Quả trám là món ăn bình dân rất đỗi quen thuộc với nhiều người, nhưng đối với người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang thì nó lại là một trong những đặc sản nổi tiếng.
Quả trám có hai loại: trám trắng và trám đen. Trám trắng thường dùng làm mứt, ô mai. Trám đen dùng làm các món kho, sốt với cá..., đặc biệt nếu làm món xôi trám đem thì ngon "quên sầu".
Trám đen là cây thân mộc, thuộc loại cây lưu niên có thể sống trên một trăm năm. Quả trám hình thoi, khi chín có màu tím thẫm, cùi màu vàng, hạt nhọn hai đầu, nhân hạt trắng ngần.
Mùa thu hoạch trám bắt đầu từ tháng 7 âm lịch, kéo dài đến khoảng tháng 9 âm lịch, sau đó quả tự chín và rụng dần.
Những năm trước giá trám dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ được 50.000 đồng/kg nhưng hai năm nay trám đen được nhiều người biết đến, hàng càng ít nên lại được giá hơn dao động từ 90.000 - 110.000/kg, riêng hàng loại 1 có thể lên tới 150.000 đồng/kg.
Là người buôn trám chuyên nghiệp, anh Thanh Bình (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cứ đến mùa trám, anh có thể chốt hàng trăm đơn hàng mỗi tuần. So với trám trắng, trám đen được mua nhiều hơn cả và có giá cao gấp 3 - 4 lần. Tuy nhiên, đi với đó là việc tìm nguồn trám rừng cũng trở nên vất vả hơn. Ngoài một số mối quen biết cũ, anh còn phải lặn lội đến các vùng quê để hỏi tìm mua trám rừng. Thậm chí, có nơi người ta không chịu bán theo cân mà bán "quạ" cả cây cũng phải chấp nhận mua.
Cũng là người bán trám nhiều năm, chị Thu Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ càng ngày càng khó để thu mua được quả trám, "Những năm trước tôi chỉ cần dặn chủ vườn là khi thu hoạch người ta sẽ mang trám sang tận nhà rồi mới trả tiền nhưng năm nay do trám hiếm, giá lại cao nên tôi phải đặt tiền trước rồi tính toán sau" - chị nói.
Chị Hà cho biết thêm, cứ đến mùa trám chị em nội trợ ở Thủ đô đặt mua rất nhiều. Có chị nhà khá giả còn chi ra cả tiền triệu mua 10kg, thậm chí 15kg vừa ăn vừa đem đi biếu. Với mỗi kg khoảng 90.000 đồng thì với 15kg khoảng 1,35 triệu đồng.
Trám đen trước khi ăn phải om cho mềm. Nước om trám đun vừa tới độ sủi tăm (khoảng 70o C), cho trám vào và đậy vung kín, 20 phút vớt ra, để ráo, bổ dọc quả, bỏ hạt.
Thứ quả này nếu ngâm trong nước càng nóng, càng lâu thì càng rắn; nhược bằng đem đun lâu thì nó dai như miếng cao su.
Trám chín đúng độ là cùi của nó không rắn, không nát, dùng dao nhỏ có thể dễ dàng tách thịt trám khỏi hạt, khi ăn chấm muối vừng, tương gạo hoặc nước thịt kho tàu, rất bùi.
Theo Lily/ Gia đình & Xã hội