Lộ trình điện hóa, xanh hóa nhiên liệu cho xe cơ giới theo chỉ đạo của Chính phủ đang dần thành hiện thực. Thế nhưng, việc sử dụng trạm sạc điện tại các chung cư, tòa nhà cao tầng gặp không ít trở ngại.
Những lo lắng chính đáng
Mới đây cư dân tại toà nhà The Vista, An Phú (TP Thủ Đức, TP HCM) xôn xao bàn luận việc có nên lắp trụ sạc điện tại hầm để xe của chung cư hay không? Nếu lắp trụ sạc thì lắp như thế nào để đảm bảo an toàn?
Đa số cư dân vẫn lo ngại những rủi ro cháy nổ khi lắp đặt trụ sạc tại tầng hầm của toà nhà. Nhưng cũng có nhiều cư dân đóng góp ý kiến rất thiết thực, toà nhà nên có khu vực dành riêng cho sạc xe điện các loại, có sự quản lý giám sát chặt chẽ của Ban quản lý.
|
Trạm sạc điện xe ô tô tại một chung cư ở TP HCM. |
Chị Nguyễn Lương, ngụ tại The Vista chia sẻ: “Việc lo sợ các bình điện không an toàn gây nguy cơ cháy nổ là đúng. Nhưng sạc điện xe tại căn hộ của cư dân như hiện tại còn nguy hiểm hơn là tại bãi xe, tại nơi được quy hoạch.
Xu hướng dùng xe điện giờ càng nhiều, nên tôi nghĩ việc lập trạm sạc là rất cần thiết. Ban Quản trị, Ban Quản lý toà nhà có thể quản lý việc sạc của các cá nhân cư dân, đảm bảo an toàn chung cho toà nhà bằng việc quy định địa điểm và thiết lập hạ tầng chuyên trách”.
Chị Nguyễn Thuý Hằng, sinh sống tại đây thì cho hay: “Nhà tôi mới mua xe máy điện cho con đi học, giờ ngày nào cũng phải mang bình lên nhà sạc rất ngại vì mang xe vào thang máy thấy phiền cho mọi người dùng chung. Mong chung cư có trạm sạc xe máy điện và ô tô điện để cư dân tiện lợi hơn”.
Cư dân có nick name Can Trinh nêu quan điểm: Ưu tiên đối tác làm sạc pin nhanh (30 phút), chứ sạc qua đêm thì cũng chỉ giải quyết vấn đề được 1 xe 1 đêm. Cần có quy định và giám sát, chế tài việc sạc pin xong phải đem xe đi để người khác sạc và không đậu vào chỗ sạc. Chọn vị trí trạm sạc ở chỗ ít người đậu để giảm thiểu khả năng bị xe khác đậu vào. Chọn vị trí lắp đặt trụ sạc thoáng nhất để lỡ có sự cố cháy nổ ít ảnh hưởng nhất.
Có cư dân cho rằng: “Ban Quản trị nên kêu gọi các cư dân có kiến thức về trạm sạc tham gia gọi thầu. Vấn đề an toàn và vận hành hiệu quả ưu tiên hàng đầu. Nên đầu tư thiết bị sạc đạt chuẩn cao, có khả năng được các hãng Mercedes, Porsche chấp nhận, để đảm bảo an toàn và xe nào cũng sạc được. Cần tính cho kỹ, trạm sạc được đa dạng các dòng xe, các hãng xe chứ không đơn thuần chỉ là xe đạp, xe máy…”.
|
Sạc pin xe tự phát trong hầm xe toà nhà rất nguy hiểm nếu xảy ra cháy nổ |
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng ban Quản lý toà nhà The Vista cho hay: Ban Quản lý và Ban Quản trị toà nhà hết sức cân nhắc và lên kế hoạch cụ thể từng bước cùng đề án bãi xe lắp trạm sạc xe điện, xác định vị trí lắp trạm trước, rồi thương thảo đến chi phí và an toàn liên quan, công tác quản lý khu vực nạp sạc, những tiêu chuẩn cần thiết đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, giá điện sạc…
Quy trình vận hành thì bên lắp trạm sẽ phải có đội chuyên theo dõi quản lý vận hành và quản lý bằng áp. Cư dân tạo tài khoản trên áp, khi muốn sạc điện cho xe thì mở tài khoản để vào sạc, áp sẽ thông báo số ký điện xe sạc và thanh toán qua áp.
“Chúng tôi quan tâm nhiều tới quy định thời gian trực sạc tại toà nhà của đội bảo trì của đơn vị lắp trạm sạc điện, họ có trực 24/24 hay chỉ một khoảng thời gian trong ngày, khi có sự cố thì họ có phản ứng nhanh kịp thời xử lý sự cố hay phải phụ thuộc đội lực lượng PCCC của toà nhà. Ngoài ra, theo tính toán thì giá điện sạc đang cao hơn so với dùng điện sạc tại nhà vì sẽ tính giá điện kinh doanh. Nên Ban quản lý đang cân nhắc làm việc với đơn vị lắp trụ sạc điện”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho hay.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Ban Quản lý chung cư La Astoria (TP Thủ Đức) cũng từng cho biết, không có nhiều xe điện được cư dân sử dụng tại chung cư. Tuy vậy, Ban Quản lý cũng đang bố trí sắp xếp khu vực sạc xe riêng cho cư dân trên mặt đất để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Khu vực sạc xe sẽ theo giờ cố định, không sạc giờ quá khuya hoặc sáng sớm để đảm bảo an toàn.
Cùng bàn về vấn đề trên, ông Lê Quang Thành, Trưởng ban Quản lý chung cư Hoàng Anh Thanh Bình (quận 7) thì cho hay: “Chung cư chúng tôi quản lý đi vào hoạt động từ năm 2016, dưới hầm xe có bố trí nhiều ổ cắm điện, nhưng do hệ thống ổ điện để sạc xe điện chưa có quy chuẩn chung, nên từ khi tiếp quản chung cư vào năm 2019, Ban Quản lý và Ban Quản trị chưa cho cư dân dùng những ổ này để sạc điện, bảo đảm an toàn cháy nổ… Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể và ban hành quy chuẩn an toàn hệ thống để có căn cứ thực hiện”.
Lắp hệ thống sạc điện phải đảm bảo an toàn
Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an TP HCM từng cho rằng, thiết kế hệ thống điện hay khu vực để xe của nhiều chung cư cũ tại TP HCM chưa có khu dành riêng cho xe điện. Đây là vấn đề phát sinh từ thực tế, đã và đang được cơ quan chức năng giám sát, yêu cầu khắc phục.
|
Khu vực lắp trạm sạc pin xe cần thoáng khí, an toàn phòng chống cháy nổ |
“Việc sạc xe đạp, xe máy điện tại tầng hầm chung cư tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn, có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Các trạm sạc, cổng sạc điện tại hầm giữ xe chỉ được sử dụng khi được cơ quan phòng cháy chữa cháy nghiệm thu, phê duyệt. Đối với các trạm sạc ngoài trời, dù không cần duyệt thiết kế, tuy nhiên đơn vị thi công phải đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng nói.
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khuyến khích các tòa nhà, chung cư lắp đặt hệ thống sạc điện xe bảo đảm an toàn tại khu vực an toàn, cách biệt nơi để xe máy, ô tô chạy xăng. “Ban Quản lý, Ban Quản trị chung cư chỉ cần nộp hồ sơ, chúng tôi sẽ cử cán bộ chuyên môn xuống tận nơi khảo sát, hướng dẫn hoàn thành thủ tục lắp đặt hệ thống sạc điện chuyên dụng, bảo đảm an toàn và hiệu quả, phục vụ nhu cầu chính đáng ngày càng tăng của người dân”, Thượng tá Nguyễn Mạnh Trưởng khẳng định.
Chia sẻ về sự lo ngại sử dụng trạm sạc dễ gây mất an toàn lưới điện, gây cháy nổ, theo PGS.TS Trương Việt Anh, Trưởng Bộ môn Điện công nghiệp, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (TP HCM), đối với lưới hạ thế 0.4kV, trong thời gian đầu để tiết kiệm kinh phí đầu tư lưới điện cho các trạm sạc và thử nghiệm, có thể tận dụng một phần dự trữ có sẵn của hệ thống điện hạ thế hiện hữu nên vẫn có thể kết nối các trạm sạc có chất lượng tốt (sóng hài nằm trong tiêu chuẩn) vào lưới hiện có.
Điều này phải có sự đồng ý của đơn vị quản lý toà nhà và lưới hạ thế hiện hữu. Tuy nhiên, nếu lượng công suất này tăng (nhu cầu xe điện tăng cao - công suất lắp đặt cũng như hệ số điện đồng thời tăng) thì chủ đầu tư phải lắp đặt trạm 22/0.4kV và hệ thống điện hạ thế riêng cho các trạm sạc.
|
Quy định số lượng xe cần sạc pin mỗi lần đảm bảo an toàn cho truyền tải điện |
Trường hợp lưới trung thế 22kV thì các chủ đầu tư hệ thống sạc cần làm việc cụ thể với các công ty điện lực để quy hoạch vị trí, dung lượng các trạm biến áp 22/0.4kV chuyển dùng để lắp trạm sạc điện công cộng, thỏa mãn nhiều mục tiêu. Các vị trí tiềm năng có thể là các cây xăng hiện hữu vì có điện tích mặt bằng lớn, bãi đỗ xe.
Tại các vị trí được quy hoạch cần lắp đặt mái che bằng các hệ thống pin quang điện để giảm tải cho hệ thống trung thế 22kV. Các tiêu chuẩn về sóng hài sẽ do các công ty điện lực ban hành, hay có sự thảo luận chặt chẽ trên cơ sở kinh tế kỹ thuật giữa chủ đầu tư trạm sạc và công ty điện lực. Bên cạnh đó, chính sách bán điện tại các trạm sạc này cần có giá bán online phụ thuộc vào thời điểm và số lượng xe đang sạc trên các ứng dụng điện thoại để lái xe lựa chọn thời điểm sạc và nơi sạc. Điều này sẽ tránh bị quá tải lưới và trầm biến áp.
Đối với lưới truyền tải, hiện tại chưa có tác động nhưng sẽ ảnh hưởng khi có sự chuyển đổi đáng kể từ xe xăng qua xe điện.
Tại các toà nhà cao tầng có những toà nhà hầm xe rất sâu do đó việc lắp đặt các trạm sạc cần lưu ý: Công suất hài đáp ứng các tiêu chuẩn của điện lực. Đặt tại nơi thông thoáng để tránh quá nhiệt tổng thể, có hệ thống bảo vệ cơ điện, phòng chống cháy nổ phù hợp.
“Đã từng xảy ra cháy nổ tại tầng hầm chung cư khi cư dân sạc điện cho xe, do đó việc đảm bảo an toàn cháy nổ khi lắp đặt trụ sạc điện rất cần thiết. Hệ thống điện cấp cho các trạm sạc khi số lượng xe điện nhiều và tính đồng thời tăng cao thì cần phải có hệ thống điện và trạm biến áp 22/0.4kV độc lập với hệ thống điện hiện có của tòa nhà.
Lưu ý, vấn đề quá điện áp tại các tần số cao có thể đánh thủng cách điện của hệ thống điện này gây ngắt mạch và cháy nổ. Việc thiết kế hệ thống điện này cần được thiết kế trong điều kiện tải có công suất hài cao. Không thực hiện lắp đặt các bộ sạc công suất nhỏ vào lưới điện hiện hữu sau quá trình thử nghiệm vì có thể ảnh hưởng đến các thiết bị dân dụng khác cũng như ảnh hưởng cách điện và quá tải dây trung tính của hệ thống hiện hữu có thể gây cháy nổ”, PGS.TS Trương Việt Anh khuyến cáo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg 2022 Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Theo đó, với đường bộ, giai đoạn 2022 - 2030, Việt Nam ưu tiên thúc đẩy, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện, phát triển hạ tầng sạc điện, khuyến khích các bến xe, trạm dừng chuyển đổi theo tiêu chí xanh.
Giai đoạn 2031 - 2050, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch để sử dụng trong nước.
Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như ô tô, xe máy tham gia giao thông phải chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.
Về vận tải công cộng, Chính phủ đặt tham vọng điện hoá sớm hơn, trong đó năm 2025, 100% xe bus thay thế, đổi mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Mục tiêu của việc điện hoá, xanh hoá nhiên liệu cho xe hơi tại Việt Nam cũng phù hợp với các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng "0” vào năm 2050.
Quỳnh Hương