Việc nhà sáng lập công ty gia đình bước vào tuổi U70 nhưng vẫn ngồi "ghế nóng" là điều không hiếm lạ. Ảnh: Trí thức trẻ
Tại nhiều công ty gia đình đình đám ở Việt Nam, thế hệ thứ nhất (F1) vẫn là những người điều hành trực tiếp và che phủ "cái bóng" lên người nối nghiệp.
Trên thực tế, việc nhà sáng lập công ty gia đình đã bước vào tuổi U70 nhưng vẫn ở đỉnh cao quyền lực trong tập đoàn là điều không hiếm.
Tại Việt Nam, nếu nói đến gốm sứ chất lượng cao – Minh Long là cái tên đầu tiên được nhắc tới. Cho đến nay, Minh Long vẫn là một công ty của gia đình họ Lý. Nhà sáng lập - ông Lý Ngọc Minh là Tổng giám đốc và vẫn đam mê công việc dù đã bước vào tuổi 67. Con trai cả Lý Huy Sáng là Phó Tổng giám đốc và 3 người con khác cũng phụ trách các công việc trong của công ty.
Theo chia sẻ của Phó Tổng Giám đốc Minh Long, trên thực tế, người luôn hừng hực "tinh thần startup", luôn muốn thử nghiệm nhiều cái mới, tiến ra thế giới mạnh mẽ… lại chính là nhà sáng lập U70 Lý Ngọc Minh, còn thế hệ F2 lại "thủ nhiều hơn công".
Ông Lý Huy Sáng cũng cho biết thêm, ông Minh thích mạo hiểm với những dự án lớn còn hơn cả người trẻ. Và tất nhiên, nhà sáng lập gốm sứ Minh Long vẫn chưa có kế hoạch nghỉ hưu.
Bà Nguyễn Thị Nga- Chủ tịch Tập đoàn BRG, là người đang nắm khối tài sản khổng lồ và là một trong những nữ doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam.
Vị "nữ tướng" này đã đưa Tập đoàn BRG đi lên từ hoạt động xuất nhập khẩu trước khi đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, khách sạn, sân golf và nhiều lĩnh vực khác.
Mặc dù năm nay đã 65 tuổi nhưng Chủ tịch BRG vẫn đang nắm giữ vị trí quyền lực nhất tại doanh nghiệp này, vị trí quan trọng tại SeABank và là Chủ tịch của Intimex Việt Nam,...
Có thể thấy, dù trong độ tuổi 70 nhưng những nhà sáng lập, "lão đại" của các công ty gia đình đều vẫn còn sung sức, đủ điều kiện về sức khỏe, kinh nghiệm cũng như sự nhạy bén để tiếp tục điều hành doanh nghiệp.
Một tỷ phú đôla đã gần 70 tuổi cho rằng, ở độ tuổi hơn 60 là lúc rất nhiều kinh nghiệm về điều hành, sức khỏe còn tốt thì việc nghỉ hưu không làm gì cả là rất lãng phí. Không những vậy, không làm việc còn làm cho sức khỏe đi xuống rất nhanh.
Bên cạnh đó, dù thế hệ kế nghiệp đã trưởng thành, học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ thế hệ đi trước, thậm chí có thành tựu lớn nhưng vẫn phải đứng sau các "lão đại" chứ không thể trở thành người quyết định đường hướng chiến lược…
Trên thực tế, nhiều nhà sáng lập các công ty gia đình nổi tiếng ở Việt Nam điều hành trực tiếp những công việc quan trọng chủ yếu bởi họ nắm quyền lực chi phối và không có ai buộc họ phải "về hưu".
Dưới sự điều hành của các "lão đại" này, doanh nghiệp có hoạt động tốt hoặc không quá dở.
Vì vậy, tại các doanh nghiệp ở dạng công ty gia đình, áp lực "phải về hưu" có chăng chỉ là sức khỏe của các nhà sáng lập.
Chia sẻ với Trí thức trẻ, một lãnh đạo thuộc cấp điều hành cao nhất của Tập đoàn FPT cho biết: "Ở châu Á nói chung chứ không riêng Việt Nam, trong các tập đoàn lớn, bao giờ cũng tồn tại các ‘lão đại’, sự có mặt của họ cũng có nhiều ý nghĩa trong mối quan hệ ở các dự án lớn. Tuy nhiên, về mặt cơ bản, nếu chuyển giao quyền sớm cho thế hệ kế tiếp để họ được quyết định nhanh chóng các chiến lược tương lai của tập đoàn thì tốt hơn".
Theo Bạch Hiền/ Đời sống & Pháp luật