (quốc tịch Đài Loan) bất ngờ rời khỏi doanh nghiệp này không rõ lý do để lại một số nợ lớn, khiến việc sản xuất bị ngưng trệ.
Thời điểm ban lãnh đạo công ty biến mất thì hơn 2.000 công nhân vẫn đang bị nợ tiền lương tháng 7 và 10 ngày của tháng 8 với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng, nợ BHXH từ tháng 5/2019 là hơn 9,5 tỷ đồng; nợ kinh phí công đoàn phí từ tháng 3/2019 khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty nợ ngân hàng, đối tác khoảng 150 tỷ đồng.
Ngay sau đó, các công nhân đã ngưng việc và liên tiếp kéo đến trụ sở công ty để đòi quyền lợi. Đến ngày 20/8, ban lãnh đạo mới do bà Jenny Koo điều hành thông báo người lao động tiếp tục trở lại làm việc và cam kết trả 50% lương cho công nhân với thời hạn đến ngày 24/8. Trả 50% số tiền còn lại hạn cuối vào ngày 31/8. Sau khi trả được một nửa tiền nợ lương cho các công nhân, mới đây bà Jenny Koo có buổi họp với toàn thể công nhân với nội dung xin rút khỏi công ty do công nợ quá nhiều và cơ chế hỗ trợ từ phía ngân hàng không có.
Hải Ninh