Cua kiểng càng cong, tên tiếng Anh là cua Hainan potamon, có nguồn gốc Đông Dương (không phải loại động vật ngoại lai xâm hại), sống trong môi trường nước ngọt. Cua đực có càng phải rất lớn, cong hơn con cái. Một số loài đột biến thì càng lớn lại nằm bên trái.
Mấy năm trở lại đây, thú chơi các loại thuỷ sinh đang rộ “mốt”, nhiều người tìm mua những con vật độc, lạ. Trong đó, cua kiểng được quan tâm trong thời gian gần đây bởi giá rẻ, phù hợp với nhiều đối tượng, lại có màu sắc bắt mắt.
Chỉ cần gõ tìm kiếm trên mạng xã hội “cua kiểng”, “cua cảnh”, người dùng dễ dàng thấy được rất nhiều thông tin cũng như nơi bán hàng về loại cua này.
Anh Lộc cho biết mỗi tháng 3 cơ sở của anh bán ra thị trường trong nước khoảng 2000 con cua kiểng.
Loại cua này rất dễ nuôi, thức ăn dễ kiếm.
Vốn là người thích chơi các loại thuỷ sinh, anh Hải (Hải Phòng) cũng mua thử một cặp cua kiểng màu đỏ/vàng để thả bể cá nhà mình. “Trong một lần đang xem mạng xã hội, tôi vô tình thấy cua có màu đẹp quá nên cũng tò mò, tìm mua. Tôi bỏ ra hơn 300.000 đồng mua một cặp về nuôi thử xem sao”, anh nói.
Không ngờ, nuôi 4 tháng nay, anh thấy chăm sóc cua kiểng khá dễ, thức ăn là tôm, tép, thức ăn cá nên dễ kiếm, dễ mua, giá cả lại không quá cao, màu sắc đẹp mắt.
Anh Đông – một người chơi thuỷ sinh ở Thái Nguyên, cũng mua 4 con của kiểng về nuôi trong bể cá cảnh từ đầu năm. Anh nhận định nuôi cua rất đẹp, nhìn bể cá đẹp vì có thêm màu sắc. Đặc biệt, cá và cua sống rất hoà hợp, không giết hại hay làm ảnh hưởng đến con nào.
Giá cua cảnh dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn/con.
Trào lưu chơi cua kiểng đang rất rộ từ đầu năm đến nay, anh Hà Xuân Lộc – chủ một cửa hàng cung cấp cua kiểng ở Hà Nội, cho biết mỗi tháng anh bán ra thị trường trung bình khoảng 2.000 con.
Từ năm 2016, anh bắt đầu biết đến và nghiên cứu về loại cua này. Theo tìm hiểu, anh biết được loại cua này là cua nước ngọt trong họ cua núi, có thể tìm thấy trong tự nhiên ở các nước Đông Dương, không nguy hại cho môi trường nhưng rất hiếm người bắt được vì chúng sống sâu trong hốc đá sông, suối. Loại cua này vô hại, khi thuần hóa có thể nuôi bán cạn hoặc thả trong bể cá cảnh.
Theo anh, thú chơi cua kiểng phổ biến nhất ở Trung Quốc và Thái Lan từ những năm 2010. Sau khi tìm hiểu, anh bắt đầu sang Thái Lan để tìm hiểu về mô hình nuôi rồi về nước ứng dụng, thay đổi cho phù hợp để nuôi cua. Thời gian đầu, anh cũng vấp phải những khó khăn trong quá trình nuôi và nhân giống nên đã hơn 2 lần muốn bỏ cuộc.
Vẻ đẹp của con cua phụ thuộc vào màu sắc, không có vết xước và đủ chân đủ càng.
“Với bản chất hung dữ, cua tự cắn chết nhau. Lượng cua sinh sản ra ít, không bằng lượng cua chết nên tôi chỉ muốn bỏ cuộc. Sau đó, tôi phải liên hệ đến các chuyên gia nước ngoài để được hướng dẫn cách nuôi. Từ lúc nuôi đến giờ, tôi phải thay đổi 5 lần mô hình chuồng nuôi mới thấy phù hợp”, anh nói.
Màu sắc của cua rất đa dạng: đỏ, vàng cam, xanh lá, xanh da trời, bạch tạng… Màu của cua hiện tại quy định do gen một phần, một phần do thức ăn, vùng lãnh thổ.
Cua kiểng nuôi không khó vì nó rất khoẻ và dạn người, tuổi thọ trên 10 năm. Chúng có thể nuôi cạn hoặc ngập nước 50-60% cơ thể trong hộp nhựa hoặc bể kính nhỏ. Ngoài ra, người ta thường nuôi theo phong cách bán cạn với các kiểu phối cảnh tự nhiên cùng gỗ lũa, đá cuội và sỏi nhỏ. Hoặc có thể nuôi ngập 100% nước cùng với cá cảnh với điều kiện bổ sung nguồn oxy dồi dào. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu chuẩn bị lột xác nên đưa chúng lên cạn để thuận tiện cho quá trình thay vỏ mới được an toàn.
Nuôi loại cua này, người chơi chỉ cần cung cấp đầy đủ thức ăn như tép, tôm đông lạnh, cám cá chìm… và đặc biệt đa số loài cua cảnh không ăn thực vật nên có thể nuôi kết hợp trong bể thuỷ sinh rất thuận lợi. Sau 8 tháng, chúng có thể sinh sản được và chỉ đẻ 1 lần/năm. Tuy nhiên, trong môi trường nuôi nhân tạo, mật độ đẻ có thể tăng lên 2 lần và có thể hơn nếu biết cách chăm sóc
Anh Lộc dự định thời gian tới sẽ xuất khẩu cua kiểng sang châu Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, việc nuôi cua sinh sản khá khó, vì nó liên quan tới thời tiết, nhiệt độ, mùa ngủ đông, khiến cho chúng thay đổi về nhịp sinh học trong môi trường nuôi nhốt. Nếu không có nhiều kinh nghiệm thì sẽ rất khó phán đoán.
Anh Lộc cho biết tiêu chí đánh giá cua kiếng đẹp đó là: không có vết xước, đủ chân đủ càng, màu sắc ấn tượng. Kích thước cua kiểng được đo theo chiều ngang của mai, từ 3-7cm, mức giá dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/con.
Trước đây, anh chủ yếu nuôi cua và xuất bán sang các thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan và Đài Loan. 2 năm trở lại đây, anh mới phát triển thị trường trong nước và được rất nhiều “dân chơi” các loài thuỷ sinh hào hứng, đến mua.
“Hiện, tôi đã mở 3 cơ sở: Hà Nội, TP HCM và Đà Lạt. Lượng cua bán ra cũng rất ổn định mỗi tháng”, anh chia sẻ.
Theo Nguyễn Thơm/Dân Việt